Nguồn vốn khan hiếm, lãi suất huy động và cho vay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp và ngân hàng trở nên khốn đốn. Nhưng trong bối cảnh lạm phát hiện nay, việc duy trì ổn định đồng tiền, hạ dần lạm phát được ưu tiên hơn là tăng trưởng tín dụng.
Lách luật để hút vốn
Trong thời gian qua, trước áp lực lạm phát, một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ luôn khó khăn về vốn, trong khi đó việc huy động tiền gửi với lãi suất 14%/năm không hấp dẫn khiến cho cuộc đua lãi suất vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một thực tế là thiếu vốn thì các ngân hàng phải tìm cách “lách” để huy động, tung ra các sản phẩm tiền gửi siêu ngắn với lãi suất 14%/năm. Việc huy động kỳ hạn tuần với lãi suất 14%, thì tính “lãi mẹ đẻ lãi con” sẽ là không dưới 17%/năm. Hoặc lách quy định bằng cách nâng lãi suất không kỳ hạn lên mức cao, 8-12%, (trước đó lãi suất không kỳ hạn chỉ từ 2-3,6%). Không chỉ có vậy, một số ngân hàng còn đưa ra lãi suất thả nổi, trả theo số dư tiền gửi. Theo đó tiền trên tài khoản của khách hàng vẫn được rút ra bất cứ lúc nào với lãi suất hấp dẫn. Điều đó vô hình chung vẫn khiến các ngân hàng chạy đua lãi suất.
PGS TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường đào tạo Nguồn nhân lực của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng, để hạn chế việc các ngân hàng lách luật, NHNN cần quy định, tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn thì coi như khách hàng vi phạm hợp đồng. Vì thế việc trả lãi hay không tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng ngân hàng, trong ngắn hạn cần khống chế lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tối đa là 2%/năm.
Theo bà Võ Thị Sánh, Ban nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), quan trọng nhất là việc giám sát, muốn triển khai biện pháp gì thì NHNN cũng cần có các biện pháp giám sát chặt chẽ, nếu không hiện tượng lách luật sẽ thường xuyên xảy ra, không lách cách này họ sẽ lách cách khác, gây lộn xộn trên thị trường tài chính.
TS Cao Sỹ Kiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn Tiền tệ Quốc gia, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, lãi suất cho vay hiện ở mức 23 - 24%/năm, thậm chí có ngân hàng đã lên đến 27%/năm, lãi suất cao khiến rủi ro đi kèm là rất lớn.
Theo ông Kiêm, với mức lãi suất cao như hiện nay, chỉ những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tài chính hoặc làm ăn chụp giật mới có thể chấp nhận vay. Nhưng đây lại chính là những lĩnh vực rủi ro lớn. Còn những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó lòng chịu nổi với mức lãi suất này.
Kiên nhẫn chờ đợi
Theo TS Kiêm, để giải quyết tận gốc bài toán lãi suất, cần phải giải quyết được lạm phát. Lạm phát giảm lãi suất mới giảm được. Muốn vậy, cần cắt giảm quyết liệt hơn nữa đầu tư công, chi tiêu công và tăng cường quản lý thị trường.
Trong cuộc trả lời báo chí gần đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, chống lạm phát phải mất 4-5 tháng mới có kết quả và đến tháng thứ 6 mới ổn định trở lại và duy trì để lạm phát không quay lại. Bởi vậy lãi suất chưa thể giảm trong ngắn hạn.
Theo ông Giàu, có ý kiến đề nghị quản chặt cả lãi suất trần huy động, lãi suất cho vay và lãi suất liên ngân hàng, khống chế lãi suất liên ngân hàng hoặc có thể bơm tiền ra. Những việc này không khó nhưng cần nhìn về mục tiêu dài hạn của Việt Nam là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì không thể làm như vậy được. Bởi nền kinh tế thị trường càng khống chế sẽ càng méo mó.
Còn theo bà Sánh, về cuộc đua lãi suất hiện nay, nên chăng thả nổi lãi suất huy động để các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh. Có thể lúc đầu lãi suất sẽ tăng lên một chút nhưng sau đó sẽ giảm dần và đi vào ổn định. Còn nếu cứ như hiện nay thì các ngân hàng còn phải nghĩ cách lách để làm sao giữ lại nguồn vốn cho ngân hàng mình. Trong thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng để giải tỏa bài toán lãi suất cho vay cao hiện nay cần lập một trần cho lãi suất. Tuy nhiên, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, việc có hay không trần lãi suất huy động, cho vay cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề lãi suất cao hiện nay mà việc đặt ra các trần này chỉ làm méo mó thêm thị trường. Lãi suất chỉ hạ khi lạm phát được kiềm chế.
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện chính sách tiền tệ đã được thắt chặt, nhưng đầu tư công vẫn chưa giảm nhiều. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, cá nhân còn trục lợi trong lúc tình hình khó khăn gây áp lực lên giá cả, phải xử lý cương quyết để ngăn chặn bằng được tình trạng đẩy giá hàng hóa tăng lên gây áp lực cho lạm phát và lãi suất ngân hàng.
(TTXVN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com