Ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đưa ra khuyến nghị đối với doanh nghiệp về giải pháp kinh doanh trong một thị trường khó đoán định.
- Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành bảo hiểm. Hàng loạt đại gia trên thế giới điêu đứng. Còn thị trường bảo hiểm Việt Nam thì sao, thưa ông?
Cuộc khủng hoảng tài chính có tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài, và do vậy cũng có ảnh hưởng đến nghành bảo hiểm Việt Nam nói riêng nhưng không nặng nề. Ví dụ, doanh thu của một số nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tài sản cho các công trình xây dựng lớn, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm hàng hải. Nhiều doanh nghiệp đang nợ phí bảo hiểm, doanh thu mới của bảo hiểm nhân thọ giảm đáng kể. Ngoài ra, một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ do khó huy động vốn từ bên ngoài. Các nhà đầu tư mới, kể cả trong nước và nước ngoài đều cân nhắc kỹ hơn về kế hoạch đầu tư vào thị trường bảo hiểm. Nhìn chung, mặc dù năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, kinh tế suy thoái nhưng bảo hiểm vẫn tăng trưởng cao.
Do chủ động áp dụng các biện pháp đối phó với tác động của khủng hoảng tài chính, kết hợp với các biện pháp thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, lành mạnh nên năm 2008, hoạt động khai thác bảo hiểm gốc duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 21.194 tỷ đồng, tăng 18,68% so với năm 2007, trong đó: bảo hiểm phi nhân thọ đạt 10.855 tỷ đồng, tăng 32%, bảo hiểm nhân thọ đạt 10.339 tỷ đồng, tăng 9,3%. 6 tháng đầu năm 2009, kết quả cũng khả quan với hoạt động khai thác bảo hiểm gốc vẫn tăng trưởng, đạt 11.918 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 6.286 tỷ đồng, tăng 13,5%, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 5.362 tỷ đồng tăng 8,4%.
- Thưa ông, muốn đưa thị trường vượt qua những khó khăn thì việc hoàn thiện cơ chế chính sách là điều kiện tiên quyết. Vậy, Cục đã làm gì để cải thiện mối quan hệ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm?
Doanh nghiệp cần phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới |
Để tiếp tục đảm bảo cho thị trường bảo hiểm phát triển ổn định, bền vững, Cục QLBH từng bước hoàn thiện và ban hành mới các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, tạo khung pháp lý minh bạch để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và ổn định. Chẳng hạn như, rà soát và ban hành các quy định về quản lý và khai thác trong kinh doanh bảo hiểm; Sửa đổi, bổ sung các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo hướng quy định cụ thể các hành vi vi phạm, nâng cao tính chịu trách nhiệm của người quản trị điều hành; Xây dựng cơ sở pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm mới, đặc biệt là các sản phẩm về y tế, giáo dục, hưu trí... các chính sách khuyến khích phát triển bảo hiểm trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm; nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp bảo hiểm, phục vụ kịp thời công tác quản lý, giám sát thị trường.
- Nếu đặt mình ở góc độ doanh nghiệp, phương châm hành động của ông sẽ là gì trong bối cảnh hiện nay?
Theo tôi, mỗi doanh nghiệp bảo hiểm là mắt xích quan trọng trong hệ thống bảo hiểm Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp cần:
- Cải cách thủ tục hành chính (đơn giản hóa khâu giám định, bồi thường...)
- Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về an toàn tài chính, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp; xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp ngắn và dài hạn (đến năm 2020), xây dựng và diễn tập các phương án đối phó khi khả năng xấu nhất xảy ra; thực hiện chính sách quản lý chi phí hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng.
- Cải thiện chất lượng công tác quản trị điều hành: nâng cao công tác tự quản thông qua xây dựng và tổ chức thực hiện các quy trình quản lý nghiệp vụ; kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động kinh doanh; tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo hiểm.
- Đầu tư xây dựng và áp dụng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý nhằm giảm thiểu chi phí, hạn chế các trường hợp trục lợi bảo hiểm;
- Tiếp tục nghiên cứu phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, trình độ nhận thức và sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam, tăng cường tính minh bạch của sản phẩm nhằm củng cố niềm tin của người tham gia bảo hiểm. Cần tập trung vào các mảng thị trường còn bỏ ngỏ và nhiều tiềm năng như bảo hiểm y tế, giáo dục, hưu trí, bảo hiểm tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp.
- Áp dụng các kênh phân phối sản phẩm mới qua ngân hàng, bưu điện, e-commerce, telemarketing... nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh, tiện lợi cho khách hàng.
- Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các DNBH trong công tác khai thác, giám định, bồi thường để nâng cao hiệu quả hoạt động, chống trục lơi bảo hiểm, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.
- Ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh không lành mạnh?
Từ nhiều năm trước đây, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước cạnh tranh dưới hình thức hạ phí bảo hiểm, hay chi trả tiền hoa hồng trực tiếp cho khách hàng, hoặc dùng những mệnh lệnh hành chính của cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiện tượng này giảm đi rất nhiều do các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng chặt chẽ. Đồng thời công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các doanh nghiệp bảo hiểm được thực hiện thường xuyên hơn, quy mô lớn hơn và chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, theo quy định mới về xử phạt hành chính các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh việc áp dụng hình phạt tiền đối với tổ chức và cá nhân vi phạm, các biện pháp xử phạt bổ sung (như buộc bãi nhiệm chức danh đã được Bộ Tài chính phê chuẩn hay đình chỉ chức danh do doanh nghiệp đã bổ nhiệm, thu hẹp có thời hạn phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm… ) thực sự có tính răn đe đối với doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp nghiêm túc hơn rất nhiều trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
- Trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập, phải chăng đa dạng hóa sản phẩm là con đường doanh nghiệp bảo hiểm không thể bỏ qua, thưa ông?
Để nâng cao sức cạnh tranh, hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp bảo hiểm cần xây dựng cho mình chiến lược kinh doanh ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Cũng cần phải nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kênh phân phối cũng như khả năng giữ lại của các doanh nghiệp bảo hiểm bằng cách huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân, lành mạnh hóa các khoản đầu tư, giảm các tài sản kém thanh khoản và các khoản phải thu khó đòi. Trong trường hợp cần thiết có thể cân nhắc việc kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để nâng cao năng lực quản trị điều hành, phát triển công nghệ bảo hiểm.
Đa dạng hoá sản phẩm bảo hiểm, mở rộng kênh phân phối sản phẩm truyền thống qua các đại lý chuyên nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm cần nghiên cứu, phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới nhằm khai thác tối đa các thị trường tiềm năng và tăng khả năng cạnh tranh. Cũng cần đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động đầu tư nhằm khai thác triệt để nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng tỷ lệ đầu tư dài hạn và đầu tư trực tiếp, phù hợp với từng loại hình nghiệp vụ, cân đối thời hạn của các khoản nợ phải trả với thời hạn của tài sản đầu tư. Cần nghiên cứu đầu tư sang một số lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng phải gắn nguồn vốn đầu tư vào các tài sản cụ thể có tính thanh khoản và ổn định cao nhằm hạn chế tác động tiêu cực của lạm phát.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo Hoàng Oanh // Diễn đàn doanh nghiệp)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com