Minh họa: Khều. |
Sau khi tạm lắng trong năm 2008, từ đầu năm đến nay phần lớn các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp đều thành công. Đây có phải là tín hiệu cho thấy kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi? Và có rủi ro nào tiềm ẩn đằng sau việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp không?
Kênh huy động vốn hiệu quả
Từ đầu năm cho đến nay, tuy không có số liệu thống kê đầy đủ số doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công, nhưng có thể kể ra đây nhiều trường hợp. Tháng 5 năm nay, Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã phát hành được 700 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn năm năm, với lãi suất 11,5%/năm, nhằm phục vụ cho dự án Khu công nghiệp Quế Võ mở rộng và khu đô thị mới Phúc Ninh.
Trước đó, hồi cuối tháng 4, Ngân hàng ANZ tại Việt Nam và Công ty Tài chính cổ phần Điện lực cũng công bố hoàn tất việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời hạn năm năm có tổng trị giá 3.500 tỉ đồng cho tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là đợt phát hành trái phiếu tiền đồng Việt Nam lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam từ trước tới nay. Trái phiếu EVN kỳ hạn năm năm, ngoài mức lãi suất 10,4%/năm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo trái chủ sẽ nhận được mức lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng bình quân của bốn ngân hàng quốc doanh cộng với 2,75%/năm.
Đầu tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SJS) đã phát hành riêng lẻ 500 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Kỳ hạn của trái phiếu là ba năm với lãi suất cố định năm đầu là 12,5%/năm, lãi suất trong hai năm tiếp theo bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trả sau (kỳ hạn 12 tháng) của bốn ngân hàng là Agribank, Vietcombank, BIDV và Vietinbank.
Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp lớn nữa đã phát hành trái phiếu thành công khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm đến nay.
Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất từ 10,5-12,5%/năm, cao hơn lãi suất huy động của nhiều ngân hàng hiện nay và cao hơn nhiều so với lãi suất trái phiếu chính phủ. Đó là lý do chính khiến các đợt phát hành trái phiếu chính phủ đều thất bại trong khi trái phiếu doanh nghiệp lại thành công.
Theo giám đốc một công ty chứng khoán, việc doanh nghiệp huy động vốn qua kênh trái phiếu cũng là một dấu hiệu tích cực vì số vốn này chủ yếu để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế thì doanh nghiệp mới “có gan” vay tiền để đầu tư. Tuy vậy, đây vẫn chỉ là sân chơi của doanh nghiệp lớn bởi những quy định khắt khe về đối tượng được phát hành trái phiếu và vì sự tin tưởng của nhà đầu tư vào doanh nghiệp
Những rủi ro gần, xa...
Theo Tiến sĩ tài chính Vương Quân Hoàng, việc phát hành trái phiếu nhìn chung vẫn chưa dễ dàng, vì nếu xem xét kỹ sẽ thấy hầu như chỉ các công ty lớn, có vốn nhà nước, hay công ty cổ phần có vốn điều lệ lớn, hoặc các ngân hàng mới cổ phần hóa mới phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cho thấy, nhà đầu tư cũng chỉ cẩn trọng xem xét mua cổ phiếu của các doanh nghiệp họ tin tưởng và nhiều công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, chứ không phát hành ra công chúng, như vậy khó có thể khẳng định là doanh nghiệp dễ dàng tìm được nguồn vốn qua kênh này.
Thêm vào đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp không có giao dịch tập trung, nên nhà đầu tư rất khó chuyển nhượng khi cần. Một điều nữa là vấn đề thông tin của doanh nghiệp. Ông Hoàng cho rằng, bản thân nhiều doanh nghiệp niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn chưa thực hiện đầy đủ việc công bố thông tin thì tại một thị trường thứ cấp như trái phiếu, việc các trái chủ có được thông tin chính xác từ phía các công ty là điều không dễ dàng. Đây cũng là lý do làm trái phiếu bớt hấp dẫn.
Còn một rủi ro khác nữa là lãi suất. Thông thường, sau năm đầu tiên, lãi suất trái phiếu thường được áp dụng là lãi suất thả nổi, tức là lấy lãi suất huy động cùng kỳ hạn của bốn ngân hàng lớn, cộng thêm 2-4 điểm phần trăm. Nếu tình hình kinh tế khó khăn, lãi suất cơ bản giảm kéo theo lãi suất huy động của ngân hàng đi xuống, thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt.
Một vấn đề nữa, theo thạc sĩ Lê Đạt Chí, nếu xảy ra hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu và ngân hàng mua lại, sau đó doanh nghiệp lại dùng khoản tiền này để trả nợ ngân hàng nhằm giúp ngân hàng xóa đi nợ xấu thì đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Trong trường hợp này, ngân hàng chỉ là người cho vay nợ qua trái phiếu chứ không nắm giữ được tài sản như cho vay tín dụng thông thường, nên nếu doanh nghiệp gặp rủi ro thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng theo.
(Theo Thanh Thương // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com