Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Không thể coi thường tái lạm phát

Bốn tháng đầu năm nay, lạm phát cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước và có lẽ cũng chính vì thế mà một số người cho rằng, tái lạm phát tới đây là chuyện không đáng lo ngại.


Đúng là từ nay đến tháng 7, tháng 8, Việt Nam có thể chưa có lạm phát cao, do độ trễ của việc thắt chặt tiền tệ, tài khoá trong nửa đầu năm trước vẫn còn tiếp tục tác động và sự nói lỏng tiền tệ, tài khoá từ cuối năm trước đến nay phát huy tác dụng chưa đầy đủ. Tuy nhiên, việc cảnh báo sớm về tái lạm phát từ tháng 9 trở đi là điều không thể coi thường, thậm chí là rất cần thiết, do có sự “cộng hưởng” của nhiều yếu tố đối với lạm phát ở trong nước và quốc tế.

Còn nhớ, đầu năm ngoái, Báo Đầu tư đã cảnh báo phải chống lạm phát ngay từ đầu năm; thực tế đến tháng 8, lạm phát đã lên đến mức 21,65%. Đầu tháng 9 năm ngoái, chúng tôi đã đề cập đến thiểu phát; thực tế tháng 9 lạm phát thấp và giảm liền trong 3 tháng cuối năm- một hiện tượng gần như chưa từng xảy ra.

Hiện nay, ở trong nước, có một số yếu tố tác động đến tái lạm phát. Yếu tố vẫn được coi là tiềm ẩn, là nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư và năng suất lao động vốn còn thấp, năm nay có thể còn thấp hơn, vì tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm trước theo dự đoán có thể từ 1 đến 1,5 điểm phần trăm, trong khi tỷ lệ vốn so với GDP giảm ít hơn, số lao động đến tuổi lao động cao nhưng khả năng tiếp nhận thấp do thất nghiệp và thiếu việc làm tăng (theo dự báo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ này có thể tăng lên, đạt 7,1%). Đó là chưa nói, do kích cầu, việc tính toán, giám sát đầu tư sẽ bị nới lỏng hơn lúc bình thường.

Yếu tố thứ hai là nhu cầu tiêu dùng đang có xu hướng tăng lên. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm nếu loại trừ yếu tố tăng giá đã tăng 7,4%, cao hơn tốc độ tăng của nửa cuối năm trước và cả tốc độ tăng trưởng kinh tế. Từ tháng 5 này, lương tối thiểu của công chức, viên chức tăng, lương hưu và trợ cấp cho các đối tượng hưởng từ ngân sách tăng, giá điện, giá xăng dầu tăng, “cộng hưởng” với tình trạng “tát nước theo lương” sẽ kéo giá tiêu dùng tăng theo.

Yếu tố thứ ba là tác động phụ từ việc kích cầu đầu tư tiêu dùng cùng với sự nới lỏng tiền tệ, tài khoá đã kéo tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng từ tháng 4 lên cao, tính chung 4 tháng đầu năm đã lên trên 11%; khả năng bội chi ngân sách so với GDP cũng tăng lên mức 8%. Ngoài ra, một lượng tiền không nhỏ đang đổ dồn vào thị trường chứng khoán; nếu thị trường này quay đầu giảm, thì sẽ có một lượng tiền sẽ tràn sang thị trường hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng và kéo giá tiêu dùng tăng lên.

Trên thế giới, với việc giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, thậm chí đối với một số nước xuống sát mức 0% - tức là không còn chỗ để giảm nữa - chỉ cần kinh tế có dấu hiệu phục hồi tăng trưởng, thì lạm phát sẽ quay trở lại, kéo giá tiêu dùng trong nước lên theo. Trong khi đó, tỷ giá VND/USD năm trước đã tăng cao (6,31%); năm nay mới qua 4 tháng đã tăng 3,88% (nếu tính sau một năm thì bình quân 4 tháng đã tăng 9,55%).

Lạm phát cao có thể chưa đến, nhưng cần có sự cảnh báo sớm (do độ trễ của nó) để có sự điều hoà liều lượng các giải pháp ngay từ bây giờ.

 

(Theo Minh Nhung // Báo đầu tư)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • HSBC: Tăng trưởng GDP 2009 của Việt Nam là 4,5%
  • Căng thẳng ngoại tệ không chỉ là… căng thẳng
  • “Không nên quá lạm dụng chính sách tài khóa trong kích cầu”
  • Cơ hội FDI từ Mỹ
  • Quyết liệt xóa bỏ tình trạng đô-la hóa
  • Sức hút của vàng trước nguy cơ lạm phát
  • Giám sát chặt dòng vốn
  • Yết giá bằng nội tệ: Còn nhiều vấn đề phải bàn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!