Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Kinh tế đầu năm: Đã có những chuyển biến tích cực

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
Tình hình kinh tế 3 tháng đầu năm nay đã có những chuyển biến tích cực tuy còn không ít khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp.

Đó là kết luận tại cuộc giao ban giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ban, ngành, địa phương diễn ra ngày 26/3, tại Hà Nội.

Những điểm sáng


Nổi bật trong 3 tháng đầu năm nay là kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp đạt gần 29,7 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24,5% kế hoạch năm; trong đó, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt gần 17,4 tỷ USD, tăng 27% so với cùng kỳ và chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quý 1 năm nay tiếp tục duy trì ở mức khá cao và cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu (kim ngạch nhập khẩu tăng 17% so với cùng kỳ); đồng thời cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% đã được Quốc hội thông qua. Các mặt hàng: dầu thô, dệt may, than đá, gỗ, điện thoại và linh kiện, linh kiện điện tử tiếp tục có mức tăng trưởng cao. Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Đặc biệt, khu vực FDI liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong 4 năm qua và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 20/3, cả nước có 191 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 3 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, có 71 lượt dự án tăng vốn đầu tư mở rộng sản xuất trong 3 tháng đầu năm với tổng số vốn tăng thêm là 3,1 tỷ USD, tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ. Tính chung cả vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trong quý 1/2013 đạt trên 6 tỷ USD, tăng 63,6% so với cùng kỳ. Đây cũng chính là điểm sáng của bức tranh kinh tế quý đầu năm nay.

Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2013 ước đạt 4,89% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,75% của quý 1 năm trước; trong đó, khu vực nông, lâm thủy sản tăng khoảng 2,24%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khoảng 4,93%; dịch vụ tăng khoảng 5,65%.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng trên thì nền kinh tế cũng còn bộc lộ nhiều khó khăn đặc biệt trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phát triển doanh nghiệp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 1/2013, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 4,9% so với cùng kỳ; trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 2,1%; chế biến, chế tạo tăng 5,4%... Đặc biệt, đối với ngành sản xuất và phân phối điện, chỉ số sản xuất tăng cao hơn các ngành khác (9,4%) nhưng vẫn thấp hơn mức tăng của năm trước do các doanh nghiệp giảm sản xuất nên nhu cầu sử dụng điện không cao. Đại diện Tổng công ty Ximăng cho biết, hiện nay đơn vị này đang thừa khoảng 20 triệu tấn về công suất do "cung" nhiều hơn "cầu."

Trong khi đó, tình hình phát triển doanh nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Quý 1, cả nước có 15.707 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 79.389 tỷ đồng, giảm 6,8% về số lượng doanh nghiệp và 16,1% về vốn so với quý 1 năm trước. Nếu so với quý 4/2012 thì số doanh nghiệp thành lập mới giảm 9,4% và số vốn đăng ký giảm 26,7%. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Xét về quy mô vốn đăng ký, mức vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong quý 1/2013 vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, mức vốn đăng ký bình quân giảm 10% so với cùng kỳ và giảm 19% so với quý 4/2012.

Đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nhìn chung nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực nhưng còn không ít khó khăn. Các doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động tuy nhiên vướng nhất vẫn là đầu ra, do đó cần có các gói kích cầu để tăng tiêu thụ, giảm lượng hàng tồn kho. Hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng hiện nay đã giảm, chứng tỏ thanh khoản các ngân hàng đang tốt lên. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có những chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất bằng giảm lãi suất cho vay nhưng chưa được như kỳ vọng. doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ.

Ông Phạm Xuân Hòe, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho rằng, vấn đề tồn kho và nợ xấu của các doanh nghiệp chưa thể tháo gỡ được ngay. Do đó, sự phục hồi của nền kinh tế sẽ chưa mạnh mẽ. Hiện đã có quỹ bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng hiện nay, quỹ này chưa được triển khai tích cực ở nhiều địa phương và Trung ương. Vì vậy, các ngân hàng cần có đánh giá chi tiết về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa các quỹ này vào hoạt động một cách thực chất.

Một vấn đề được các đại biểu đề cập đến là chính sách tài khóa tuy đã được nới lỏng nhưng hạn chế nguồn thu. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần kích hoạt cho thị trường bất động sản. Về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hòe đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Có như vậy người dân mới tiếp cận được nguồn vốn vay và thị trường bất động sản mới có bước chuyển dịch.

Đại diện Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước cùng quan điểm cho rằng, nguyên nhân của tình trạng nhập siêu là nền kinh tế nước ta thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ nên bắt buộc phải nhập khẩu để có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Do vậy, các địa phương cần giải quyết vấn đề này một cách mạnh mẽ, đây cũng là giải pháp tốt hơn cho nền kinh tế.

Ông Trần Xuân Hải, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay và đẩy mạnh giải ngân cho các doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất bỏ ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký kinh doanh để đơn giản hóa thủ tục, cải cách hành chính cho doanh nghiệp.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành khảo sát, thống kê vốn vay của các doanh nghiệp thủy sản. Trên thực tế, các doanh nghiệp được vay chỉ chiếm 15-18% so với mức Ngân hàng Nhà nước báo cáo. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt, đối với những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong năm 2011, 2012 cần tiếp tục được vay vốn để phát triển sản xuất.

Đảm bảo cung cấp điện ổn định trong những quý tiếp theo của năm cũng là một trong những giải pháp cơ bản để nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong trường hợp nếu xảy ra thiếu điện vào các tháng cao điểm mùa khô tới, Tập đoàn sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu giá cao để đảm bảo nguồn cung cho phát triển sản xuất và hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân./.
Thúy Hiền (TTXVN)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Standard Chartered: 6 kênh giải quyết nợ xấu Việt Nam
  • Nợ xấu, đến hẹn có ùa về?
  • Cho vay mua nhà: Nhìn Mỹ mà học hỏi
  • Thời gian là kẻ thù của xử lý nợ xấu
  • Cuối năm, tiền đang ở nơi đâu?
  • Bơm tiền ào ạt qua VAMC, nợ xấu sẽ lại như cũ
  • Giảm lãi suất cho vay: Giấc mơ 2013
  • HSBC “lạc quan thận trọng” về kinh tế Việt Nam 2013
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!