Trước thực trạng khó khăn của DN và nền kinh tế, Chính phủ đã sớm đưa ra giải pháp kích cầu 1 tỉ USD. Tuy nhiên, điều mà các DN băn khoăn hiện nay là việc sử dụng thế nào cho có hiệu quả đồng vốn này?
Ông Nguyễn Mạnh Đức - Giám đốc Cty TNHH dịch vụ - thương mại Đông Giao (TPHCM):
Trong bối cảnh đại đa số các DN đang thiếu vốn trầm trọng như hiện nay, việc Chính phủ quyết định bơm ra 1 tỉ USD - tương đương 17.000 tỉ đồng - nhằm vực dậy sản xuất, kích cầu tiêu dùng, là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, vấn đề mà tôi thấy đáng lo ngại là làm thế nào để 17.000 tỉ đồng vốn ưu đãi này được trao đúng người, đúng đối tượng để thật sự khơi dậy sản xuất - kinh doanh, kích thích tiêu dùng, trao đổi hàng hoá, sao cho hiệu quả nhất?
Bài học sử dụng, cho vay vốn tràn lan trong thời gian qua cho những tập đoàn, Cty chỉ chuyên chú vào bất động sản và chứng khoán, mà thiếu quan tâm, đầu tư vào sản xuất chuyên ngành, dẫn tới hàng chục ngàn tỉ đồng bị chôn chặt vào đất đai, chứng khoán, khiến có lúc vốn khan hiếm trầm trọng.
Theo tôi, Chính phủ không nên giao vốn cho những DN không có phương án hay dự án kinh doanh khả thi; nhất là với những DN đang bị tồn nợ quá hạn. Cần thiết, phải chọn các DN - nhất là DN dân doanh - đang thật sự là động lực kích cầu tiêu dùng, có phương án sản xuất, kinh doanh hay xuất khẩu khả thi, giao vốn cho các DN này, giúp các DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.
Ông Phan Kế Lợi - Phó TGĐ Cty cổ phần giày Thái Bình (Bình Dương):
Vẫn biết gói 1 tỉ USD của Chính phủ lúc này nhằm hỗ trợ các DN vực dậy làm ăn là rất đáng quý. Tôi cho rằng, đối với những DN đang có thị trường, có khách hàng, làm ra được sản phẩm tốt... song vì lý do nào đó, thường là bị động về tài chính, không thể hoạt động tiếp, Chính phủ nên tiếp sức cho các DN này. Bởi chính những DN này mới thật sự mang lại ngoại tệ, sự vững mạnh cho nền kinh tế của đất nước.
Thời gian qua, thực tế cho thấy có không ít DN có sản phẩm xuất khẩu tốt, có khách hàng và thị trường nước ngoài nhiều. Thế nhưng, chỉ vì nợ ngân hàng lớn chưa trả hết, vì khách hàng thanh toán chậm, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu... kéo theo hệ lụy DN không đủ vốn hoạt động, ngân hàng cắt nguồn vay, do DN nợ quá hạn... Vì vậy, Chính phủ nên cho phép dãn nợ cho các DN thuộc diện trên, gia hạn trả nợ ngân hàng vào giữa năm 2009.
Nếu làm được như thế, sẽ tạo điều kiện rất lớn cho DN tiếp tục hoạt động, như vậy mới đúng nghĩa là hỗ trợ hiệu quả để DN "sống" làm ra hàng hoá, kích thích tiêu dùng cho xã hội.
(Theo Lao động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com