Ts. Trần Du Lịch - Ảnh: T. Nguyên. |
Nguyên nhân của tình trạng khan hiếm ngoại tệ trên thị trường hiện nay đang được các bên đùn đẩy cho nhau.
Thực trạng này một lần nữa đã đặt ra câu hỏi cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua. Với quan điểm của mình, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, trong khi tổng nguồn cung ngoại tệ không thiếu thì chắc chắn đã có chỗ “tắc” mà Ngân hàng Nhà nước cần phải tìm ra, thì mới giải quyết được tình trạng “đấu khẩu” này.
Ông nói:
- Theo tôi, việc các doanh nghiệp kêu cứu vì không mua được USD ở ngân hàng là chính đáng. Nhưng quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cần phải đánh giá thực hư như thế nào. Tình trạng găm giữ ngoại tệ như ngân hàng phản ánh có xảy ra hay không.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra thực tế này. Nếu doanh nghiệp và ngân hàng thương mại không đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỷ giá thì chắc chắn còn khó khăn, bởi mỗi doanh nghiệp có lợi ích cục bộ của họ. Vấn đề là chúng ta phải làm rõ thực sự vì sao lại có tình trạng thiếu ngoại tệ trên thị trường, trong khi tổng thể cung - cầu ngoại tệ hiện nay là không thiếu.
Vậy theo ông, làm gì để tìm ra nguyên nhân của tình trạng thiếu ngoại tệ trên thị trường ?
Quan điểm của tôi là chúng ta không nên đi theo hướng hành chính hóa, mà phải tăng tính thị trường lên. Hành chính chỉ áp dụng cho việc rà soát lại các đại lý thực hiện thu mua ngoại tệ theo yêu cầu của ngân hàng thương mại. Nếu những điểm đó biến thành nơi mua bán ngoại tệ, vi phạm quy định của pháp luật thì cần phải xử lý rất nghiêm.
Cụ thể là trong khi nguồn cung không thiếu thì cần giải pháp gì để giải quyết tình trạng trên?
Theo tôi, cần rà soát lại những đơn vị không làm đúng quy định, rồi sau đó mới đánh giá lại cung - cầu để gỡ những chỗ tắc nghẽn, rồi tiếp đó mới cân nhắc việc bơm thêm ngoại tệ vào thị trường, chứ không nhất thiết là phải hành chính hóa ngay.
Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta nên áp dụng biện pháp hành chính, mà cụ thể là áp dụng kết hối để tránh tình trạng găm giữ ngoại tệ của các tổ chức, thưa ông?
Tôi chưa thể trả lời là có nên hay không. Theo tôi kết hối là đi vào hành chính. Kết hối chỉ là giải pháp nhất thời, bất đắc dĩ thì chúng ta mới tính đến biện pháp này mà thôi.
Còn lâu dài, mục tiêu của chúng ta là hướng tới thị trường. Ví dụ khi mở biên độ 5% thì đã hướng dần cho một dư địa thị trường hoạt động rồi. Ngân hàng Nhà nước can thiệp bằng nguồn cung và cầu của mình mà điều chỉnh thì sẽ tốt hơn.
Nhưng nếu không kết hối thì các doanh nghiệp sẽ găm giữ ngoại tệ, thưa ông?
Nếu doanh nghiệp găm giữ thì chúng ta phải đặt ra câu hỏi là tại sao họ lại găm giữ. Chúng ta cần xem lại tỷ giá hiện nay đã hợp lý chưa. Nếu doanh nghiệp mà thấy nhiều nguy cơ rủi ro khi găm giữ ngoại tệ thì họ cũng không bao giờ găm giữ làm gì.
Do đó, chúng ta phải đi vào nguyên nhân để phân tích xem tại sao doanh nghiệp lại găm giữ ngoại tệ thì mới tính đến chuyện giải quyết vấn đề này.
Nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng, việc găm giữ ngoai tệ này là có nguyên nhân từ sự chênh lệch lãi suất giữa USD và VND?
Đúng là chênh lệch lãi suất giữa USD và USD cũng là vấn đề cần phải tính. Nhưng nếu như chúng ta củng cố niềm tin bằng việc khẳng định rằng, có thể kiểm soát tốt được lạm phát tốt trong năm nay (chỉ trên dưới 6%), thì chênh lệnh tỷ giá giữa USD và VND thì người ta sẽ không giữ USD.
Vậy theo ông, đâu là giải pháp hợp lý nhất lúc này để giải quyết tinh trạng khan hiếm USD trên thị trường?
Tôi cho rằng xem lại cung cầu trên thị trường và đồng thời phải kiểm soát được thị trường tự do. Về nguyên tắc, phải làm sao nền kinh tế nội địa chủ yếu là sử dụng bằng tiền đồng và không được “Đô la hoá” trên thị trường tự do.
Còn nếu tiếp tục để “Đô la hoá” trên thị trường mà tiếp tục sử dụng biện pháp hành chính ngăn chặn thì chắc chắn, việc thiếu hụt cung cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn cứ xảy ra.
(Theo TỪ NGUYÊN // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com