Thị trường tài chính tiền tệ tuần đầu tiên của tháng 12 đã chứng kiến sự náo loạn của nhiều ngân hàng trong cuộc đua lãi suất với sự khơi mào của Techcombank khi đẩy lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam lên mức cao kỷ lục 17%/năm
Tiếp đó là một loạt các ngân hàng, không ngại ngần đẩy lãi suất huy động lên tới 18%, thậm chí tới 19%. Mặc dù ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã “tuýt còi” các ngân hàng trong việc tranh đua lãi suất. Thế nhưng dường như cuộc đua không hề suy giảm mà còn đang có những đợt sóng ngầm.
Hầu hết các ngân hàng khi bị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo đã ngay lập tức “gỡ” biểu lãi suất cao xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, người có tiền gửi ở ngân hàng hoàn toàn có khả năng mặc cả lãi suất. Đã có không ít các đại gia có tiền tỷ không đi kinh doanh nữa mà đến với ngân hàng để… mặc cả lãi suất.
Trong một thị trường cạnh tranh như hiện nay, ngân hàng nào cũng có động thái không muốn mất khách hàng. Thực tế đã có rất nhiều khách hàng rút tiền của ngân hàng này để sang ngân hàng khác có mức lãi suất cao hơn để gửi. Trong tình thế đó, buộc các ngân hàng, kể cả các ngân hàng quốc doanh đều phải tìm mọi cách để giữ khách, bằng việc tăng lãi suất, thưởng khuyến mãi... Điều này cũng giống thời điểm năm 2008, việc tăng lãi suất huy động chưa hẳn là nhằm thu hút thêm tiền gửi mà trước mắt là giải pháp để giữ tiền lại, khỏi chạy đi nơi khác. Các tổ chức tín dụng đang nỗ lực tự bảo vệ mình.
Các ngân hàng lớn có thể thừa thanh khoản nhưng nguy cơ “mất khách” là có thực khi không thể ồ ạt khuyến mại, tăng lãi suất như các ngân hàng nhỏ. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều có mức lãi suất huy động cao xấp xỉ từ 16% - 17%/năm, vượt nhiều so với mức đồng thuận là 14%/năm của Hiệp hội Ngân hàng. Điều này cho thấy, mặc dù về bề ngoài các ngân hàng “y lệnh” của Ngân hàng Nhà nước nhưng bên trong vẫn âm thầm dậy sóng.
Như vậy là với mặt bằng lãi suất đầu vào 15,2% - 16,8%/năm, cộng với chi phí kinh doanh đã đẩy mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng hiện đã lên đến 18% - 20%/năm...
Gánh nặng lãi suất cao đối với doanh nghiệp là nỗi ám ảnh không chỉ vài tháng qua, vài ngày qua mà đã kéo dài từ đầu năm 2010. Trên danh nghĩa, lãi suất cho vay đối với nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, chi phí sản xuất doanh nghiệp nhỏ và vừa phổ biến ở mức 12-12,75%/năm; đối với các đối tượng sản xuất kinh doanh khác 13-17%/năm; đối với phi sản xuất 18-20%/năm. Vì thế, một câu hỏi đặt ra là mức lãi suất đó có thực tế hay không khi ngay lãi suất đầu vào của ngân hàng luôn tăng cao như vừa qua?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP HCM, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia lý giải: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thứ nhất đó là do ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát cho nên người gửi tiền cũng muốn lãi suất ngân hàng phải cao. Lý do thứ 2 trong hệ thống ngân hàng vẫn có vài ngân hàng hệ thống quản trị kém, thiếu thanh khoản tạm thời. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất là một số ngân hàng cạnh tranh không lành mạnh, đẩy mặt bằng lãi suất cao lên để giành lấy khách hàng. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, kênh dẫn vốn của các ngân hàng có vấn đề cho nên phải chờ sau 1/1/2011, Luật Ngân hàng có hiệu lực thì Ngân hàng Nhà nước mới có điều kiện thiết lập lại kênh truyền dẫn trong lưu thông nhịp nhàng hơn”.
