![]() |
Kế hoạch bơm tiền của FED bị nhiều nước chỉ trích. Ảnh: AFP |
Các nước chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch trên của Mỹ và cho rằng hành động này có thể làm suy yếu đô la Mỹ, gây tác hại đến hàng xuất khẩu sang Mỹ khi làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đắt hơn.
Ngày 3-11, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố kế hoạch nới lỏng định lượng mới, bơm 600 tỉ đô la Mỹ để mua trái phiếu kho bạc nhằm kích thích phục hồi kinh tế. Đây được coi là chương trình nới lỏng định lượng thứ hai (QE2) của FED sau chương trình đầu tiên vào cuối năm 2008.
Theo kế hoạch, FED sẽ mua vào khoảng 75 tỉ đô la Mỹ trái phiếu kho bạc Mỹ mỗi tháng, từ nay tới hết tháng 6-2011. Và quy mô của các đợt mua có thể được điều chỉnh tùy theo mức độ phục hồi của nền kinh tế.
Phản ứng của các nước
Đức, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi chỉ trích kế hoạch trên của Mỹ. Hành động này của FED có thể làm suy yếu đô la Mỹ và gây tác hại đến hàng xuất khẩu sang Mỹ khi làm cho hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đắt hơn.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên thúc giục cải cách tiền tệ toàn cầu. Ông Chu cho biết nếu chính sách trong nước là chính sách tối ưu cho riêng Mỹ nhưng không phải là chính sách tối ưu cho thế giới thì nó có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực đến thế giới.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết FED có quyền thực hiện các bước đi mà không cần tham vấn các nước khác nhưng, ông nói: “Họ nợ chúng tôi một lời giải thích”. Các quan chức Trung Quốc cũng đã xem xét các bước nới lỏng định lượng của Mỹ và cảnh bảo chúng có thể gây ra một dòng tiền nóng đổ vào Trung Quốc.
Về phía Đức, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble cho biết chính sách trên sẽ không giải quyết được những vấn đề của Mỹ và sẽ tạo ra thêm vấn đề cho thế giới. Chính phủ Đức sẽ tổ chức cuộc đàm phán song phương với các quan chức Mỹ và sẽ thảo luận về chủ đề này tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới ở Seoul (Hàn Quốc).
Trong khi đó, Nam Phi cho biết các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nước này sẽ phải chịu đựng gánh nặng từ quyết định mà không hề xem xét hậu quả đối với các nước khác của Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Pravin Gordha, cho rằng chính sách của Mỹ hủy hoại tinh thần hợp tác đa phương mà các nhà lãnh đạo G20 đã phải đấu tranh rất nhiều để duy trì suốt cuộc khủng hoảng hiện nay.
Ngày 4-11, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cũng cảnh bảo động thái của FED sẽ làm tổn hại đến Brazil và các nhà xuất khẩu khác.
Và lập luận của Mỹ
![]() |
Chủ tịch FED Ben Bernanke bảo vệ FED trước lời chỉ trích của các nước. Ảnh: AFP |
Chủ tịch FED Ben Bernanke ngày 5-11 lên tiếng bảo vệ FED trước những chỉ trích của các nước trên thế giới. Ông Ben Bernanke cho biết FED phải tập trung giải quyết các vấn đề ở nước Mỹ hơn là bên ngoài và mục tiêu đầu tiên là phải ổn định giá cả và tạo được nhiều việc làm nhất tại Mỹ.
FED mua trái phiếu kho bạc để giảm tỷ lệ thất nghiệp 9,6% và giữ lạm phát chậm lại. Quyết định của FED nhằm hạ thấp hơn nữa chi phí vay vốn của cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đang gánh chịu hậu quả của đợt suy thoái tồi tệ nhất. Ông cũng cho rằng kinh tế Mỹ phục hồi mạnh trở lại là rất quan trọng, không chỉ đối với riêng nước Mỹ mà còn đối với sự ổn định toàn cầu.
Trả lời câu hỏi của các sinh viên đại học tại Florida, ông Ben Bernanke nhấn mạnh các chính sách của FED với mục đích thúc đẩy sự phục hồi yếu ớt của Mỹ sẽ mang lại lợi ích trên thế giới. Đô la Mỹ đã suy yếu mạnh. Ông Ben Bernanke cho biết các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của đồng đô la trong nền kinh tế toàn cầu như là một đồng tiền dự trữ. Việc mua trái phiếu nhằm mục đích giảm lãi suất, tạo sự kích thích cho nền kinh tế với hy vọng tạo ra sự hồi phục nhanh hơn và tỷ lệ lạm phát phù hợp với sự ổn định lâu dài.
Đưa vấn đề ra hội nghị APEC và G20
Bộ trưởng tài chính các nước châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, gặp nhau vào ngày 6-11 trong bối cảnh các chỉ trích chính sách tiền tệ Mỹ đang tăng lên. Nước chủ nhà Nhật Bản cho biết khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ đưa ra tuyên bố tái khẳng định cam kết quy định tài chính, thương mại tự do và đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ tại Kyoto khó làm lắng dịu những bất hòa trước hội nghị thượng đỉnh G20 khi một số nước đang chỉ trích nặng nề chính sách của Mỹ, trong đó có cả Trung Quốc.
Chính sách tiền tệ của FED có thể gây tổn hại đến những nền kinh tế mới nổi và các nước khác. Do đó, điều hiển nhiên là nó sẽ phải chịu chỉ trích từ nhiều phía và có vẻ như nó sẽ tạo thành vấn đề gây tranh cãi tại hội nghị G20.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // Reuters)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com