Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Hỗ trợ lãi suất: Tâm sự của người đứng bên lề

Sau 4 tháng triển khai, gần 320 nghìn tỷ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất đã đến với doanh nghiệp. Có lợi ích và ý nghĩa, nhưng cũng có những khoảng lặng, khi phải đứng bên lề cơ hội.

“Năm ngoái, dù lãi suất cao, được cho vay là ký ngay và phấn chấn. Nhưng nay, vốn rẻ hơn rất nhiều nhờ cắt giảm và được hỗ trợ, chúng tôi vừa tiếc vừa không dám vay, bởi có mấy ai vay tiền về để bỏ ống đâu”, giám đốc một doanh nghiệp phản ánh.

Bên lề cơ hội

Năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên sẽ giảm mạnh. Để giữ được nhịp độ như năm 2008, sản lượng của công ty phải tăng ít nhất từ 2 - 2,5 lần, bù cho mức sụt giảm hơn 50% của giá trên các thị trường.

“Nhưng để tăng sản lượng như thế không đơn giản, bởi càng đẩy mạnh sản xuất theo đà sụt giá đó thì doanh nghiệp càng lỗ. Mặt khác, nhu cầu của các đối tác ở nước ngoài cũng sụt giảm do họ cũng khó khăn từ khủng hoảng. Thành ra có những doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất, nhưng chủ yếu là cất kho. Mà nhìn chung là cầm cự. Như thế thì nhu cầu mở rộng hay đẩy mạnh sản xuất cũng không có và nhu cầu vay vốn cũng giảm xuống”, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Công ty giải thích vì sao một số doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn Thái Nguyên lại không mấy mặn mà với vay vốn hỗ trợ lãi suất.

Hay như giải thích ngắn gọn của ông Ngô Văn Tuyển, Giám đốc Công ty TNHH Diesel Sông Công, khi thị trường khó khăn, nhu cầu sản xuất giảm thì tự nhiên không có nhu cầu vay nữa.

Tại Diesel Sông Công, kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm dự tính cũng bị giảm khoảng 50% so với cùng kỳ 2008. Riêng hoạt động xuất khẩu, hiện công ty chủ yếu sản xuất để duy trì các mối quan hệ bạn hàng. Và khi phải duy trì thì khó hiệu quả. Hiện công ty chưa có nhu cầu vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, trước khi thị trường có tín hiệu chuyển biến tích cực và dần ổn định, nên tạm ở thế bên lề của chính sách hỗ trợ.

Mà theo quan điểm của ông Tuyển, chính sách hỗ trợ lãi suất hiện nay thực ra là các ngân hàng trả lại khoản đã lấy với lãi suất tới 21%/năm trong năm ngoái. “Với doanh nghiệp, sự hỗ trợ đó không quá quan trọng, thậm chí càng ưu đãi doanh nghiệp lại lo lắm thủ tục. Quan trọng là vốn đến đúng thời điểm, khi họ thực sự cần với những kế hoạch và tính toán hiệu quả. Còn khi không có nhu cầu, vay để tranh thủ ưu đãi thì tiền về để đâu?”, ông Tuyển nói.

Với các điều kiện hiện tại, Diesel Sông Công hoàn toàn được hưởng lãi suất hỗ trợ. Nhưng giám đốc doanh nghiệp này lại cho rằng sự hỗ trợ đó sẽ ý nghĩa hơn, hiệu quả hơn nếu đến được với những đối tượng khác thực sự cần vốn, mà hiện nay họ vẫn đang phải đứng bên lề.

Ông Tuyển ví dụ: “Như với nông dân, những khách hàng mua máy móc của chúng tôi. Họ không rành thủ tục mà cứ bắt họ chạy hết cái này đến cái kia. Khó khăn ngay ở chỗ đấy. Với lại cho vay hỗ trợ trong ngắn hạn như vừa qua thì cũng hạn chế, vì khả năng trả nợ của họ không xoay kịp. Như mua máy cày, thiết bị sản xuất không dễ trả trong một hai năm, cho nên có ưu đãi họ cũng không dám vay. Tôi nghĩ cần phải tìm hiểu thật cụ thể những đối tượng cần hỗ trợ và xem họ cần những cái gì”.

