Không quảng bá rầm rộ và thậm chí "âm thầm", lãi suất huy động USD trong thời gian âm ỷ vượt mốc 5%/năm, rồi đạt 5,3%/năm và hiện lên đến đỉnh điểm 5,6%/năm. Diễn biến này trái ngược với việc hạ nhiệt lãi suất ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng tuần qua.
Giá cao bất hợp lý
Cho đến cuối tuần qua, lãi suất USD tiếp tục có dấu hiệu tăng nhẹ với mức dao động trọng khoảng 3,8-5,3%/năm lĩnh lãi cuối kỳ áp dụng đối với cá nhân và mức chênh lệch giữa các kỳ hạn ngắn – trung và dài hạn được nâng lên mức 1,6%. Ở khoảng dao động trên, lãi suất huy động USD cao nhất từng được ghi nhận trong nhiều tháng qua ở kỳ hạn 36 tháng mới dừng lại ở ngưỡng 5,45%/năm (ABBank).
Trong lúc mức lãi suất phổ biến ở kỳ hạn này được đa phần các NHTM trong cả nước khống chế từ mức 4%/năm đến dưới 5%/năm. Lãi suất USD thực sự được đẩy lên mốc mới vào cuối tuần qua khi SCB áp dụng một biểu lãi suất huy động mới có đến 17 kỳ hạn gửi tiền khác nhau 1-60 tháng có lãi suất từ 5%/năm trở lên đến mức cao nhất 5,6%/năm. Đáng lưu ý trong biểu lãi suất của SCB, lần đầu tiên kỳ hạn 36 tháng bên cạnh kỳ hạn 60 tháng có cùng lãi suất 5,6%/năm.
Thực tế trong hệ thống các NHTM hiện nay, không ít các NHTM áp dụng biểu lãi suất trên dưới 5%/năm song cũng chỉ áp dụng ở một vài kỳ hạn nhất định và hoàn toàn không giống nhau. Phân tích cho thấy, sau SCB và ABBank, VietABank, PGBank, SeABank và SouthernBank hiện là nhóm NHTM đang có lãi suất huy động cao nhất cũng như có các kỳ hạn lãi suất trên 5% nhiều nhất trên thị trường.
Diễn biến mới đây của lãi suất USD, dù chỉ diễn ra ở số ít các NHTM, tiếp tục làm tăng sự bất hợp lý vốn kéo dài dai dẳng nhiều năm nay giữa lãi suất trong nước và quốc tế. Chưa tính các kỳ hạn dài trên 12 tháng đến 60 tháng đang được hưởng lãi suất cao nhất, chỉ riêng lãi suất huy động USD kỳ hạn 3 tháng cũng đang được các NHTM trong nước áp dụng phổ biến ở 3,2%/năm đến cao nhất 4,8%/năm. So với biểu lãi suất cùng kỳ hạn ở thị trường quốc tế vốn chỉ vỏn 0,25-0,35%/năm, lãi suất huy động USD trong nước đang cao bất hợp lý tới hơn 10 lần.
Nhu cầu thực
Dĩ nhiên mức lãi suất đang nóng bỏng trên đây, theo quy định của NHNN, chỉ được các NHTM áp dụng với nhóm khách hàng gửi tiết kiệm cá nhân. Trong lúc với nhóm các khách hàng là DN hay tổ chức kinh tế, lãi suất huy động USD được hầu như toàn bộ các NHTM áp dụng một biểu lãi suất 1%/năm cho toàn bộ các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên.
Với mức lãi suất cao gấp 4-5 lần so với tiền gửi tổ chức kinh tế, thị trường tiền gửi cá nhân vẫn là kênh quan trọng bổ sung thêm nguồn vốn USD cho các NHTM. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu vay vốn USD cho nhập khẩu hàng cuối năm vẫn còn, trong lúc các DN khác lại cần có USD trả nợ cho các khoản vay đến hạn phải trả ngân hàng. Sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động USD ở một vài ngân hàng cũng như lãi suất vẫn được các NHTM giữ ở mức cao được giải thích bởi nhiều lí do.
Trong đó có sự bù đắp nguồn vốn thiếu hụt do tăng mạnh cho vay trong các tháng đầu năm và sự chuẩn bị gấp rút nguồn vốn cho hai tháng cuối năm. Khả năng lãi suất cho vay VND khó giảm sâu trước các thông tin hút tiền từ lưu thông cũng có thể là một lý do khác khiến các NHTM đẩy mạnh huy động vốn USD. So sánh với lãi suất cho vay VND hiện phổ biến ở mức 13-15%/năm đối với nhóm khách hàng không thuộc diện ưu tiên, lãi suất cho vay USD ở mức 5,5-8%/năm vẫn có khả năng thuyết phục DN hơn. Hơn nữa, nhu cầu vay vốn ngoại tệ trên thị trường hiện nay cũng chủ yếu tập trung vào dòng vốn ngắn hạn. Những lo ngại biến động tỉ giá theo đó cũng được giảm nhẹ dần.
Song ở một nhóm NHTM khác, diễn biến hạ nhiệt của lãi suất huy động USD trên thị trường liên ngân hàng lại có thể bị tác động bởi yếu tố khác. Dù các giao dịch ở kỳ hạn dưới 2 tuần vẫn chiếm doanh số lớn (43% là doanh số qua đêm), giao dịch USD của tuần đến giữa tháng 10.2010 lại chứng kiến sự giảm mạnh về lãi suất.
Cụ thể lãi suất giao dịch bình quân bằng USD giảm ở hầu hết các kỳ hạn với mức giảm từ 0,06% đến 0,2% và riêng lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm tới 1,57%, từ 2,6% xuống còn 1,03%. Mức giảm này lại cho thấy nhu cầu về USD của một nhóm ngân hàng không lớn và điều này có thể bắt nguồn từ việc các DN vay vốn USD đang bắt đầu trả nợ cho các ngân hàng.
(Báo Lao Động)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com