Trót vay vốn ngân hàng, nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng rơi vào tình trạng khó khăn do lãi suất cho vay liên tục tăng cao. Để xoay tiền trả nợ và đảm bảo hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải tìm đến “tín dụng đen”; còn người tiêu dùng phải chạy khắp nơi để vay mượn bạn bè hoặc “bán tháo” tài sản để trả nợ ngân hàng trước hạn.
Rủi ro tín dụng “đen”
Theo anh H.Linh - Giám đốc một công ty TNHH Xây dựng và thiết kế nội thất tại quận Bình Thạnh, công ty mới thành lập hơn 2 năm nhưng nay đang có nguy cơ thu hẹp bộ phận sản xuất, kinh doanh nội thất vì không còn tiền để chạy hàng. Nguyên nhân vì lãi suất cho vay của ngân hàng tăng cao, lên đến 22%/năm.
Trong khi đó, tình hình kinh doanh khó khăn, lợi nhuận hàng tháng của công ty chỉ đủ trả nợ ngân hàng, không đủ để xoay vòng sản xuất và trả lương cho nhân viên. Bản thân anh Linh và PGĐ của công ty liên tục trong 4 tháng qua không có một đồng lương nào. Khó khăn nhất là tiền vay vốn ngân hàng đã gần đến thời kỳ đáo hạn, nếu không xoay được tiền thì nguy cơ công ty phá sản càng lớn. Để duy trì hoạt động kinh doanh, anh Linh đã phải tìm đến những nguồn vốn vay “phi ngân hàng” để xoay 400 triệu đồng đáo hạn, sau đó tiếp tục vay vốn ở ngân hàng D. với mức lãi suất ưu đãi hơn.
Chị S., một người chuyên cho vay “nóng” tại TP.HCM cho hay, trường hợp của anh H.Linh không phải là ít. Hiện nay, chị đang nắm nhiều giấy tờ thế chấp nhà cửa của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã vay tiền của chị trả nợ đáo hạn ngân hàng với mức lãi suất 3 - 5%/tháng.
Trước tình cảnh thiếu vốn sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chạy vạy, xoay xở bằng mọi cách đã và đang làm phát sinh nhiều hình thức cho vay nặng lãi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người cần vốn lẫn người có vốn. Chị S. thừa nhận: “Không phải trường hợp nào cũng “thuận buồm, xuôi gió””. Hiện nay, chị S. đang “ôm” vài trường hợp khách hàng đáo hạn xong, ngân hàng vẫn không giải ngân được khoản vay mới vì kẹt thủ tục, giấy tờ chưa hợp lệ. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất tài sản vì không có tiền xoay vòng kinh doanh, trả lãi suất vay nóng. Ngay cả chị S. cũng “nhấp nhổm” vì không thu hồi được nợ sớm như dự định, nguy cơ vỡ nợ không thể không tính.
Người tiêu dùng “chạy” nợ
Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, ngay cả khách hàng vay tiêu dùng cá nhân cũng phải “cắn răng” tìm cách trả nợ lãi suất ngân hàng.
Chị Trần Thụy - ngụ tại quận 9, TP.HCM, cho biết: Tháng 8/2009, chị vay ngân hàng T. 700 triệu đồng để mua nhà với lãi suất 11%/năm, thời hạn 20 năm. Một năm sau, chị tiếp tục vay tiêu dùng 300 triệu đồng để mua xe ô tô với lãi suất 18%/năm, thời hạn 3 năm. Thế nhưng, đến nay lãi suất phần vay 300 triệu đồng của chị đã tăng lên 24%/năm. Mặc dù lãi suất cho vay được tính trên dư nợ thực tế giảm dần với số tiền gốc trả mỗi tháng 3 triệu đồng, nhưng do lãi suất tăng hơn gấp đôi lúc ban đầu kí hợp đồng vay nên số tiền trả nợ ngân hàng của chị Thụy vẫn không giảm. Để “chạy” nợ ngân hàng, mới đây chị Thụy phải cầu cứu đến bạn bè, họ hàng trong gia đình vay tiền trả sớm trước hạn, chấp nhận chịu phạt khoảng 0,6% trên tổng số tiền nợ.
Không may mắn như chị Thụy, anh V. Th., làm việc tại một tờ báo ngày ở quận Phú Nhuận, cho hay anh vừa phải bán nhà để trả nợ ngân hàng. Đây là căn nhà anh mua từ 60% vốn vay của ngân hàng, tương đương 700 triệu đồng với lãi suất 15%/năm vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, do lãi suất liên tục điều chỉnh, trung bình 3 tháng 1 lần, còn mức lương vẫn chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/tháng nên để xoay tiền trả nợ, anh phải làm thêm bên ngoài.
Nhưng có cố lắm, anh Th. cũng chỉ thu nhập được hơn 15 triệu đồng, trong khi lãi suất và tiền gốc hàng tháng phải trả khoảng 12 triệu đồng. Không đủ chi tiêu và lo cho gia đình, anh buộc phải rao bán gấp nhà để trả nợ trước hạn. Anh Th. tính toán: “Với hơn 1 năm trả lãi suất ngân hàng, sau khi bán nhà tôi lỗ 50 triệu đồng. Coi như số tiền âm này là tiền thuê nhà trong 1 năm”.
Thực tế, có rất nhiều người vay tiêu dùng để mua nhà, ô tô bị “phá sản” vì không đủ khả năng trả nợ. Do đó, một số nhân viên tài chính cá nhân của các NHTM đã khuyến cáo trong thời điểm lãi suất cao như hiện nay khách hàng không nên vay tiêu dùng. Bởi ngoài lãi suất cho vay trung bình ở mức 21%/năm, khách hàng phải đóng thêm 4% phí bảo hiểm rủi ro cho số tiền vay. Tuy nhiên, thời hạn cho vay cũng đang được các ngân hàng rút ngắn lại, chủ yếu ưu tiên cho khoản vay ngắn hạn. Ví dụ, với mức vay 200 triệu, nếu vay 3 năm, khách hàng phải trả gốc, lãi hàng tháng trên 10 triệu đồng. Anh N.Phong - chuyên viên ngân hàng T. gợi ý: Nếu có nhu cầu thì khách nên vay thấu chi. Đây là hình thức trả gốc, lãi linh hoạt và số tiền tối đa có thể vay là 500 triệu đồng.
(TTXVN )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com