Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nút thắt tín dụng: "Trạng chết, Chúa cũng băng hà"

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố giảm lãi suất theo lộ trình. Nhưng ở nhiều ngân hàng thương mại (NHTM), lãi suất huy động không giảm mà còn tăng, trong khi tín dụng tiếp tục tăng trưởng âm.

 
Đề tín dụng, thống kê của NHNN cho thấy, đã ba tháng liên tiếp tín dụng tăng trưởng âm. Cụ thể, tháng 1/2012 so với cuối năm 2011 tín dụng giảm 0,79% (bằng VND giảm 0,21%, bằng ngoại tệ giảm 2,93%). Tháng 2/2012 tín dụng giảm 0,53% so với tháng trước (tín dụng bằng VND giảm 0,371%, bằng ngoại tệ giảm 1,11%). Tính cả ba tháng đầu năm, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giảm khoảng 2,13% so với cuối năm 2011. Những số liệu thống kê cho thấy, có vẻ như việc khống chế tốc độ tăng trưởng tín dụng cho năm nay là việc làm không cần thiết.

Nguội lạnh tín dụng

Ngay sau khi NHNN công bố quyết định áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên ở mức 13%/năm vào ngày 12/3, giảm 1 điểm phần trăm so với trước đó, nhiều NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, thị trường lại dấy lên cơn sóng ngầm về lãi suất thỏa thuận. Ngân hàng nhỏ phá rào đã đành, ngân hàng lớn cũng phá theo vì lo sợ không giữ chân được khách hàng. Thanh khoản của các NHTM chưa thực sự được giải quyết. Chỉ có một số ít "nhà giàu" là các NHTM Nhà nước là dư dả về tín dụng. "Nhà" dư dả một chút là các ngân hàng thương mại cổ phần lớn. Số này vẫn đang cố giữ khách hàng bằng lách trần lãi suất. Còn lại là nhóm giật gấu vá vai, huy động với lãi suất rất cao nhằm thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ. Một lãnh đạo NHTM tiết lộ, ngân hàng này nhận được yêu cầu về mức lãi suất huy động cho món gửi tiền tỷ là 20%/năm! Không cần "khủng" đến mức đó, nhưng chỉ nhìn vào các chương trình khuyến mại để thu hút tiền gửi cũng thấy cuộc tranh giành tiền gửi giữa các NHTM, bất kể lớn hay nhỏ, chưa khi nào nguội.

Trong khi đó, theo thống kê của NHNN, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu ở mức 14,5-16%/năm, thấp nhất là 13,5%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 16,5-20%/năm; cho vay lĩnh vực phi sản xuất 20-25%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn là 7,5-9%/năm. Tiếp tục có thêm nhiều NHTM công bố có những gói tín dụng lãi suất ưu đãi, nhưng thực tế nguồn vốn với giá rẻ được giải ngân như thế nào thì... chỉ họ mới biết. Nhưng rõ ràng về tổng thể, tín dụng vẫn tăng trưởng âm.

"Trạng chết, Chúa cũng băng hà"

Ngân hàng dù lớn hay nhỏ thì vai trò chính của họ vẫn là trung gian tài chính, huy động của người dư thừa vốn, đưa đến người cần vốn. Quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là "nước nổi thì thuyền nổi", nhưng giờ doanh nghiệp đang "teo" dần, vậy ngân hàng huy động để cho ai vay? Hay nói cách khác, mối quan hệ này giờ có nguy cơ: "Trạng chết, Chúa cũng băng hà". NHTM có muốn tăng tín dụng không? Tất nhiên là có. Vậy gỡ cách nào?

Thứ nhất, phải thừa nhận nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp, ngân hàng đang trong bối cảnh rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Thị trường chứng khoán cứ xanh được một chút lại tràn ngập sắc đỏ; thị trường bất động sản vẫn bất động. Chính phủ, NHNN chủ trương kiềm chế lạm phát, yếu tố tăng trưởng được đẩy xuống thứ yếu, mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, doanh nghiệp không thể kham nổi... Mà tín dụng vốn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nên mối quan hệ tương tác rất lớn.

