Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thị trường tiền tệ: Sự ổn định bấp bênh

Nhìn bề ngoài, thị trường tiền tệ dường như đang gạt bỏ dần những bất ổn để trở nên ổn định hơn như hiện tượng lãi suất giảm nhẹ. Nhìn sâu bên trong, sự ổn định đó vẫn chưa có cơ sở vững chắc.

Chưa đến giữa năm mà có tới 14 ngân hàng đã hết dư địa cho tăng trưởng tín dụng; 20 ngân hàng vẫn còn tỷ lệ cho vay phi sản xuất trên 22% tổng dư nợ...

Chứng khoán bắt đầu lên điểm từ vùng đáy thấp nhất của năm nay, ngày 26.5.2011, khi thông tin lãi suất tiền đồng có dấu hiệu giảm. Nói là có dấu hiệu bởi thực tế lãi suất giảm không nhiều. Khảo sát của chúng tôi tại mười tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM cho thấy lãi suất cho vay thấp nhất vẫn còn 20,5%/năm, còn cao thì vô chừng. Các ngân hàng nói mức 20-21%/năm là chuẩn, chưa có cộng thêm. Phần biên độ cộng thêm tùy thuộc mục đích khoản vay, thời gian và quy mô vay cũng như tài sản thế chấp.

Có nhiều nguyên nhân chỉ ra lãi suất dường như đã ở đỉnh.

Thứ nhất là nhiều ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 20% của năm nay, giờ chỉ còn chăm chăm thu nợ.

Thứ hai, lãi suất cao doanh nghiệp ngại vay vì vay được tiền rồi, kinh doanh gì có lãi hơn 20% để trả ngân hàng, chưa kể chi phí nhân công, thiết bị, nguyên liệu?

Lý do thứ ba và quan trọng nhất là ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung ra một lượng tiền đồng để "giải cứu" các ngân hàng thanh khoản yếu qua con đường tái cấp vốn. Theo báo Lao Động, NHNN đã tái cấp vốn tới 70.000 tỉ đồng cho một số ngân hàng. Đó là con số khổng lồ nếu so sánh với tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến 23.5.2011 là 6,2%, tương đương số tuyệt đối 135.800 tỷ đồng theo như công bố của thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu.

NNHH nhiều lần lên tiếng xử lý nghiêm những ngân hàng vượt trần lãi suất huy động, nhưng đến nay, chưa có trường hợp nào bị xử lý. Ảnh minh hoạ.

Tiền tái cấp vốn bằng hơn một nửa tăng trưởng tín dụng năm tháng đầu năm! Dư luận kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay được kiểm soát, nhưng với số tiền tái cấp vốn nói trên, rõ ràng tiền vẫn đang được bơm vào nền kinh tế và không thể nói là chúng ta chống lạm phát với tổng lượng tiền đưa ra cấp tập trong một thời điểm như vậy.

Sẽ hợp lý và không gây lo ngại về cung tiền nếu NHNN tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng, sau đó dùng số tiền có được từ gia tăng dự trữ bắt buộc để tái cấp vốn cho một số ngân hàng. Còn với phương cách NHNN đã làm, khi cung tiền tăng lên đột ngột, dĩ nhiên lãi suất phải giảm. Chỉ có nguy cơ kiềm chế lạm phát lại thêm một lần đứng chênh vênh bên bờ vực!

Mức tăng của chỉ số CPI tháng 6 này đang được các cơ quan quản lý của bộ Tài chính, bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định sẽ thấp hơn mức tăng của tháng 5 do không có yếu tố tăng giá điện, giá xăng dầu. Nỗ lực của Chính phủ chưa tăng, chứ không phải không tăng giá điện, có thể sẽ không có mấy tác dụng để "hạ nhiệt" CPI nếu cung tiền tăng mạnh như NHNN đã thực thi.

NHNN đã không có bất cứ một thông tin chính thức nào về lượng tiền tái cấp vốn, có thể do quan niệm cho rằng đây là nghiệp vụ ngân hàng. Tuy nhiên, những thông tin rò rỉ như báo Lao Động đăng tải, đang làm dấy lên nghi ngờ vì sao phải tái cấp vốn một lượng tiền lớn đến như vậy? Nếu số tiền trên là cần thiết, thì rõ ràng thanh khoản của một số ngân hàng đang rất trầm trọng. Vì sao thanh khoản của họ lại trầm trọng đến mức đó? Có phải vì cho vay quá đà? Vì không thu hồi được nợ, phải đảo nợ? Hay còn vì một lý do nào khác?