Giữ “trật tự, kỷ cương” trong cuộc đua lãi suất
Các chuyên gia tài chính có chung một lo lắng là cho dù “hiện tượng” lãi suất vừa “nhen nhóm” đã được “xử lý” ngay bằng một biện pháp hành chính, nhưng cũng có ý kiến nhận định, biện pháp này sẽ giống như dao chém gió. Nói như thế bởi nếu nhìn lại những gì đã và đang diễn ra từ đầu tháng 11/2010 đến nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước “thả nổi” lãi suất, ngay lập tức xuất hiện tình trạng hai lãi suất: Một là có một mặt bằng lãi suất “đồng thuận” và thứ hai là mặt bằng lãi suất “thoả thuận”. Việc Techcombank công bố mức lãi suất huy động quá cao vừa qua chỉ là một động thái công khai mức lãi suất thoả thuận lâu nay giữa khách hàng và các ngân hàng thương mại mà thôi.
Động thái của Techcombank dù đã khiến thị trường lãi suất một phen hỗn loạn, nhưng lại giúp cho dư luận được thấy rõ một thị trường lãi suất đích thực của nó. Nói như một chuyên gia trong ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại, dù muốn hay không vẫn phải âm thầm tham gia cuộc đua lãi suất, chỉ có điều, họ có dám công khai hay không.
Thực tế đúng như vậy, khi các ngân hàng vẫn đang phải “nhìn” mức lãi suất thực của nhau để điều chỉnh chính sách lãi suất của mình nhằm “giữ khách”. Thêm vào đó là áp lực tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng trước 31/12 cũng khiến nhu cầu vốn của các ngân hàng thương mại đang bước vào giai đoạn nước rút, cộng với nhu cầu thanh khoản cuối năm lên cao. Có quá nhiều lý do để các ngân hàng thương mại phải gấp rút lao vào cuộc đua tìm vốn cho mình. Nhưng nếu không có một chính sách điều hành hợp lý, chắc chắn thị trường này sẽ còn nhiều phen sóng gió mới.
Chuyên gia tài chính, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, lạm phát năm 2008 lên đến 20% trong khi lạm phát của năm 2010 này chỉ ước khoảng 11% , do đó có thể nói mức lãi suất tăng quá cao như vậy là quá đà và bất hợp lý. Nguyên nhân thứ 2 lý giải câu chuyện này là chúng ta muốn thắt chặt chính sách tiền tệ. Từ đầu tháng 11/2010, chúng ta nâng lãi suất cơ bản từ 8% lên 9% nhưng ít có tác dụng đến thị trường. Nếu nhìn cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay thì lãi suất đang lên cao quá mức so với mức chịu đựng của nền kinh tế.
Cùng quan điểm này, PGS Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng, hiện mức lạm phát chỉ dao động dưới 10%, và có thể lên 11-12% vào cuối năm, tuy nhiên lãi suất cho vay đã tăng cao trên dưới 20%, bằng với mức lãi suất tại thời điểm 2008, mức lạm phát trên 22%. Vấn đề ở đây là việc giữ trật tự, kỷ cương! Hiệp hội ngân hàng phải có luật định để ràng buộc các hội viên của mình khi tham gia không được phá thỏa thuận của Hiệp hội. Nếu phá, Hiệp hội phải có chế định xử lý, chứ không để như hiện nay, chế định của Hiệp hội không có và Ngân hàng Nhà nước phải có sự hỗ trợ.
“Chúng ta cần có biện pháp cứng rắn. Tôi duy trì quan điểm là sự bất hợp lý trong lãi suất huy động và cho vay hiện nay khiến chúng ta gặp khó khăn trong việc điều hành, kể cả chính sách tài chính tiền tệ và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh hiện nay ngoài việc ổn định kinh tế vĩ mô thì chúng ta cũng phải áp dụng biện pháp hành chính để ngăn chặn cuộc đua lãi suất”, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất./.
(VOVNews)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com