Một góc Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân.Ảnh: Trung Kiên |
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, tốc độ xây dựng, phát triển đô thị trong thời gian qua rất nhanh, diện mạo TP khang trang, hiện đại hơn, song trong quá trình thực hiện, nhiều dự án, một số chủ đầu tư chỉ quan tâm lợi ích của DN nên chưa thực hiện đúng các nội dung đã được phê duyệt.
Nhiều đô thị hiện nay vẫn chưa được hạ ngầm các tuyến cáp viễn thông, điện lực, một số khu đô thị không bảo đảm vệ sinh môi trường, thiếu chợ, trường học… Ngày 7-12, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã bắt đầu tiến hành kiểm tra 34 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở nhằm phát hiện sai phạm về quy hoạch, hạ tầng xã hội - kỹ thuật…
Thiếu hạ tầng
Đầu năm 2008, gia đình anh Huy (quận Long Biên) chuyển đến sống tại nhà P6 thuộc KĐT mới Việt Hưng (Long Biên) trong niềm vui khôn tả. Môi trường sống trong lành, giá nhà hợp lý, chất lượng xây dựng bảo đảm... thoạt đầu cuộc sống của anh chị diễn ra khá êm ả. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những bất tiện bắt đầu bộc lộ. Ban đầu là chuyện đi chợ mua sắm. Tiếng là KĐT mới với hàng chục khu nhà cao tầng, tập trung hàng nghìn hộ dân sinh sống nhưng cả KĐT không có nổi một khu chợ dân sinh, việc mua sắm hằng ngày đều trông vào một siêu thị mi ni. Tiếp đó là chuyện trường lớp. Dù quỹ đất còn rất rộng, nhiều nơi cỏ dại mọc um tùm, nhưng cả KĐT không có một ngôi trường tiểu học hay THCS cho trẻ, các bậc phụ huynh buộc phải tận dụng mọi mối quan hệ để chạy chọt cho con học trái tuyến. Bức xúc trước những cái "thiếu" và "yếu" tại KĐT Việt Hưng, anh Huy đành bán nhà, chuyển đến nơi ở khác.
Tại KĐT Nam Trung Yên, tình cảnh của hàng trăm hộ dân còn có phần "bi đát" hơn. Cuối năm 2005, công tác GPMB dự án đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa được thực hiện, gần 2.000 người dân tại hai phường Nam Đồng và Phương Liên được bố trí đến khu tái định cư Nam Trung Yên với lời hứa về một khu chung cư tiện nghi, hiện đại. Nhưng chỉ sau 4 năm, dù đã được sơn sửa, KĐT này vẫn tiếp tục xuống cấp. Tường lún nứt, vữa bong tróc, màu sơn loang lổ theo gió mưa, nhiều hố ga mất nắp trống hoác... nhưng điều khiến người dân ở đây bức xúc nhất chính là thiếu chợ. Phản ánh lên BQL dự án nhiều lần nhưng không được đáp ứng, người dân đành khắc phục bằng cách họp chợ ngay trong các khu chung cư. Cũng như bất cứ một khu chợ tạm, chợ cóc nào, "chợ" trong chung cư cũng bày bán đủ thứ, từ dưa cà, mắm muối đến thực phẩm tươi sống như tôm, cá, lợn, gà... Hành lang và phòng khách được nhiều gia đình tận dụng "mở quán" bán đồ ăn sáng. Trên tất cả các tầng nhà, hàng loạt panô, biển quảng cáo dịch vụ "cắt tóc gội đầu", "sơn sửa móng tay"... treo lủng lẳng. Cảnh buôn bán, giao nhận hàng hóa, ăn uống... nhộn nhịp tại các chung cư cao tầng của KĐT Nam Trung Yên đã phá vỡ không gian khép kín, đẹp đẽ vốn có của các KĐT, biến nơi đây thành những khu "chợ" nhếch nhác, rất khó coi. Cũng vì thiếu chợ, khuôn viên quanh các khối nhà, nơi được dành cho cây xanh bóng mát cũng bị người dân chiếm dụng để trồng rau. Chiều chiều, cảnh người dân tay cầm cuốc, xẻng, xô chậu chăm bón từng luống rau, khiến quang cảnh KĐT chẳng khác nào như một vùng quê.
Trắng trường học
Theo ban quản trị các khu chung cư, chợ cóc mọc lên trong KĐT là tất yếu, bởi nhà cao tầng mọc lên san sát như vậy nhưng chủ đầu tư lại "quên" xây dựng siêu thị và chợ dân sinh, hàng loạt công trình thiết yếu khác như bệnh viện, trường học, khu vui chơi... đều bị bớt xén. Bà Nguyễn Thị Mai, ở KĐT mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) cho biết, vợ chồng bà đang sống cùng với gia đình người con trai cả và hai đứa cháu nội. Do KĐT không có trường học nên cháu lớn phải đưa đi học xa nhà, còn cháu bé hơn 2 tuổi, ông bà phải thay nhau chăm sóc. Tương tự, các KĐT Việt Hưng, Đầm Trấu... dù đã được đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng vẫn trong tình trạng "trắng" trường, đặc biệt là hệ thống trường tiểu học, THCS. KĐT mới Mỹ Đình tiếng là nơi tập trung nhiều trường học, nhưng hầu hết là hệ thống trường dân lập "chất lượng cao", học phí từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng nên chả mấy nhà có đủ điều kiện kinh tế cho con em theo học. Đa số phụ huynh phải chạy vạy xin cho con vào học tại các trường công lập cách nhà cả chục cây số. Một "nỗi khổ" khác mà phần lớn cư dân tại các KĐT mới phải chịu đựng, đó là cảnh sống chung với bầu không khí của "đại công trường". Do thi công theo lối "cuốn chiếu" để tận dụng thời gian và quay vòng vốn nên khi một khu chung cư vừa hoàn thiện xong cũng là lúc "hàng xóm" bắt đầu động thổ. Kết quả, hàng trăm hộ dân phải sống trong tiếng ầm ầm của máy khoan, máy xúc hoạt động suốt ngày đêm. Những tuyến đường dẫn vào các KĐT bị băm nát bởi xe chở VLXD trọng tải lớn nườm nượp ra vào công trường...
Theo quy hoạch, phần lớn các KĐT mới, khu tái định cư (TĐC)... đều phải được trang bị đầy đủ hệ thống điện, đường, trường, trạm, sân chơi... cho người dân. Nhưng trên thực tế, nhà đầu tư và các đơn vị thi công chỉ xây nhà xong rồi bán, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng (CSHT) bị "bỏ quên" hoặc thực hiện rất chậm trễ.
Để bảo đảm chất lượng sống của người dân và xây dựng những KĐT hiện đại, văn minh, đã đến lúc UBND thành phố và các ngành chức năng cần tiến hành tổng kiểm tra tại các KĐT, khu TĐC, yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công thực hiện xây dựng theo đúng quy hoạch ban đầu, khắc phục ngay những cái thiếu và yếu về CSHT để không còn những KĐT "nhà quê" trong lòng thành phố.
(Theo Quốc Bảo // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com