Ảnh minh họa: Corbis |
DaiA Bank là một ví dụ điển hình. Sau khi công bố lãi suất huy động mới, với mức giảm nhẹ từ 0,01%/năm đến 0,05%/năm, nhưng ở các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng, DaiA Bank áp dụng đồng đều ở mức 11%/năm. Đồng thời, lãi suất tiền gửi “Tiết kiệm siêu linh hoạt ++” của DaiA Bank vẫn không thay đổi ở mức 11,2%/năm tại đa số các kỳ hạn.
Ngày 18/10, TrustBank triển khai Chương trình “TrustBank - Quà tặng trao tay”. Chỉ cần gửi từ 5 triệu đồng hoặc 300 USD với kỳ hạn tương ứng, khách hàng sẽ có cơ hội nhận đến 5 lần quà tặng. Đặc biệt, khi gửi từ 1 tỷ đồng với kỳ hạn 3 tháng trở lên, khách hàng sẽ được tặng thêm phiếu mua hàng Co.op Mart trị giá 500.000 đồng.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank cho biết, khó có thể tránh được tình trạng nguồn tiền gửi tiết kiệm sụt giảm sau điều chỉnh lãi suất đầu vào. “Vì thế, việc gia tăng thêm tính hấp dẫn cho lãi suất tiết kiệm là cần thiết để thu hút được nguồn tiền nhàn rỗi, đáp ứng nhu cầu vốn trong dịp cuối năm”, ông Tùng nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, giảm chi phí đầu vào sẽ có lợi cho ngân hàng, song trong bối cảnh hiện nay, khi áp lực lạm phát có dấu hiệu tăng, tâm lý khách hàng kỳ vọng lãi suất cao, nên khó có thể giảm mạnh lãi suất đầu vào. “Mặt khác, cầu vốn ở mùa kinh doanh cao điểm cuối năm luôn tăng, nên sẽ là cơ hội để ngân hàng phát triển tín dụng”, ông Tuấn nhận định.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng lại gia tăng thêm chương trình khuyến mãi, quà tặng cho khách hàng gửi tiền. Đơn cử tại Ngân hàng ACB, sau khi điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi xuống mức cao nhất là 11%/năm (áp dụng cho hầu hết các kỳ hạn), đến thời điểm đáo hạn, Ngân hàng này còn chi trả số tiền thưởng thêm (bằng tỷ lệ thưởng thêm nhân với số vốn gốc tại thời điểm ban đầu). Theo đó, tỷ lệ thưởng thêm áp dụng cho tiền gửi bằng VND là 0,36% đối với kỳ hạn 36 tháng và 0,10% đối với tiền gửi bằng USD (kỳ hạn 36 tháng).
Nhìn chung, lãi suất huy động vốn đã được thiết lập ở mặt bằng mới, với mức cao nhất còn 11%/năm, giảm 0,2%/năm so với trước ngày 15/10. Tuy nhiên, mức này vẫn được các ngân hàng áp dụng đồng đều cho tất cả các kỳ hạn từ 1 đến 24 tháng. Mặt khác, ngân hàng cũng khó cắt giảm được chi phí thông qua hình thức khuyến mãi, quà tặng, với lý do cạnh tranh huy động vốn ngày một gay gắt hơn và nhu cầu vốn bằng VND của khách hàng, nhất là khối doanh nghiệp (DN) đang có dấu hiệu gia tăng.
Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký VNBA, Hiệp hội sẽ tiếp tục theo dõi động thái của các ngân hàng thành viên đối với việc cắt giảm lãi suất tiết kiệm và sẽ tiếp tục có công văn kêu gọi các ngân hàng cắt giảm chi phí đầu vào, để từ đó có thể hạ lãi suất cho vay thỏa thuận theo chủ trương của Chính phủ.
Song theo lãnh đạo của một ngân hàng tại TP.HCM, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ khó giảm mạnh so với mức bình quân 13 – 14%/năm (đối với khách hàng DN) và 14 – 16%/năm (với khách hàng cá nhân). Thêm vào đó, với Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ vừa đưa ra, trong đó đề cập việc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông, nhằm giảm bớt áp lực tăng giá, nhất là vào dịp cuối năm, khi khối lượng thanh toán các công trình dự án được thực hiện với mật độ cao và khi lượng tiền thưởng, tiền lương được chi trả với khối lượng lớn vào dịp Tết.
Vì thế, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động sẽ được định hình ở mức 11%/năm và khó có thể giảm thêm trong thời gian tới.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc điều chỉnh lãi suất đã có nhiều tín hiệu tích cực, song lãi suất cho vay bằng VND phổ biến đối với DN không thuộc diện ưu tiên vẫn còn khá cao (trên 15%/năm) và nhìn chung, DN nhỏ và vừa vẫn rất khó tiếp cận vốn của ngân hàng.
(Theo Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com