Trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đến kinh tế nước ta, cuối năm 2008 Chính phủ đã chuyển hướng ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát sang chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, cụ thể hóa bằng việc triển khai các gói kích thích kinh tế khoảng 150.000 tỉ đồng, bao gồm: Hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng 17.000 tỉ đồng; tạm thu hồi vốn đầu tư xây dựng ứng trước 3.400 tỉ đồng; ứng trước ngân sách Nhà nước để thực hiện một số dự án cấp bách 37.200 tỉ đồng; chuyển nguồn vốn đầu tư kế hoạch năm 2008 sang năm 2009 30.200 tỉ đồng; phát hành thêm trái phiếu Chính phủ 20.000 tỉ đồng; thực hiện chính sách giảm thuế 28.000 tỉ đồng; tăng dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp (DN) 17.000 tỉ đồng...
Nhiều lĩnh vực khởi sắc
L.T.S: Đến ngày 31-12, gói kích cầu bù lãi suất 4%/năm cho doanh nghiệp khi vay vốn lưu động ở các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt. Có nên tung thêm gói kích cầu nữa, đó là vấn đề đang được dư luận quan tâm. Chuyên đề này như một kênh tập hợp ý kiến của các chuyên gia kinh tế, chủ doanh nghiệp để hiến kế cho các cơ quan Nhà nước trong việc ban hành những quyết sách liên quan |
Sau hơn 7 tháng, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế quý I 3,1%; quý II 4,5%; kinh tế vĩ mô tiếp tục được kiểm soát và bảo đảm các cân đối lớn (lạm phát 3,22%; nhập siêu 3,4 tỉ USD tương ứng 10,5% kim ngạch xuất khẩu; giải ngân vốn FDI 4,6 tỉ USD và ODA 1,4 tỉ USD, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt ở mức thấp, thu chi ngân sách Nhà nước đạt khá so với cả năm).
Hoạt động sản xuất - kinh doanh giảm dần khó khăn và tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được bảo đảm. Sức mua của thị trường nội địa tăng ở mức cao (tổng mức bán lẻ tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2008). Thị trường tiền tệ tương đối ổn định và hoạt động ngân hàng bảo đảm an toàn. Thị trường bất động sản và chứng khoán hồi phục.
“Liều thuốc” bù lãi suất phát tác
Trong các gói kích thích kinh tế kể trên, quan trọng bậc nhất là gói kích cầu bù lãi suất 4%/năm (trị giá khoảng 17.000 tỉ đồng), được thực hiện từ đầu tháng 2-2009. Sau 7 tháng áp dụng, “liều thuốc” này đã phát tác mạnh, được xem là chiếc phao cứu sinh cho rất nhiều DN, là động lực quan trọng đưa nền kinh tế thoát khỏi bão suy thoái.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng 7 tháng qua ở mức cao (22,61%), góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Trong hơn 403.000 tỉ đồng đã cho vay, tính đến nay 15,6% dành cho DN Nhà nước; 17,4% dành cho các hộ sản xuất cá thể và 67% thuộc về khối DN tư nhân. Ngoài ra, theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, mục tiêu hàng đầu của gói kích cầu này đã đạt được, đó là tạo điều kiện cho DN, hộ sản xuất giảm chi phí vay vốn khoảng 30%-40%; giảm giá thành từ 2%-6%;duy trì sản xuất kinh doanh, tạo được việc làm cho người lao động, có 91% DN nhỏ và vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh.
Không cần phát hành thêm tiền
Đến cuối tháng 7-2009, có ý kiến cho rằng dư nợ 403.488 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất là lượng tiền cung ứng (phát hành ra lưu thông). Tuy nhiên, thực tế không phải như vậy. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu khẳng định đây là số dư nợ cho vay ngắn, trung và dài hạn được hỗ trợ lãi suất, thay thế cho số dư nợ cũ và cả số dư nợ tăng thêm so với cuối năm 2008.
Sau hơn 7 tháng thực hiện gói kích cầu bù lãi suất, sức mua của thị trường trong nước đã tăng cao. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại siêu thị Big C - TPHCM. Ảnh: H. Thúy
Trong 7 tháng đầu năm, nguồn vốn để cho vay hỗ trợ lãi suất hoàn toàn do các ngân hàng thương mại huy động từ nền kinh tế để cho vay, NHNN không bơm thêm tiền ra lưu thông, bằng chứng là quy mô và tốc độ huy động vốn của các ngân hàng thương mại tương ứng với vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất nghiêm cấm cho vay đảo nợ. Đối với DN và hộ sản xuất, quay vòng vốn lưu động một năm khoảng 2-4 vòng; DN và hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm, trả nợ các khoản vay đáo hạn rồi tiếp tục vay để sản xuất kinh doanh, được hỗ trợ lãi suất là đúng quy định của pháp luật, phù hợp với luân chuyển vốn trong nền kinh tế.
Nhiều ý kiến đề nghị có gói kích cầu thứ 2 Hôm qua, 12-9, tại Đà Nẵng, hơn 500 DN khu vực miền Trung đã về dự hội thảo “Giải pháp tài chính cho DN miền Trung thời kỳ sau khủng hoảng”, do Thời báo Kinh tế VN phối hợp với Hiệp hội DN vừa và nhỏ VN và Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tại Đà Nẵng tổ chức. Tại hội thảo, các DN được nghe các diễn giả có uy tín của Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Viện Chiến lược kinh tế Đà Nẵng,... phân tích tác động của khủng hoảng kinh tế tới sự phát triển của DN; sự điều tiết của Nhà nước, những chính sách hỗ trợ tài chính đối với DN trong thời gian tới nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu cho cộng đồng DN VN nói chung và miền Trung nói riêng trong bối cảnh hậu suy giảm kinh tế. Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cũng đã nêu ý kiến đề nghị Chính phủ nên tiếp tục mở một gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn thứ 2 để hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ phát triển. |
Khó ngăn chặn tiêu cực Ngân hàng Nhà nướcnhận định: Bên cạnh tác động tích cực, cơ chế hỗ trợ lãi suất 4%/năm cũng có những mặt trái. Một là, lãi suất cho vay VNĐ sau khi được hỗ trợ lãi suất còn khoảng 6%/năm, ngang bằng lãi suất cho vay ngoại tệ. Thêm vào đó, từ ngày 1-6, các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay ngoại tệ còn 3%-5%/năm nhưng do lo ngại rủi ro về biến động tỉ giá, các DN nhập khẩu ít vay ngoại tệ, chuyển sang vay VNĐ rồi mua ngoại tệ. Điều này gây sức ép tăng tỉ giá và căng thẳng ngoại tệ. Hai là, mức lãi suất cho vay sau khi được hỗ trợ lãi suất còn 6%/năm, thấp hơn khoảng 3%-4% so với lãi suất huy động VNĐ (kỳ hạn từ 12 tháng trở lên) nên khó kiểm soát được hiện tượng khách hàng vay VNĐ chuyển sang tiền gửi để hưởng chênh lệch lãi suất. Ba là, các DN có vốn tự có gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất cao nhưng vay vốn VNĐ được hỗ trợ lãi suất 4%/năm để kinh doanh |
(Theo Dương Quang // Người lao động online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com