Mặt khác, thời hạn của tái cấp vốn thông thường không kéo dài. Một ngân hàng được tái cấp vốn cho biết họ đã từng đề nghị được tái cấp vốn sáu tháng, nhưng NHNN chỉ cho tối đa ba tháng, sau đó căn cứ tình hình thực tế để gia hạn hoặc rút bớt tiền về. Liệu ba tháng có đủ cho các ngân hàng đang được tái cấp vốn cải thiện thanh khoản? Còn nếu không, chuyện gì sẽ xảy ra? Hay tái cấp vốn sẽ được áp dụng triền miên? Đây là câu hỏi mà chỉ NHNN trả lời chính xác.

Ngân hàng Nhà nước đã tung ra một lượng lớn tiền đồng để "giải cứu" các ngân hàng thanh khoản yếu qua con đường tái cấp vốn. Dư luận kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm nay được kiểm soát, nhưng với số tiền tái cấp vốn nói trên, rõ ràng tiền vẫn đang được bơm vào nền kinh tế và không thể nói là chúng ta chống lạm phát với tổng lượng tiền đưa ra cấp tập trong một thời điểm như vậy.

Ngoài ra, việc tái cấp vốn có ảnh hưởng đến việc bơm tiền ra để mua ngoại tệ? NHNN đã rất thận trọng trong việc mua ngoại tệ vì e ngại cung tiền tăng lên. Vì thế, mặc dù cung cầu ngoại hối đang thuận lợi, lượng ngoại tệ Nhà nước mua thêm để nâng quỹ dự trữ quốc gia khá mỏng.

Mới đây, quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn 13,5 tỷ đôla Mỹ. Có khả năng IMF đã cộng thêm hơn 1 tỷ đôla Mỹ đã được NHNN mua vào vừa qua vì số liệu công bố trước đây của tổ chức này thấp hơn.

So với năm 2007, thời điểm dự trữ ngoại hối của Việt Nam cao nhất là 23 tỷ đôla Mỹ, đến nay, dự trữ ngoại hối đã hụt 9,5 tỷ đôla Mỹ. Mức tụt giảm dự trữ ngoại hối tới 41,3% trong vòng chưa đầy bốn năm ai chịu trách nhiệm?

Nhìn bề ngoài, thị trường tiền tệ dường như đang gạt bỏ dần những bất ổn để trở nên ổn định hơn như hiện tượng lãi suất giảm nhẹ. Nhìn sâu bên trong, sự ổn định đó vẫn chưa có cơ sở vững chắc. Bằng chứng là chưa đến giữa năm mà có tới 14 ngân hàng đã hết dư địa cho tăng trưởng tín dụng; 20 ngân hàng vẫn còn tỷ lệ cho vay phi sản xuất trên 22% tổng dư nợ. NHNN đã nhiều lần lên tiếng xử lý nghiêm những ngân hàng vượt trần lãi suất huy động, vuợt mức tăng trưởng tín dụng, không lùi thời hạn cho vay phi sản xuất nhưng cho đến nay, vẫn chưa có trường hợp nào bị xử lý trong khi cả xã hội biết tiết kiệm tiền đồng có thể thoả thuận cao hơn trần.

Trong cuộc họp ở TP.HCM ngày 7/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa phải yêu cầu NHNN kiểm tra, xử lý ngay việc huy động tiền đồng vượt trần quy định. Lẽ nào chỉ đạo của Thủ tướng chìm vào im lặng?

Tác giả: Hải Lý //(Theo SGTT)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Khúc mắc lãi suất
  • Tín dụng USD ‘lăm le... phất cờ’
  • USD tụt giá: Mừng hay lo?
  • Lo VND… tăng giá với USD!
  • Hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm: Nóng chuyện “góp gạo thổi cơm chung”
  • Rủi ro từ thị trường tín dụng phi chính thức
  • Lãi suất, lạm phát và....
  • Mềm dẻo hơn sẽ không lo thiếu vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!