Thị trường tiền tệ đang chờ đợi quyết định của NHNN về việc có dỡ trần lãi suất huy động như kiến nghị của các NHTM. Tuy nhiên, theo TS. TRẦN DU LỊCH, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện nay chưa phải là thời điểm bỏ trần lãi suất. Ông lịch nhận định:
Theo tôi, trong thời điểm hiện nay cần phải giữ trần lãi suất huy động. Bởi lẽ thị trường tiền tệ nước ta chưa ổn định, nếu dỡ trần sẽ tạo điều kiện để các NH nhỏ chạy đua lãi suất huy động, có thể đẩy lãi suất lên đến 14-15%/năm. Điều này sẽ khiến các NH lớn đang duy trì lãi suất ổn định cũng lao vào cuộc đua để giữ chân khách hàng.
Hơn nữa, chính sách tiền tệ phải bảo đảm một mức lãi suất dương phù hợp với CPI, thúc đẩy người dân lựa chọn kênh đầu tư hợp lý. Thí dụ, năm nay dự kiến lạm phát 8%, và lãi suất huy động 10%, mức chênh lệch lãi suất thực dương 2% là phù hợp. Theo tôi, NHNN cần xử lý nghiêm trường hợp các NH vi phạm trần lãi suất huy động, dù bất cứ hình thức nào. Theo đó, NH nào vi phạm vượt trần huy động, NHNN tăng dự trữ bắt buộc đối với NH đó. Xử lý nghiêm việc này, tình trạng lách trần huy động sẽ không diễn ra.
Giao dịch tại Sacombank. Ảnh: LÃ ANH |
PV: Nhưng nếu khống chế trần lãi suất huy động, các NH khó hút vốn để cho vay?
TS. TRẦN DU LỊCH: Khi NH khó huy động vốn buộc phải giảm đầu ra, không thể ồ ạt chạy đua tín dụng trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp. Năm ngoái tăng trưởng kinh tế chỉ 5% mà dư nợ tín dụng tăng 37% là bất hợp lý. Năm nay tăng trưởng tín dụng 25% là cao nếu tăng trưởng kinh tế 5-7%. Những năm trước 2006, kinh tế tăng trưởng 8,5%, dư nợ tín dụng bình quân 24% do huy động được từ nhiều nguồn vốn trực tiếp khác.
Nhưng năm nay nếu chỉ số lạm phát 8% mà huy động 12-13% sẽ gây áp lực với cổ đông, bởi cổ đông sẽ so sánh thiệt hơn giữa việc góp vốn để nhận cổ tức với việc gửi tiền vào NH trong bối cảnh lãi suất tiền gửi cao. Vì vậy, không nên để mức lãi suất thực dương quá cao mà cần phát triển thị trường vốn trực tiếp để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh chứ không thể chỉ tìm vốn từ NH.
- Theo ông duy trì cơ chế lãi suất cho vay hiện nay có phù hợp?
- Việc cho phép hình thành và tồn tại 2 loại lãi suất trên thị trường, một nơi bị khống chế 150% lãi suất cơ bản, một nơi cho vay theo lãi suất thỏa thuận là không phù hợp, sẽ xuất hiện tiêu cực khó kiểm soát. Lãi suất cho vay thỏa thuận hiện nay đối với các NHTM trung bình 15-17%/năm, thậm chí lên đến 18-20%/năm.
Trong điều kiện tín dụng phi chính thức còn tồn tại quy mô lớn, có những phi vụ doanh nghiệp thu lãi rất cao. Nếu thời cơ đến, họ chấp nhận vay lãi cao, nhưng đó chỉ là cá biệt, còn thực tế các doanh nghiệp làm ăn bài bản không thể vay mức lãi suất cao như vậy. Một trong những thay đổi cần thiết là cơ chế điều hành, không chỉ dừng ở việc cho vay thỏa thuận đối với tín dụng trung-dài hạn, tiêu dùng mà phải mở nút thắt cho vay ngắn hạn để các NHTM cạnh tranh với nhau. Lãi suất cơ bản lúc này mang tính định hướng thị trường, là lãi suất trung bình của các NH lớn hình thành.
- Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng năm nay các NHTM đối mặt với nhiều khó khăn trong tăng trưởng tín dụng vì nguồn tiền gửi không tăng?
- Thực tế khi mở cửa cho áp dụng lãi suất thỏa thuận đã có nhiều NH nhỏ đổ xô tìm cách đẩy tín dụng cho vay lãi suất cao để tìm kiếm lợi nhuận. Điều này dẫn đến mất cân đối trong huy động và cho vay. Hai năm rồi, khi kinh tế khủng hoảng, các NHTM nước ta vẫn thu lãi rất cao, được xếp vào loại ngành có lợi nhuận tốt nhất. Đã đến lúc các NHTM phải tính bước phát triển dài hạn và ổn định. Bởi tăng trưởng tín dụng bằng cách đẩy lãi suất cho vay ngất ngưỡng tất yếu sẽ dẫn đến rủi ro cao.
Mục tiêu nhắm đến khi mở cửa cho vay lãi suất thỏa thuận phải nên hiểu theo hướng thúc đẩy cạnh tranh giảm lãi suất cho vay. NHNN cũng cần phải tăng cường thanh tra, giám sát bằng các chỉ tiêu, quy định về an toàn tín dụng. Việc NHNN sẽ thanh tra các NHTM nào huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng cao hơn 20% so với huy động vốn từ thị trường tiền gửi sẽ ngăn chặn tình trạng các NHTM tăng trưởng tín dụng quá nóng, dễ gây rủi ro thanh khoản và bất ổn thị trường.
- Xin cảm ơn ông.
(Theo Dịu Ngân // SGGP Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com