Dưới đây là nhận định của ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam
Nhiều nhân tố có lợi cho sự tăng giá
Từ đầu năm 2010, giá vàng thế giới bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông, kim loại quý quốc tế từ nay đến cuối năm sẽ diễn ra theo xu hướng nào?
Giá vàng hiện nay phụ thuộc rất lớn vào những diễn biến, tin tức tốt, xấu của kinh tế Mỹ hay những quyết định của Chính phủ Mỹ. Để dự báo, suy đoán chính xác giá vàng trong năm nay với các chuyên gia lúc này cũng rất khó. Ngay cả các quỹ đầu tư thế giới cũng đều dựa vào một số sự kiện, dữ liệu, chỉ số kinh tế Mỹ công bố hàng ngày, hàng tuần để điều chỉnh hoạt động mua bán. Tác động của các quỹ đầu tư này với giá vàng là cộng hưởng chứ họ không dám đi ngược lại xu thế kinh tế. Muốn đầu cơ đẩy giá lên xuống hiện không hề đơn giản.
Tuy nhiên, nguyên tắc chung là giá vàng biến động đều có lý do. Như nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, tôi cho rằng giá vàng trong năm nay sẽ còn lên cao, vượt qua mức kỷ lục 1.226 USD một ounce của năm ngoái, nhưng sẽ không bứt phá qua ngưỡng 1.350 USD.
Dựa trên cơ sở nào để cho rằng giá vàng thế giới sẽ còn tăng cao?
Thứ nhất "sức khỏe" đồng USD suy yếu. Đến thời điểm này, đồng đôla Mỹ vẫn chưa mạnh lên. Từ đây cho đến cuối năm, sức mạnh của đồng USD sẽ do tình hình hồi phục nền kinh tế Mỹ quyết định. Nhưng riêng trong quý I/2010, kinh tế Mỹ vẫn được đánh giá phục hồi chậm, không nhanh như dự kiến và mong đợi của giới chuyên gia. Đằng sau nó lại còn rất nhiều rủi ro, bất trắc khác. Nổi cộm nhất là vấn đề nợ của Hy Lạp. Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng giống như Hy Lạp. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lên tình hình chung của kinh tế châu Âu. Nếu nền kinh tế khu vực này bị khủng hoảng thì kinh tế Mỹ cũng khó phục hồi và dễ gây ra tác động khủng hoảng dây chuyền. Chưa kể đến yếu tố địa chính trị như chiến tranh AfghanistanIraq… Như vậy, khả năng tăng giá của đồng bạc xanh trong năm 2010 không lớn.
Yếu tố tiếp theo là lạm phát. Theo tôi, khả năng lạm phát trên thế giới tái bùng phát là khó tránh khỏi. Điều này cũng đã được dự đoán trước khi lượng tiền được “bơm” ra thị trường nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không chấp nhận lạm phát, thì sẽ rất khó ngăn chặn được tình trạng giảm phát và suy giảm kinh tế. Hiện giờ, Mỹ đang muốn vực dậy nền kinh tế nên tung rất nhiều tiền vào các gói kích thích kinh tế. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ lạm phát. Một khi lạm phát dâng cao thì người dân sẽ tìm nơi trú ẩn an toàn là vàng. Từ khi khủng hoảng xảy ra, kinh tế nhiều nước bị sa sút, đồng tiền giấy mất giá trị mạnh, nhiều người quay sang tích trữ vàng với hy vọng bảo toàn vốn.
Về tương quan cung cầu, giá vàng tăng do khu vực chính thức bán ít và nhiều ngân hàng Trung ương đang ngầm đua nhau mua vào đã làm giảm nguồn cung. Ấn Độ mua 200 tấn vàng vào cuối năm 2009, Trung Quốc đã mua lượng vàng khá lớn trong những ngày đầu năm 2010....đều được xem là những đòn bẫy lớn cho giá vàng trong năm nay.
Ngoài ra, xét trên yếu tố kỹ thuật dài hạn, xu hướng tăng của vàng là khá lớn. Trong năm 2010 này, mức hỗ trợ gần nhất của kim loại quý sẽ là 1.085 USD, kế tiếp là 1.050 USD và mức 1.000 USD được xem là mức cản tâm lý. Còn mức cản trên gần nhất sẽ là 1.165, tiếp đó là 1.200 USD và mức cản kỷ lục là 1.220 USD. Hiện tai, giá vàng thế giới đang dao động trong vùng 1.050 - 1.150 USD được xem là biên độ giao dịch khá ổn định. Khi giá kim loại quý thoát ra khỏi vùng này, xu hướng tăng hay giảm của vàng sẽ được xác định rõ ràng.
Có vài chuyên gia nhận định rằng, trong đầu quý II này, giá vàng quốc tế sẽ chạm ngưỡng 1.300 USD. Theo ông liệu điều này có xảy ra?
Tôi không đồng tình cũng không bác bỏ nhận định này. Bởi diễn biến giá vàng là rất phức tạp, không thể đưa ra một cách chính xác tại thời điểm nào thì giá vàng sẽ xác lập mức giá trên. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhận định trên ắt hẳn đã được căn cứ trên nhiều cơ sở. Có thể họ đã dựa trên mức giá kỷ lục 1.226 USD của năm 2009 để đoán rằng trong đầu quý II này giá vàng sẽ chạm ngưỡng 1.300 USD. Ngoài ra, tâm lý lo ngại sự bất ổn kinh tế trên thế giới hiện nay đang dâng cao khiến nhiều người muốn mua vàng vào để phòng tránh rủi ro...
Hướng đi của thị trường trong nước
Theo ông, giá vàng trong nước sẽ diễn biến như thế nào trong năm nay?
