Một biên độ rộng hơn, người mua người bán dễ gặp nhau hơn nhưng cũng đi cùng với khả năng tạo những biến động mạnh hơn - Ảnh: Quang Liên. |
Người mua người bán chưa gặp nhau, hay người dư kẻ thiếu chỉ là hệ quả. Phía sau sự căng thẳng là những nút thắt chờ gỡ.
Tròn một tháng, kể từ ngày 17/4, giá mua vào USD của các ngân hàng thương mại san bằng giá bán ra và luôn kịch trần biên độ cho phép. Một diễn biến kéo dài hiếm thấy trong những năm qua, là một phần biểu hiện sự căng thẳng trên thị trường ngoại hối.
Vừa thiếu, vừa thừa!
Ngân hàng Nhà nước khẳng định dự trữ ngoại hối đảm bảo, tại sao không tăng cường bán ra để hỗ trợ doanh nghiệp? Cán cân thương mại thặng dư lớn trong quý 1 nhưng tại sao tìm mua USD khó như vậy? Những câu hỏi này được đặt ra tại cuộc đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày 16/5, tại Hà Nội.
Do thiếu. Đó là câu trả lời đúng từ thực tế tại nhiều ngân hàng thương mại. Thời gian gần đây, có ngày trạng thái ngoại tệ âm tới 50 triệu USD; có trường hợp thường xuyên âm phải nhờ sự viện trợ của Ngân hàng Nhà nước; hay việc đẩy giá chào mua lên bằng giá bán cũng một phần cho thấy “mong muốn” mua cho được của các ngân hàng.
Nhưng không thiếu! Dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước vẫn đảm bảo ổn định ở mức cao. Cán cân thương mại thặng dư lớn trong quý 1/2009. Ngân hàng Nhà nước vẫn tăng cường hỗ trợ trên thị trường liên ngân hàng.
Nguyên do chính được giải thích từ hiện tượng nhiều doanh nghiệp có nguồn thu bằng USD không chịu bán lại cho ngân hàng, có tâm lý chờ giá tiếp tục tăng lên, thậm chí còn “ra giá” để có thể đạt mức cao hơn trần quy định hiện hành mới bán.
Nguyên do đó cũng được ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), thừa nhận tại cuộc đối thoại nói trên.
“Tôi cũng nghe từ phía các ngân hàng về tình trạng nhiều doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ. Khi bán cho ngân hàng hoặc bán cho khách hàng khác thì ép với một mức giá cao hơn. Họ có tư tưởng găm giữ, muốn bán giá cao hơn. Từ đó dẫn đến tình trạng là ngân hàng không mua được ngoại tệ, không có ngoại tệ để bán”, ông Huy nói.
Trong khi đó, trong hoạt động tín dụng, các ngân hàng hiện lại đang ở trong tình trạng lo ngại thừa vốn USD, càng huy động càng có thể lỗ. Đây cũng là tình thế được ông Huy đề cập đến, cũng như thể hiện rõ nét trên thực tế thời gian qua.
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động USD liên tục sụt giảm, hiện phổ biến chỉ từ 2% - 3%/năm. Theo phân tích của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, do không cho vay ra được nên nếu các ngân hàng huy động càng nhiều USD thì sẽ càng lỗ, bởi họ phải gửi số ngoại tệ này ở nước ngoài với mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với mức huy động, mà nếu gửi ở Ngân hàng Nhà nước thì lãi suất chỉ ở mức… 0,1%.
Về nhu cầu, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại liên tục ở mức thấp kể từ đầu năm, thậm chí giảm khá mạnh trong tháng 2 và 3. Doanh nghiệp ngại vay USD một phần do đề phòng rủi ro tỷ giá (nhiều trường hợp đã phải trả giá đắt trong năm 2008), và lãi suất cho vay USD hiện chưa hấp dẫn. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung tìm mua USD khiến cầu trên thị trường càng căng thẳng.
Những nút thắt chờ gỡ
Vì sao doanh nghiệp không bán ngoại tệ cho ngân hàng? Câu trả lời trực tiếp được giải thích ở sự kỳ vọng giá USD sẽ tiếp tục tăng cao hơn, doanh nghiệp giữ USD sẽ lợi hơn hoặc để dự phòng cho rủi ro tỷ giá.
Nhưng có một câu trả lời khác đáng chú ý hơn: mức giá trần theo biên độ hiện tại chưa thỏa mãn yêu cầu của người bán. Theo đó, biên độ +/-5% theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện chưa phản ánh được hết yêu cầu thực tế. Ít nhất nhận định này khớp với hiện tượng doanh nghiệp “ra giá” vượt trần khi bán lại ngoại tệ cho ngân hàng thời gian gần đây; hay doanh nghiệp phải mua USD với giá cao hơn trần quy định (theo một số phản ánh tại cuộc đối thoại trên).
Như vậy, liệu có khả năng biên độ tỷ giá sẽ tiếp tục được nới rộng trong thời gian tới hay không? Một biên độ rộng hơn, người mua người bán dễ gặp nhau hơn nhưng cũng đi cùng với khả năng tạo những biến động mạnh hơn. Hoặc có thể gỡ nút thắt đó bằng một giải pháp khác được dư luận chú ý gần đây là Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét lại yêu cầu kết hối, quy định doanh nghiệp phải bán lại cho ngân hàng một tỷ lệ ngoại tệ thu được…
Một hệ quả phía sau sự căng thẳng hiện nay là có trường hợp doanh nghiệp phải mua USD của ngân hàng với giá cao hơn quy định. Trước phản ánh của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại nói trên, ông Nguyễn Quang Huy cũng chia sẻ rằng, “việc mua bán ngoại tệ vượt trần có thể bị biến tướng, rất tinh vi và với cơ quan quản lý thực tế là rất khó phát hiện”. Tất nhiên, về nguyên tắc Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nếu phát hiện được những vi phạm.
Liên quan đến sự căng thẳng trong hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ hiện nay, một hướng tháo gỡ mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là cần xác định một tiếng nói chung giữa các ngân hàng thương mại.
Theo Phó thống đốc Nguyễn Văn Bình, “các ngân hàng phải cùng nhau đưa mặt bằng lãi suất huy động USD xuống thấp hơn nữa (theo quan điểm của chúng tôi phải ở mức từ 1 đến 2% là tối đa). Khi đó mới có điều kiện để đưa mặt bằng lãi suất cho vay USD xuống mức thấp hơn (theo tính toán sẽ ở mức từ 1,5% đến 3,5%). Điều này sẽ tạo chênh lệch lãi suất giữa vay vốn USD và VND ở mức từ 2% đến 3% - điều kiện hấp dẫn hơn để khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn USD thay vì chỉ đi mua USD”.
Ông Bình nhận định rằng các ngân hàng thương mại cũng đang rất muốn gỡ nút thắt này, nhưng còn nhìn nhau. “Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng nhằm tạo ra sự đồng thuận và triển khai đồng bộ giữa các ngân hàng thương mại theo hướng này”, ông Bình cho biết thêm.
Một thông tin được đưa ra tại cuộc đối thoại ngày 16/5 cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước hiện đang “đàm phán” với một số doanh nghiệp lớn để họ vay USD của các ngân hàng thay vì mua USD. Và ở một tín hiệu khác, theo lời ông Huy, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu bán lại ngoại tệ cho ngân hàng những ngày gần đây.
(Theo MINH ĐỨC // Báo vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com