Các chuyên gia cho rằng, các nước châu Á đã trở thành người “đứng mũi chịu sào” nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Việc lập Quỹ tiền tệ châu Á (AMF) sẽ giảm sự phụ thuộc vào những nhân tố bên ngoài xét về tài chính và nền kinh tế thực. Việc AMF xây dựng từ mô hình Quỹ tài chính Quốc tế (IMF), sẽ giúp các nước châu Á tăng cường những nền tảng tài chính và kinh tế của họ. Ý tưởng quỹ tiền tệ khu vực và đồng tiền chung châu Á đã xuất hiện lần đầu vào năm 1997 do Nhật Bản đề xướng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Mỹ đã đáp lại một cách hờ hững vì lo ngại một quỹ tiền tệ khu vực sẽ đe doạ sức ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á cùng với sức ảnh hưởng của IMF có trụ sở tại Oa-sinh-tơn. Tuy nhiên, ý tưởng lập một Quỹ Tiền tệ châu Á lại được hâm nóng lên vào tháng 5-2009, khi các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 3 nền kinh tế mạnh của Đông Á tán thành thành lập một quỹ khẩn cấp 120 tỷ USD sử dụng trong trường hợp suy thoái kinh tế xảy ra. Trong cuộc họp giữa tháng 5-2009, Bộ trưởng Tài chính 13 nước châu Á đã hoàn tất Chương trình mở rộng trao đổi khu vực tiền tệ song phương, gọi là Sáng kiến Chiềng Mai (CMI). Lần đầu tiên được thành lập năm 2000 để đối phó với khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, CMI bao gồm 10 nước thành viên ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Cơ chế mở rộng trao đổi tiền tệ của CMI thực chất là một cách thức cho các nền kinh tế nhỏ và dễ bị tổn thương hơn của ASEAN được tiếp cận với nguồn vốn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc (1.900 tỷ USD), Nhật Bản (1.000 tỷ USD) và Hàn Quốc (206 tỷ USD). Trung Quốc và Nhật Bản sẽ đóng góp mỗi nước 38,4 tỷ USD để mở rộng nguồn quỹ, trong khi Hàn Quốc đóng góp 19,2 tỷ USD; 20% còn lại do các nước ASEAN đóng góp. Việc triển khai thực hiện gói 120 tỷ USD được chào đón như là một sự phát triển về nguyên tắc, có khả năng cung cấp cho các nước một sự thay thế tài trợ của IMF. So với 750 tỷ USD dự trữ của IMF, con số 120 tỷ USD của CMI khá khiêm tốn nhưng vẫn là một số tiền đáng kể, đủ để cho phép CMI đối phó với khủng hoảng tài chính trong một vài quốc gia. Sức ép từ những điều kiện của IMF cũng có thể khuyến khích các quốc gia sử dụng phương cách bảo hộ của CMI. Tuy nhiên, CMI cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp. Một phần là lý do chính trị. Nếu một quốc gia “nhận vay” ở trong những tình huống khó khăn xem như không thể trả nợ, nhà tài trợ có thể thoái thác việc tiến hành trao đổi. Thêm nữa, ý tưởng thành lập AMF có thể sẽ vấp phải sự phản đối của Mỹ bởi vì lợi ích của nhiều quốc gia khu vực gắn bó mật thiết với thái độ của Oa-sinh-tơn. Vì vậy, con đường thống nhất sẽ rất gập ghềnh, nhất là khi Mỹ không muốn có thêm một đồng “Ơ-rô thứ hai” để hạ bệ đồng USD, đặc biệt là đồng tiền đó được điều phối bởi Trung Quốc.
(Theo ĐCSVN)
Bài thuộc chuyên đề: Khủng hoảng kinh tế - Việc làm - Thất nghiệp
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com