Một số ngân hàng đã tính đến việc giảm số giờ giao dịch tại các máy ATM ở điểm vắng người; số khác cho biết sẽ di dời những máy ở khu vực “nóng” về nơi an ninh hơn. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho khách hàng.
Những tưởng máy ATM sinh ra sẽ tạo cho khách hàng ở xa chi nhánh giao dịch của các ngân hàng một thời gian mở, để “khi cần là có, khi muốn là được”. Nhưng sau sự cố máy ATM của Techcombank tại đường Lê Trọng Tấn (quận Tân Phú, TP HCM) bị trộm tấn công, các ngân hàng đang tính lại bài toán bảo vệ máy ATM.
Giảm thời gian, thu khoảng cách
Techcombank, nạn nhân của một trong những vụ trộm tiền tại ATM, cho biết đã đánh giá lại tất cả hệ thống ATM của mình và ở những nơi “nhạy cảm” đã giảm số lượng tiếp quỹ tại một thời điểm xuống dưới mức 300 triệu đồng một lần. Techcombank cũng thành lập các đội bảo vệ theo dõi 24/24. “Hệ thống ATM trên thế giới rất an toàn, trường hợp bị trộm viếng vừa qua là khá đặc biệt. Hệ thống của ATM cũng biết được máy nào gặp sự cố nhưng chúng tôi chưa phòng trừ rủi ro bằng các phản ứng nhanh”, ông Hồ Anh Ngọc, Giám đốc Techcombank chi nhánh TP HCM nói. Với khoảng 1.000 máy ATM trên cả nước, ngân hàng này đang “nghiên cứu thời gian hoạt động của các máy ATM ở những nơi heo hút, với nhiều khả năng sẽ giảm thời gian hoạt động của các máy này”. Theo đó, có thể các máy ATM Techcombank ở những địa điểm vắng người sẽ ngưng hoạt động từ 21h đến 6h hôm sau. Kèm với biện pháp này là tăng cường hệ thống báo động và camera quan sát.
Như vậy, máy ATM, với mục đích tăng thời gian giao dịch cho khách hàng 24/24 nhiều khả năng chỉ “phục vụ ngoài giờ hành chính một thời gian ngắn”. Nỗi buồn còn dày hơn với khách hàng của Eximbank, khi ngân hàng này đang “lên danh sách, coi lại lượng giao dịch ở các máy ATM tại khu vắng người, để có biện pháp di dời”. Trưởng phòng thẻ Eximbank khẳng định, ngân hàng này sẽ di dời hết ATM ở những địa điểm “nóng” về an ninh, tránh rủi ro.
An toàn hay cạnh tranh?
Những biện pháp trên đều đẩy khách hàng về thế khó, nhưng hầu hết các ngân hàng đều lắc đầu khi biện pháp chung được đưa ra. Bà Nguyễn Tú Anh, giám đốc Trung tâm thẻ Smartlink, cho rằng: “Nếu các ngân hàng chịu “bắt tay” xây dựng nơi đặt máy ATM chung ở những địa điểm nóng, thì nguy cơ về an ninh sẽ giảm, rủi ro sẽ ít”. Nhưng biện pháp này khó thực hiện, vì các ngân hàng thường đặt mục tiêu cạnh tranh lên trên mục tiêu an toàn.
Không thừa nhận việc cùng xây dựng một khu vực ATM sẽ làm giảm sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, nhưng ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc ACB, nói: “Mỗi ngân hàng có một sách lược, chiến lược riêng về phát triển thẻ. Nhu cầu sử dụng ATM phát sinh liên tục, không cố định, nên theo tôi biện pháp đầu tư các khu riêng về ATM giữa các ngân hàng khó tìm tiếng nói chung”. Ông Toại cũng e ngại việc thiếu người “vác tù và hàng tổng” đứng ra chủ trì thành lập khu ATM chung. Còn bà Phí Thị Phượng, Trưởng phòng thẻ Eximbank thì lo ngại các loại phí, nhân lực, việc đi đến đồng thuận xây dựng những khu ATM chung.
Tại TP HCM và một vài thành phố lân cận hiện có khoảng 2.400 máy ATM, chiếm 60% số lượng cả nước. Hầu hết các buồng ATM đều không có bảo vệ, trừ những buồng đặt ở trụ sở, chi nhánh ngân hàng; rất ít buồng ATM được trang bị camera giám sát 24/24.
(Báo Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com