Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

IMF cảnh báo tình trạng nợ nần của các nước giàu

Phía trước một bảng điện tử chứng khoán trên đường phố Tokyo (Nhật Bản). Tính theo tỷ lệ nợ công so với GDP, thì Nhật Bản còn nặng nợ hơn cả Mỹ - Ảnh: AP.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 21/3 đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia giàu nhất thế giới về những khoản nợ công đang ngày càng phình to. Định chế này cho rằng, gánh nặng nợ nần như vậy có thể kéo lùi sự tăng trưởng cần thiết để đảm bảo phục hồi kinh tế tại các nươc này.

Hãng tin AP cho hay, trong bài phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ông John Lipsky, Phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế đang để lại “những vết sẹo hằn sâu trong bảng cân đối tài khóa, nhất là tại các nền kinh tế phát triển”.

Theo vị quan chức IMF này, những nước thời gian qua phải vay nợ để kích thích kinh tế tới lúc này cần sẵn sàng cho việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng từ năm tới.

“Các nhà hoạch định chính sách nên làm rõ với người dân về việc tại sao chính sách chi tiêu ngân sách tằn tiện lúc này là điều kiện cần để đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế”, ông Lipsky nói.

IMF dự báo, không tính Đức và Canada, tổng nợ chính phủ của các nền kinh tế phát triển trong khối G7 sẽ tăng lên mức 110% GDP vào thời điểm cuối năm 2014, từ mức 75% GDP vào cuối năm 2007.

Theo ông Lipsky, tỷ lệ nợ công so với GDP bình quân tại những nền kinh tế giàu có nhất thế giới được dự báo sẽ lên tới mức phổ biến trong thập niên 1950, sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tình trạng nợ chính phủ phình ra này còn xảy đến trong bối cảnh chi phí chăm sóc y tế và lương hưu cho người dân gia tăng, ông Lipsky nói.

“Giải quyết thách thức tài chính này là một ưu tiên chính sách then chốt trong ngắn hạn, vì những lo ngại về tình hình tài chính công có thể xói mòn niềm tin vào sự phục hồi kinh tế”, ông Lipsky nhận định. Ông cũng cho rằng, những khoản nợ công trung hạn có quy mô lớn có thể đẩy lãi suất tăng cao và kéo lùi tăng trưởng kinh tế.

Ông Lipsky khuyến cáo các nước nên đẩy mạnh các biện pháp cải cách có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng, như tự do hóa thị trường hàng hóa và lao động, loại bỏ các hình thức bóp méo của thuế... bên cạnh các biện pháp trực tiếp nhằm cắt giảm chi tiêu công như tăng thuế, tăng tuổi về hưu...

Riêng đối với nước Mỹ, ông Lipsky cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới cần có tỷ lệ tiết kiệm tài chính công cao hơn để đảm bảo sự bền vững lâu dài của ngân sách chính phủ. “Việc chính phủ tiết kiệm chi tiêu sẽ kích thích sự tiết kiệm của người dân, qua đó thúc đẩy tỷ lệ tiết kiệm quốc gia và giảm thâm hụt cán cân vãng lai”, ông Lipsky phát biểu.

Hiện ở mức 12.500 tỷ USD, nợ quốc gia của Mỹ đã liên tục tăng mạnh trong thập kỷ qua, đe dọa “nuốt chửng” cả sản lượng kinh tế hàng năm của nước này. Một nửa số trái phiếu kho bạc Mỹ đang lưu hành hiện nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó chủ nợ lớn nhất là Trung Quốc.

Tính theo tỷ lệ nợ công so với GDP, thì Nhật Bản còn nặng nợ hơn cả Mỹ. Theo AP, nợ chính phủ Nhật hiện khoảng gấp đôi GDP, nhưng phần lớn là nợ các hộ gia đình ở chính nước này.

Theo ông Lipsky, với mức thuế cao đối với người lao động hiện đang được áp dụng ở châu Âu và Nhật Bản, để giảm gánh nặng nợ nần, các nền kinh tế này nên tập trung vào việc điều chỉnh các đối tượng được hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, đồng thời giảm trừ các trường hợp được miễn thuế gián tiếp.

Những cảnh báo trên của IMF về nợ công của các nước giàu được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia ở châu Âu đã và đang bị đẩy tới bờ vực vỡ nợ. Chính phủ Hy Lạp hiện vẫn chưa tìm ra lối thoát nào cho cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ ở nước này. Trong trường hợp không được các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) cứu, Hy Lạp rất có thể sẽ phải cầu cứu IMF.

(Theo Vneconomy)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • WB và IMF: Trung Quốc cần nâng giá nhân dân tệ
  • Lựa chọn giải cứu Hy Lạp hay chấp nhận một đồng euro nhiều rủi ro?
  • Bỏ trần lãi suất: Thị trường tiền tệ có rối loạn ?
  • Liệu nhân dân tệ có thể thay thế đôla?
  • Trung Quốc: Thâm hụt thương mại sẽ xảy ra vào tháng 3/2010
  • Chính sách tỷ giá của Trung Quốc lấy đi 1,5% tăng trưởng kinh tế toàn cầu
  • Trung Quốc muốn xoa dịu Mỹ về chuyện tỷ giá
  • Lách huy động và cho vay
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!