Thứ hai, ngành ngân hàng đang bước vào cuộc "cách mạng" lớn. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, đến thời điểm này số lượng các ngân hàng khó khăn chỉ có 6%, tập trung vào 9 ngân hàng mà NHNN đã khoanh vùng quản lý. Nhưng có vẻ như việc xử lý các ngân hàng yếu kém này của NHNN quá chậm. Đặc biệt thông tin về việc các ngân hàng bị mua bán, sáp nhập không được công bố rõ ràng, hầu hết chỉ là... tin đồn, càng làm cho thị trường bất an. Những ngân hàng khác, dù không bị rơi vào nhóm này, nhưng cũng lấy an toàn là trên hết, không dám đẩy mạnh tín dụng vì sợ rủi ro tăng sẽ bị đánh tụt hạng. Như vậy để sớm ổn định thị trường, NHNN phải xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Đối với những NHTM nào có vấn đề về thanh khoản mà còn "cứu vớt" được thì cần sớm có biện pháp hỗ trợ để tránh thị trường cứ phải "nhảy" theo điệu thiếu thanh khoản của một bộ phận nhỏ ngân hàng yếu. Nên dù muốn, ngân hàng không hạ được lãi suất cho vay. Nhưng quan trọng nhất, để giải quyết dứt điểm vấn đề thanh khoản thì các NHTM phải cơ cấu lại kỳ hạn huy động và cho vay. Nếu hơn 90% vốn huy động là ngắn hạn mà cho vay trung dài hạn vẫn chiếm đến 40% thì các NHTM không thể thoát khỏi nguy cơ thiếu hụt thanh khoản.

Thứ ba, rất nhiều NHTM đang mắc "kẹt" với bất động sản. Tiền cho vay, tiền trực tiếp đầu tư vào các dự án liên quan đến bất động sản bị "giam" đã quá lâu, nguy cơ nợ xấu sẽ tăng mạnh nếu thị trường này tiếp tục đóng băng. Vì thế, "cứu" bất động sản cũng sẽ là cứu một bộ phận không nhỏ của ngân hàng! Và sẽ không chỉ là tín dụng bất động sản, các hình thức tín dụng tiêu dùng khác nếu không được khuyến khích thì nhu cầu chi tiêu sẽ tiếp tục giảm, hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng, tình trạng lạm phát đình đốn sẽ không còn là mối lo mà trở thành hiện thực. Và cuối cùng, mối lo lớn nhất của các NHTM vẫn là rủi ro tín dụng, nợ xấu tăng. Vì thế họ sẽ chọn lọc khách hàng kỹ lưỡng hơn, nên bản thân doanh nghiệp cũng cần có biện pháp để mình "có giá" trong mắt ngân hàng. Vì dù gì, doanh nghiệp - ngân hàng đang cần lẫn nhau.
 
Bài:Thái Thanh
Minh họa:H.P
Nguồn: DDDN

----------------------------------------------------
 

Lãi suất “ảo” sẽ hết đất sống?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu 12 NH lớn chiếm 85% thị phần tín dụng thiết kế các chương trình giảm lãi suất cho vay các DN và báo cáo việc giải ngân cho NH Nhà nước thông qua Vụ Chính sách tiền tệ.

 
 
ACB công bố giảm lãi suất cho vay (ảnh chụp trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Theo các chuyên gia, quy định này sẽ dẹp được tình trạng NH công bố một đằng, áp dụng lãi suất (LS) một nẻo như hiện nay.