Cùng quan điểm trên, ông Quyết bức xúc khi cho rằng nhiều doanh nghiệp, bạn hàng của mình khó khăn và thực sự cần vốn ưu đãi để vượt qua thời điểm này. Nhưng điều kiện để vượt qua cửa “ông” ngân hàng thì khó, trong khi có những trường hợp đáp ứng được thì lại không thực sự cần vốn.

Hoặc như dẫn chứng của ông Quyết, đối tượng thực sự cần hỗ trợ vốn như mong muốn của công ty ông là khách hàng. “Chúng tôi có xuất khẩu lao động. Hiện có thông tư hướng dẫn người đi xuất khẩu lao động được vay 30 triệu đồng không cần thế chấp. Thế nhưng dưới quy định lại “thòng” thêm dòng, đại ý là tùy theo từng đối tượng cụ thể thì ngân hàng có cho vay hay không. Tất nhiên là ngân hàng sẽ bám theo hướng dẫn đó, vì anh có đảm bảo rất uy tín hay không, còn không thì sao tôi dám cho ông vay”, ông Quyết bức xúc.

Trong chuyến khảo sát của VnEconomy tại địa bàn Thái Nguyên, có khá nhiều bức xúc và tình thế bên lề như thế. Khá hơn, một số doanh nghiệp gói chắc các đơn hàng trong ngắn hạn, 1 - 2 tháng lại mời ngân hàng đến thẩm định, vừa sản xuất, vừa nhận hỗ trợ từng bước để chờ thị trường và tình hình chung khả quan hơn.
 
Ngân hàng cũng thận trọng

Tham gia chuyến khảo sát, chuyên viên tín dụng một ngân hàng thương mại cho biết, từ tháng 2 trở lại đây, khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, công việc của ngân hàng phải nhân đôi. Nhưng như thế không có nghĩa ngân hàng nào, cán bộ tín dụng nào cũng thực sự tích cực trong chương trình này.

Với ngân hàng, lãi suất sau hỗ trợ thấp tạo điều kiện tốt hơn cho khả năng trả nợ của khách hàng, theo đó chất lượng tín dụng đảm bảo hơn. Nhưng, một trở ngại mà chuyên viên trên phân tích là do một phần nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước “chiếm dụng”. Hiện phần bù lãi suất Ngân hàng Nhà nước chỉ thanh toán trước 80%, 20% phải chờ đến năm sau, sau khi kiểm tra, quyết toán…

Trong bối cảnh cầu vốn có dấu hiệu căng thẳng, lãi suất huy động VND liên tục tăng trong thời gian qua, việc “chiếm dụng” vốn đó cũng là một vấn đề mà các ngân hàng cân nhắc.

Nhưng quan trọng hơn, sự thận trọng của họ tập trung ở yêu cầu hiệu quả, đúng đối tượng và thực hiện đúng quy định. Đây cũng là rào cản chung cho cả hai phía, ngân hàng và doanh nghiệp.

Tại Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên, hàng tháng, cán bộ ngân hàng với doanh nghiệp vẫn phải ngồi lại với nhau để phân loại, rà soát các danh mục thuộc diện được hỗ trợ lãi suất. “Rất mất thời gian, lắm thủ tục, nhưng phải làm”, ông Dương Đình Tập, Giám đốc Công ty bình luận.

Theo quan điểm của ông Tập, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, họ phải xét các trường hợp có hiệu quả, có an toàn mới có thể cho vay; bởi rủi ro xẩy ra, ảnh hưởng đầu tiên là lợi ích, lợi nhuận của họ. Và sau đó là trách nhiệm.

Liên quan đến trách nhiệm, ông Tập cho biết, nhân viên ngân hàng giải thích với ông rằng, thà loại nhầm đối tượng được hưởng, còn hơn đưa nhầm ưu đãi, bởi cái sai sau hệ quả lớn hơn, trách nhiệm lớn hơn; thậm chí khi truy xét trách nhiệm, cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng có thể bị quy vào vi phạm thông đồng trục lợi chính sách…

(Theo Minh Đức // Vneconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chuẩn bị gì cho thời "hậu khủng hoảng"?
  • Gian nan mua USD tại NHTM
  • Các gói kích cầu: Dòng tiền đang chảy đi đâu?
  • Xử lý vi phạm quản lý ngoại hối: Khó áp dụng biện pháp chế tài
  • Về cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay và tác động đến Việt Nam
  • “Nín thở” chờ... lạm phát
  • Dò “sóng ngầm” từ kích cầu
  • “Thị trường tốt, SCIC thoái vốn dễ hơn”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!