Người ta đang tự hỏi vì sao lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng mười ngày qua giảm, lãi vay qua đêm có lúc chỉ còn 11-13%/năm, vay một tháng khoảng 17%/năm, mà lãi suất tiết kiệm vẫn cao, tuy không còn 19-20%, nhưng vẫn đứng ở 17-18%/năm. Người có thể trả lời chính xác câu hỏi này là các ngân hàng nhỏ.
Chiếm dụng vốn liên ngân hàng
Cuối tháng trước các tổ chức tín dụng dồi dào tiền đồng đã ngưng đưa vốn ra trên thị trường liên ngân hàng mặc dù khi đó lãi suất đang cao. "Một số khách hàng thường xuyên vay tiền liên ngân hàng của chúng tôi đã không chịu trả cả vốn lẫn lãi và sẵn sàng chấp nhận phạt. Chúng tôi nói lãi suất phạt 27%/năm, họ cũng gật đầu. Tình trạng chiếm dụng vốn thế này quá rủi ro, khiến chúng tôi không thể cân đối cơ cấu vốn, nên chúng tôi ngừng cho vay", tổng giám đốc một ngân hàng bức xúc. Ông cho rằng thanh khoản tiền đồng đang trong tình trạng giật gấu vá vai. Khi thanh khoản toàn hệ thống đang bị gói gọn trong một phạm vi chỉ tiêu nhất định, ngân hàng A thừa tiền có nghĩa là ngân hàng B phải thiếu.
Việc Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất tiền đồng đang gây nhiều tranh luận. Ảnh: Minh Khuê |
Không thể vay tiếp trên thị trường liên ngân hàng do uy tín kém và không chịu trả nợ đúng hạn, các tổ chức tín dụng có vấn đề về thanh khoản đã tìm đến tái cấp vốn. Ngoài những điều kiện ngặt nghèo phải tuân thủ, người vay tiền dạng này cũng không thể yên tâm vì kỳ hạn tái cấp vốn thông thường chỉ từ 1-3 tháng. Thường tối đa ba tháng là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đòi tiền tái cấp vốn. Muốn vay thêm hoặc gia hạn, phải xin tiếp. Chính vì thế, dù đã được "tiếp máu" bằng tái cấp vốn, các ngân hàng khó khăn thanh khoản vẫn duy trì lãi suất tiền gửi cao để có nguồn huy động từ dân cư.
Kiểm soát số dư nợ tuyệt đối thay vì tỷ lệ phần trăm?
Ở phía đầu ra, lãi suất cho vay bắt đầu giảm, nhưng mức giảm ít và chậm, thấp hơn khoảng 2%/năm ở các kỳ hạn 1-6 tháng so với tháng 5. Hầu hết các ngân hàng không còn dư địa tăng trưởng tín dụng cho dù mới đang là giữa năm. Mười bốn ngân hàng đã có tăng trưởng tín dụng vượt quá 20% so với cuối năm ngoái, nằm trong danh sách đen của NHNN và đang gấp rút giảm dư nợ. Mặt khác lãi suất cao đã khiến doanh nghiệp chùn tay, họ giảm vay. Khi không thể cho vay thêm và nếu có thể thì người vay vắng bóng là lý do đẩy lãi suất đầu ra hạ nhiệt.
Trong khi đó các ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ phi sản xuất sau khi có những ý kiến cho rằng NHNN đang nghiên cứu áp dụng chỉ tiêu dư nợ cho lĩnh vực này bằng con số tuyệt đối, chứ không phải tỷ lệ phần trăm. Do tín dụng bất động sản không thể giảm nhanh, các ngân hàng quay ra siết mạnh tín dụng chứng khoán. Các công ty chứng khoán được ngân hàng, công ty tài chính cung cấp tiền để hỗ trợ nhà đầu tư bắt buộc phải giải chấp để trả nợ. Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS) đã giảm được một phần tổng lượng tiền hỗ trợ nhà đầu tư, nhưng vẫn còn tới 1.400 tỉ đồng phải giải chấp nếu thị trường xấu đi. Trong mười phiên lao dốc của chứng khoán, TLS đã kiên quyết xử lý những tài khoản mà nhà đầu tư không thể nộp thêm tiền hay tài sản, nhưng không phải công ty chứng khoán nào cũng hành động như vậy. Khảo sát của chúng tôi cho thấy lượng vốn cần giải chấp ở những công ty hỗ trợ nhà đầu tư nhiều nhất vẫn còn khoảng hai phần ba so với nhu cầu phải tháo gỡ.
Tổ chức kinh tế vẫn giữ ngoại tệ
NHNN đã có một động thái kịp thời khi ban hành cùng lúc ba quyết định giảm lãi suất huy động ngoại tệ của dân cư xuống 2%/năm, của tổ chức kinh tế xuống 0,5%; tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 1% cho cả ngắn và dài hạn; kết hối các doanh nghiệp nhà nước từ đầu tháng 7 tới. Sự kịp thời là ở chỗ NHNN cố gắng giữ chênh lệch cao giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ. Cái neo duy nhất để duy trì sự dịch chuyển tiết kiệm của dân cư từ nội tệ sang ngoại tệ là lãi suất tiết kiệm tiền đồng cao. Nếu cái neo này lung lay, xu hướng tích lũy vàng, ngoại tệ có thể quay trở lại.
Các quy định mới về kết hối đối với doanh nghiệp nhà nước và hạ lãi suất ngoại tệ sẽ giúp mở cửa rộng hơn nguồn cung trên thị trường ngoại hối. Từ đây việc mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối quốc gia có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình nhập siêu đang ngày một trầm trọng hơn. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm tháng đầu năm nay chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái; kiều hối có thể giảm vì lãi suất tiết kiệm ngoại tệ đã giảm mạnh, làm cho luồng tiền chảy vào để tận dụng chênh lệch lãi suất đô la Mỹ ở Việt Nam và bên ngoài biên giới đang bị thu hẹp. Đây là hai nguồn chủ yếu để bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán, thì cả hai đều đang chững lại. Mức tăng thêm 1,2 tỉ đô la Mỹ của dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay rõ ràng là không theo kịp tăng trưởng nhập siêu.
Bên cạnh đó, vẫn còn khúc mắc mà cơ quan quản lý ngành ngân hàng phải giải quyết: tăng trưởng huy động vốn bằng ngoại tệ năm tháng đầu năm rất cao, tới 18,84% so với cuối năm 2010, mà chủ yếu từ doanh nghiệp (mức tăng của dân cư chỉ có 8,63%). Tại sao tổ chức kinh tế vẫn găm giữ ngoại tệ bất chấp lãi suất thấp? Phải chăng họ đã tính toán để dành để thanh toán nhập khẩu? Nếu đúng như vậy thì giải bài toán nhập siêu còn gian nan.
Tác giả: Hải Lý//Theo TBKTSG
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com