![]() |
Nhu cầu vay tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam vào khoảng 2 tỉ đô la nhưng nguồn vốn ưu đãi dành cho chương trình đầu tư quan trọng này vẫn còn rất khiêm tốn. |
Đã có không ít hội thảo bàn về hiệu quả của đầu tư vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đồng thời một số quỹ cũng đã được hình thành nhằm cung cấp các khoản tín dụng ưu đãi cho những dự án tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư vào lĩnh vực có nhiều lợi ích này.
Từ năm 2006 đến nay, mỗi lần nghe nói đến vấn đề tiết kiệm năng lượng là ông Đỗ Thành Nam, trưởng phòng kỹ thuật của một công ty dệt ở quận 12, TPHCM, tỏ ra rất hào hứng. Cũng từ đó, ông Nam đã chịu khó tìm đến các hội thảo, các chuyên gia tư vấn và thuyết phục ban giám đốc thực hiện việc tiết kiệm điện, từ đầu tư công nghệ mới đến cải tiến quản lý, kỹ thuật. Theo ông, đầu tư vào tiết kiệm năng lượng chính là một cách kiếm tiền ngay từ trong nhà mình, vì tiềm năng tiết kiệm ở mỗi doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn chưa tìm được cách giải quyết vấn đề nguồn vốn vay để đầu tư, cho dù chỉ có 3 tỉ đồng. Không riêng gì ông Nam, giám đốc một doanh nghiệp cơ khí ngành đúc cũng đang trăn trở với bài toán tài chính đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng. Bà cho biết, hiện nay các doanh nghiệp ngành đúc trong nước chủ yếu sử dụng công nghệ lò đúc của Trung Quốc, với đặc điểm chung là rất tiêu tốn điện. Doanh nghiệp của bà có khoảng 30 lò trung tần, mỗi lò khoảng một tấn và tiền điện hàng tháng phải thanh toán đến 2 tỉ đồng. Là một doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đầu tư hạn chế, nên bà chưa biết xoay xở đâu để tìm được nguồn vốn để mua lò mới của Mỹ, mà theo bà có thể giảm lượng điện tiêu thụ xuống chỉ còn một phần ba, nhưng giá lại đắt gấp năm lần so với lò của Trung Quốc. Nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại thì lãi suất cao, trong khi nguồn vay ưu đãi thì không thể tiếp cận được. Cứ nghe đâu có thông tin vốn vay ưu đãi từ các dự án, bà lại tìm đến, nhưng rồi lại đành ra về với lòng trĩu nặng. Nguồn vốn cho vay tiết kiệm năng lượng dường như vẫn là một cánh cửa khép đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vay tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Nhưng nguồn vốn ưu đãi dành cho chương trình đầu tư quan trong này vẫn còn rất khiêm tốn, trong đó đáng kể nhất là nguồn cung cấp thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), với vỏn vẹn 40 triệu đô la Mỹ. Đây là nguồn vốn ODA, có tổng trị giá 46 triệu đô la Mỹ, do Chính phủ Nhật Bản cung cấp để hỗ trợ các dự án tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo. VDB nhận số tiền này từ Bộ Tài chính để cho các doanh nghiệp vay. Nguồn vốn 46 triệu đô la này được chia thành ba khoản: 30 triệu đô la Mỹ dành cho các dự án tiết kiệm năng lượng, 10 triệu cho các dự án năng lượng tái tạo và còn lại để cải tổ quản lý, hỗ trợ kỹ thuật. Lãi suất của nguồn vay này khá hấp dẫn, từ 6,9-9,6%/năm, nhưng hạn mức cho vay tối thiểu tới một triệu đô la Mỹ một dự án. Chính điều này đã làm tiêu tan hy vọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay đầu tư công nghệ, đổi mới thiết bị để tiết kiệm năng lượng.Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó trưởng ban vốn nước ngoài của VDB, giải thích rằng khoản cho vay 40 triệu đô la Mỹ thực chất là khoản tiên phong khai phá thị trường tiết kiệm điện, và hạn mức tối thiểu một triệu đô la Mỹ là nhằm giảm chi phí quản lý. Cũng vì là khoản cho vay thử nghiệm, khai phá thị trường, nên chỉ các doanh nghiệp tiêu thụ điện trọng điểm, tức tiêu thụ điện năng hàng năm trên 3 triệu kWh, thuộc các ngành sản xuất thép, xi măng, chế biến thực phẩm, dệt may… được vay. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, con số các doanh nghiệp đáp ứng chỉ tiêu này cũng đã lên đến 2.200. Vẫn theo lời ông Trung, doanh nghiệp nhỏ và vừa phải chờ đợi đến năm 2012, khi giai đoạn 2 được triển khai với tổng số tiền dự kiến sẽ là 200 triệu đô la Mỹ cùng với các tiêu chí được mở rộng và hạn mức cho vay tối thiểu được giảm xuống. Giải pháp hiện nay dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn vay đầu tư tiết kiệm năng lượng là liên kết, tuy nhiên điều này lại gặp những vướng mắc. Theo một nhà doanh nghiệp, họ không thể tự mình liên kết với nhau được, mà phải qua một khâu trung gian. Nhưng làm như thế thì chi phí quản lý sẽ đội lên, và mức lãi suất thực tế sẽ ngang bằng với lãi suất của các ngân hàng thương mại, trong khi đó thì thủ tục có thể lại rắc rối và vòng vo hơn. Hy vọng giải tỏa vướng mắc về nguồn vốn của doanh nghiệp nằm ở dự thảo Luật Tiết kiệm năng lượng. Dự thảo luật này ghi rằng các biện pháp khuyến khích thúc đẩy sử dụng năng lượng được miễn, giảm thuế nhập khẩu, được vay vốn ưu đãi từ VDB, và được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở chỗ ban hành luật lệ, cơ chế hỗ trợ, mà quan trọng hơn là làm sao để cả Nhà nước và doanh nghiệp phải nhận ra rằng, không thể tiếp tục sử dụng năng lượng lãng phí như lâu nay nữa. Hiện nay Bộ Công Thương đang soạn thảo một đề án về chế tài hạn mức tiêu thụ điện năng trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, theo hướng càng tiêu thụ nhiều điện năng sẽ phải đóng tiền phạt nhiều. Một số doanh nghiệp cho biết, sớm muộn gì thì vấn đề đầu tư tiết kiệm điện cũng phải thực hiện, vì với giá than, điện liên tục tăng, chỉ những công ty nào có hiệu quả sử dụng năng lượng cao thì mới có cơ hội phát triển.
(Theo Phi Tuấn // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com