Hơn 1 năm trước đây, với việc có cổ đông chiến lược là hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của Australia - Qantas, Jetstar Pacific – JP (tên mới của Pacific Airlines – PA) từng được giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng kỳ vọng sẽ trở thành “đối trọng” của Vietnam Airlines (VNA).
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất, con số lỗ lũy kế của hãng tính đến tháng 10/2008 dự kiến vào khoảng 55 triệu USD.
Truy tìm nguyên nhân
Theo Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – đơn vị nắm giữ hơn 75% vốn điều lệ của JP - chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2008, hoạt động kinh doanh của JP đã thua lỗ 10,7 triệu USD. Đến hết tháng 10/2008, dự kiến số lỗ sẽ là 22 triệu USD, nâng tổng số lỗ lũy kế của Jestar Pacific đến thời điểm này gần 55 triệu USD.
Theo báo cáo của SCIC, nguyên nhân thua lỗ trước hết xuất phát từ yếu tố khách quan, như giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí đầu vào tăng cao, tỷ giá biến động mạnh (nguồn thu chính của JP chủ yếu là bằng VND, trong khi khoảng 80% các khoản chi phí phải thanh toán bằng USD), hoạt động kinh doanh hàng không nói chung của ngành vận tải hàng không cũng như của Cty tiếp tục xấu đi...
Ngoài ra còn do cơ chế chính sách và môi trường kinh doanh chưa thuận lợi mà cụ thể là môi trường kinh doanh hàng không trong nước vẫn chưa được cải thiện, nhà đầu tư nước ngoài chưa yên tâm…
Làm phép tính so sánh: Nếu như, 6 tháng số lỗ là 10,7 triệu USD thì sau đó 4 tháng, tính đến tháng 10 con số lỗ đã tăng hơn 2 lần. Căn cứ vào tình hình thực tế thời gian qua, thì con số lỗ của JP lại càng đáng ngạc nhiên, bởi 6 tháng đầu năm là thời gian giá cả tăng cao, tỷ giá biến động mạnh nhưng số lỗ lại ít hơn 4 tháng sau đó - thời điểm mà giá cả nguyên liệu đã giảm và tỷ giá đã ổn định hơn.
Ngoại trừ nguyên nhân lỗ do môi trường kinh doanh như SCIC nêu trên, có thể thấy số lỗ của JP còn có thêm phần nằm ở cách điều hành của doanh nghiệp, chẳng hạn như vấn đề chi phí.
Theo các thông tin được đăng tải rộng rãi, các chi phí JP bỏ ra thời gian qua khá lớn như: chi phí tiền lương cho người nước ngoài, chi phí JP trả cho Jetstar gồm phí thương hiệu và dịch vụ kinh doanh gần 3 triệu USD/năm...
Trước thực tế này, đã có ý kiến bày tỏ sự quan ngại về việc liệu có chuyện đối tác nước ngoài đang tìm cách “lỗ kỹ thuật” để tìm cách kiểm soát JP như đã từng xảy ra với trường hợp Coca Cola trước đây?
Tuy nhiên, người trong giới am hiểu cũng nhất trí rằng dù JP có tìm cách “lỗ kỹ thuật” hay không thì rõ ràng việc đối tác nước ngoài kêu về môi trường kinh doanh của công ty không thuận lợi cũng là điều đáng phải lưu ý.
Nhất là khi “anh cả” VNA đang chiếm phần lớn thị phần và đang có những ưu thế mà khó doanh nghiệp kinh doanh hàng không nào có được (gần đây khi Cục Hàng không Việt Nam từ chối cấp thương quyền bay quốc tế tới 10 thị trường mới và cho rằng, Jetstar Pacific không được sử dụng biểu tượng giống hãng Jetstar của Australia và sự từ chối này đã vấp phải phản ứng của SCIC…)
Các phương án giải cứu
Tại tờ trình Thủ tướng Chính phủ gần đây (số 1883/ĐTKDV-ĐT2 ngày 21/11/2008), điểm mới nhất trong phương án “giải cứu” JP của SCIC so với những báo cáo trước đó, đó là thay vì cho phép Qantas được nâng tỷ lệ nắm giữ lên 49% vốn điều lệ (tại tờ trình số 1617/TCT-ĐT2 ngày 3/10 trước đó).
SCIC đã chuyển hướng xin phép Thủ tướng Chính phủ: Cho phép các nhà đầu tư trong nước có đủ năng lực tài chính và có khả năng hỗ trợ cho hoạt động được tham gia đầu tư vào công ty thông qua hình thức Công ty phát hành tăng vốn trong nước hoặc SCIC được thỏa thuận chuyển nhượng quyền mua cổ phần tăng vốn của mình cho nhà đầu tư trong nước khác.
Cho phép SCIC giảm tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ tại công ty; Nhà ĐTNN tiếp tục nắm giữ tỷ lệ vốn điều lệ tại công ty như phương án đã được Thủ tướng phê duyệt số 480 (ngày 25/4/2007).
Cùng lúc này, giải pháp được đa phần giới tài chính ủng hộ đó là nên tìm cách tháo gỡ những khoản lỗ của JP, tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, định hướng lại mục tiêu kinh doanh của JP, đừng vội “bành trướng” để vượt qua tình hình khó khăn hiện nay (SCIC đã chỉ đạo công ty tiết kiệm chi phí giảm tần suất hoặc hủy một số đường bay không hiệu quả).
Cũng phải nói thêm rằng trong cuộc làm việc giữa lãnh đạo SCIC với lãnh đạo Tập đoàn Qantas (cổ đông nước ngoài hiện nắm 18% vốn điều lệ JP) và lãnh đạo Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (nắm 6,1% vốn điều lệ), đối tác nước ngoài vẫn tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về môi trường kinh doanh hiện nay và quan điểm của Qantas là “sẽ chỉ đầu tư thêm vào công ty với điều kiện môi trường kinh doanh của công ty được cải thiện một cách đáng kể, để công ty có thể cạnh tranh lành mạnh”.
Nhận định chung của các chuyên gia tài chính đều cho rằng việc định hướng cho JP phát triển sẽ là cách tốt nhất để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho thị trường hàng không Việt Nam.
(Theo TPO)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com