Ưu đãi để lấy... tiếng

Ông Trần Văn Dương, giám đốc Công ty An Thái Dương - chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản, cho biết khi thấy NH công bố giảm LS, công ty đã liên lạc với các NH để vay nhưng NH viện ra rất nhiều lý do để từ chối. NH soi mói hồ sơ từng tí để bắt bẻ các lỗi sai và từ chối cho vay nếu chưa đạt. Khi hồ sơ hoàn chỉnh, nhân viên lại cho biết dư nợ đã đủ chỉ tiêu nên phải chờ xin ý kiến... chỉ đạo mới trả lời. “Chúng tôi là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thuộc diện được ưu tiên cho vay LS thấp hơn. Thấy có gói LS 17% của một NH cổ phần nhưng đăng ký đến nay chưa được” - ông Dương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lành - phó giám đốc Công ty TNHH Phúc Thịnh Vina, đơn vị còn một khoản vay với LS 23,5%/năm và đáo hạn vào tháng 6-2012 - cho biết đã thăm dò nhiều NH với hi vọng vay được vốn với LS rẻ hơn. Tuy nhiên NH yêu cầu phải thanh toán hết nợ cũ. “Giữa tháng 2 vừa qua, sau khi trả nợ một khoản vay với LS 20,6%/năm, công ty đã làm hồ sơ vay mới nhưng đến nay vẫn chưa tiếp cận được vốn. Nhân viên NH cho biết có nghe LS giảm nhưng chưa nhận thông báo chính thức từ hội sở” - ông Lành nói.

Theo ông V. - giám đốc một công ty sản xuất đồ gỗ tại Bình Dương, nhiều NH công bố các gói cho vay với LS hấp dẫn nhưng khi đặt vấn đề vay thì đều bị từ chối, đến nay các khoản vay của công ty có LS từ 19-22%...

“Dụ” khách bằng khoản vay ngắn hạn LS thấp

Thời gian qua, nhiều NH đã tung chiêu để kích thích doanh nghiệp, cá nhân vay tiền, phổ biến nhất là giảm LS cho vay trong ba tháng đầu tiên. Tuy nhiên theo các chuyên gia, rủi ro về LS rất lớn do các NH chỉ cố định lãi suất trong ba tháng đầu, từ tháng thứ tư áp dụng theo LS công bố của các NH, thường là LS huy động 12 tháng cộng biên độ 6-8%/năm, tính ra vượt 20%/năm. Chính các NH cũng thừa nhận điều này.

Trao đổi với  PV, phó tổng giám đốc một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết NH lãi nhiều chính là ở những khách hàng cũ, do sau ba tháng LS cho vay sẽ tự động điều chỉnh lên. Trường hợp LS cho vay trên thị trường đi xuống, NH chỉ giảm LS cho người vay mới, còn người vay cũ vẫn phải chịu lãi vay cao do vướng ràng buộc về biên LS. “Tất nhiên NH sẽ cố giữ khách hàng bằng cách giảm lãi chút ít, nhưng mức giảm không đáng bao nhiêu” - vị phó tổng giám đốc này cho biết. Một số NH khác lại công bố “lấp lửng” rằng LS cho vay thấp hơn 1-1,5%/năm so với LS cho vay thông thường, nhưng LS thực tế chẳng những không giảm mà còn lại tăng.

Nhận định về các chương trình cho vay tái cấu trúc tài chính được nhiều NH công bố gần đây, ông Đỗ Minh Toàn - phó tổng giám đốc NH ACB - cho rằng thực chất là tái tài trợ khoản vay cho doanh nghiệp, với thời hạn dài hơn nhằm giảm bớt áp lực trả nợ. Ngoài việc giúp doanh nghiệp tái cơ cấu lại khoản vay, theo ông Toàn, đây cũng là hướng để đẩy vốn ra thị trường, do cửa tăng tín dụng hiện nay khá hẹp.
 -----------
 
Theo TT


 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Vàng “phi SJC” sẽ ra sao?
  • 'Giật mình' với những vụ thâu tóm ngược của đại gia Việt
  • Bùng nổ mua, bán dự án địa ốc thời khủng hoảng
  • Đầu tư vào ngân hàng: Rót ngàn tỷ vẫn không run
  • Đại gia giấu mặt: Tầng lớp siêu giàu xuất hiện?
  • Đủ chiêu trò kiếm lời từ buôn vàng
  • Mua bán doanh nghiệp: Vốn ngoại làm chủ cuộc chơi
  • Quản trị rủi ro tác nghiệp: Các ngân hàng Việt Nam đã sẵn sàng?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!