Thông tư 19 được Ngân hàng Nhà nước ban hành, dù sát với thời điểm áp dụng, cũng kịp sửa đổi một số quy định khắt khe của thông tư 13. Nhưng giới ngân hàng vẫn chưa hài lòng.
Một ngày trước khi thông tư 13 áp dụng, theo một số lãnh đạo ngân hàng, lãi suất khó đi ngược, bởi những sửa đổi “không nhiều điểm mới”.
Lùng nhùng “tài sản có rủi ro”
Với những phân tích mang tính kỹ thuật, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, Thông tư 19 chưa giải quyết đúng những điểm chính mà ngân hàng kỳ vọng.
Cụ thể, tại Điều 5, Thông tư 13 quy định về tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ của tổ chức tín dụng, các tổ chức phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 9%. Nghĩa là, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ sẽ được tính bằng “Vốn tự có” chia “Tổng tài sản có rủi ro” phải bằng tối thiểu 9%. Tuy nhiên, khi mẫu số của công thức trên càng lớn, thì tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ càng nhỏ.
Trường hợp này, các đối tượng được xác định là “tài sản có có hệ số rủi ro bằng 100%”, sẽ thiệt thòi hơn các đối tượng có hệ số rủi ro 50%. Bởi phần lớn đối tượng được coi là “tài sản có hệ số rủi ro bằng 100%” là các công ty TNHH, công ty cổ phần gia đình. Thông thường, các công ty thường lấy tài sản cá nhân làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp. Do vậy, cần sửa quy định các khoản phải đòi là tài sản đảm bảo của cổ đông thành tài sản đảm bảo của bên thứ 3 có tham gia góp vốn (từ 5% trở lên).
Ở góc độ khác, quy định này nếu không được sửa đổi, cũng làm hạn chế khả năng cung tín dụng. Cả nước có khoảng 550.000 doanh nghiệp, nhưng đến 95% trong số này thuộc nhóm đối tượng vay nói trên.
Ngoài ra, quy định “Tài sản có có hệ số rủi ro bằng 250%” đối với khoản cho vay chứng khoán; kinh doanh bất động sản là quá cao. Đối với các khoản này, áp dụng hệ số rủi ro ở mức 150% (tương đương 1,5 lần) là được.
Một số ngân hàng khác cho rằng, quy định “Ngân hàng thương mại chỉ được dùng 25% tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế trong nước làm nguồn vốn huy động cho vay là quá thấp. Trong khi lượng tiền gửi này rất ổn định, chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng tại ngân hàng. Song, điều kiện hiện tại, các ngân hàng chỉ có thể chấp nhận và tìm cách xoay sở.
Lãi suất khó giảm
Nhận định ban đầu của các ngân hàng, những thay đổi theo hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của Thông tư 19 sẽ dung hòa an toàn trong hệ thống tiền tệ, cho phép ngân hàng gia tăng thêm nguồn vốn cho vay, từ đó có thể tạo động lực hạ lãi suất. Ước tính tỷ lệ cấp tín dụng có thể tăng 7 – 10% so với quy định cũ tại Thông tư 13. Ngân hàng cũng giảm được sức ép từ tỷ lệ chi trả hoạch toán cuối ngày. Đây là dấu hiệu tích cực, để có thể kỳ vọng lãi suất sẽ giảm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia ngân hàng lại không lạc quan. Bởi cuối năm, nhu cầu hút vốn lớn. Hơn nữa, tỷ giá đồng USD và giá vàng hiện cũng tác động mạnh đến nguồn cung tiền trên thị trường. Một lượng lớn tiền sẽ chảy vào hai kênh đầu tư này, khiến lượng tiền đồng giảm đáng kể. Tỷ giá tăng cao trong khi xuất khẩu, chủ yếu là gạo và thủy sản kém xa so với cùng kỳ năm 2009, cũng khiến cho nguồn cung đồng USD căng thẳng. Và lãi suất cũng khó giảm sâu, cho đến khi nào Ngân hàng Nhà nước chịu áp dụng chính sách thị trường mở, bơm thêm tiền cho các ngân hàng.
Một giám đốc chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT cho rằng, Thông tư 19 chỉ mới “gọt” vuông cái hình tròn “Thông tư 13”. Để tạo nên hình hài toàn diện cho chính sách tiền tệ, cần lộ trình điều chỉnh, và có thời gian để ngân hàng thích nghi. Việc giữ nguyên hiệu lực thi hành vào ngày 1/10 sẽ gây khó cho một số ngân hàng.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com