Giá vàng trong nước hiện nay tăng giảm đều đi theo giá thế giới vì thị trường trong nước đã liên thông với quốc tế. Còn vấn đề giá trong nước liệu có về bằng với giá quy đổi thế giới hay không thì phải tùy thuộc vào chính sách điều hành của nhà nước.
Tại sao độ vênh của giá trong nước và thế giới lại phụ thuộc vào chính sách nhà nước?
Theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, trong những năm gần đây, Việt Nam nhập trung bình khoảng 50 - 60 tấn một năm để dập thành vàng miếng và nữ trang. Trong số đó, có khoảng 80% là vàng miếng còn lại 20% nữ trang để cung ứng cho thị trường. Từ năm 2007, khi có sàn vàng đầu tiên là sàn vàng Á Châu đi vào hoạt động, kế tiếp là một loạt sàn vàng khác ra đời khiến giao dịch vàng bắt đầu sôi động hẳn lên. Bước sang 2008, lượng vàng nhập khẩu cũng tăng lên đáng kể. Lúc này, giá trong nước rất ít chênh so với thế giới. Sau đó, do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, Ngân hàng nhà nước giới hạn việc nhập khẩu vàng và cho ngưng nhập khẩu trong suốt 18 tháng dẫn đến tình trạng nguồn cung bị khan, giá vàng trong nước tăng cao đột biến trong tháng 11/2009, lên mức trên 29 triệu đồng, vênh xa với thế giới gần 3 triệu đồng một lượng.
Ngân hàng Nhà nước đã phải phát đi thông điệp cho phép nhập vàng trở lại, ngay lập tức thị trường hạ nhiệt. Vừa qua, SJC tiếp tục được phép nhập khẩu vàng đã có tác dụng kéo giá trong nước về gần với thế giới. Tuy nhiên, giá vàng trong nước có thể trở về ngang bằng với thế giới trừ khi nhà nước không hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng theo hạn ngạch mà cho phép nhập theo nhu cầu thị trường thì lúc đó tất yếu giá trong nước sẽ về bằng với giá thế giới.
Nhưng nếu thả nổi việc nhập khẩu vàng theo nhu cầu thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến cán cân thương mại?
Đó là vì Việt Nam vẫn chưa công nhận vàng là một ngoại tệ trong khi trên thế giới đều coi đây là một ngoại tệ mạnh. Do đó, vàng hiện nay vẫn bị tính vào mặt hàng nhập khẩu góp phần làm tăng tỷ lệ nhập siêu.
Thời gian tới, Hiệp hội vàng sẽ kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước đưa vàng ra khỏi danh sách mặt hàng xuất nhập khẩu và xem đây là một loại hàng hóa đặc biệt.
Lời khuyên dành cho nhà đầu tư
Trong năm nay, so với các kênh như chứng khoán, bất động sản, gửi ngân hàng… sức hấp dẫn của vàng thế nào, thưa ông?
- Năm 2010 này, mãi lực từ thị trường vàng trong nước hiện không mạnh, do tâm lý nghe ngóng của giới đầu tư. Nhưng đây vẫn được xem là một kênh đầu tư hấp dẫn. Bởi so với kênh đầu tư chứng khoán thì người chơi cần phải am hiểu nhiều kiến thức thì mới có cơ hội thắng. Bất động sản thì lượng vốn bỏ ra nhiều, trong khi tính thanh khoản thấp. Rủi ro thị trường đóng băng, phải trả lãi ngân hàng cao….
Do đó, với những người có vốn nhàn rỗi, mua vàng tích trữ lâu dài vừa an toàn vừa có cơ hội lời kép. Ví dụ trong năm 2010 này, dự báo giá vàng sẽ tăng lên khoảng 15%. Nếu mua vàng và gửi vào ngân hàng hưởng lãi. Sau một năm bán ra, nhà đầu tư vừa thu được lãi suất ngân hàng vừa thu được giá trị tăng lên của vàng. Như vậy, so với lãi suất tiền gửi ngân hàng khoảng 10,5% như hiện nay thì nhà đầu tư vàng có lợi hơn. Tuy nhiên, lãi suất 10,5% gửi ngân hàng là số tiền có thể nắm chắc trong tay, còn đầu tư vàng thì phải phụ thuộc vào diễn biến giá.
Bản thân ông có đầu tư vàng không?
Tôi là người nghiên cứu về lĩnh vực này nên tất nhiên có đầu tư vàng. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã bắt đầu mua vàng tích trữ. Giờ với giá vàng như hiện nay, tôi đã thu về một giá trị gia tăng không nhỏ.
Vậy trong năm 2010 này, ông có lời khuyên gì dành cho nhà đầu tư vàng?
Tôi cho rằng, trong năm nay khi mà chưa nắm rõ mức độ lạm phát sẽ như thế nào thì vàng vẫn hấp dẫn và tâm lý chung là chẳng ai muốn bán ra mà chỉ muốn mua thêm vào. Với những người đầu tư vàng vật chất ngắn và trung hạn thì nên chọn thời điểm giá vàng giảm để mua vào và tìm cơ hội bán ra khi giá có chiều hướng nhích lên.
Ông Huỳnh Trung Khánh là cố vấn Hội đồng vàng Thế giới tại Việt Nam. Ngoài ra, hiện Ông Khánh còn là Phó chủ tịch Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ Kim Hoàn TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần PROGOLD, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần INTERGOLD. Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh Tế TP HCM, ông Huỳnh Trung Khánh từng làm Trợ lý Đại diện Phòng Thương mại Pháp tại TP HCM, Trợ lý Đại diện Ngân hàng Credit Lyonnais tại TP HCM, Trưởng Đại diện Hội Đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam & Giám đốc Công ty V.G.C. |
(Theo Lệ Chi - VnExpress)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com