Với chủ đề "ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững", Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2010 đã khai mạc tại Hà Nội sáng 7/12 và kết thúc vào hôm nay, với việc công bố tổng số vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2011.
Cùng với các kiến nghị giải pháp mang tính xã hội, các nhà tư vấn đặc biệt nhấn mạnh các biện pháp kinh tế mà Việt Nam cần triển khai, để tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững không chỉ trong năm 2011.
Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 6,7%, đồng thời đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng khác. Tuy nhiên, năm 2011, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được các mục tiêu: tăng tính ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010… Bởi vậy, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ để hiện thực hoá các mục tiêu này.
Trước diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế vĩ mô, ông Masato Miyazaki, Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khuyến nghị, Việt Nam nên thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, để khôi phục lại một cách có trật tự các điều kiện trên thị trường ngoại hối và kiềm chế áp lực lạm phát. Trong trung hạn, chỉ có thể có một thị trường ngoại hối ổn định nếu chính sách tiền tệ được tái định hướng nhằm đạt được tỷ lệ lạm phát gần hơn với mức lạm phát trung bình 3 - 4% của các nước ASEAN. Kèm theo đó, Việt Nam cần thực hiện kế hoạch củng cố ngân sách, để giảm tỷ lệ nợ công trên GDP nhằm nâng cao niềm tin, đồng thời tạo một không gian tài khoá trong bối cảnh có sự lo ngại về các khoản nợ dự phòng được bảo lãnh và ngầm được bảo lãnh.
Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, với tình hình lạm phát gia tăng và thị trường ngoại hối tiếp tục bất ổn, Chính phủ cần truyền đi một thông điệp rõ ràng, nhất quán về sự cam kết duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn. Điều này đòi hỏi phải có các giải pháp hữu hiệu, trong đó nên thường xuyên công bố các thông tin kinh tế vĩ mô, tài chính nhằm xây dựng lòng tin cho các đối tác thị trường…
Theo các chuyên gia, việc tăng "sức khoẻ" cho hệ thống tài chính là biện pháp quan trọng đảm bảo cho sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Muốn vậy, đại diện Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) khuyến nghị, Việt Nam cần mở rộng quy mô và nâng cao tính thanh khoản của thị trường trái phiếu thông qua xây dựng trái phiếu chuẩn, mở cửa thị trường cho các hoạt động kinh doanh mới. Việc tăng cường trao đổi thông tin giữa Chính phủ và DN về chính sách tài khoá và tiền tệ, cũng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động của thị trường tài chính. Cần xây dựng hệ thống quy định về thuế riêng cho hoạt động của TTCK, để hướng đến sự phát triển minh bạch, bền vững. Thị trường tài chính cũng sẽ được hưởng lợi từ nỗ lực tăng tốc cổ phần hoá các DNNN, thông qua một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian cụ thể. Việc điều chỉnh cơ chế định giá cổ phần trong các cuộc phát hành lần đầu ra công chúng của các DNNN cần gắn với thị trường sát hơn.
Để nâng cao tính an toàn cho hệ thống tài chính, ông Masato Miyazaki cho rằng, Việt Nam cần giám sát các ngân hàng nhỏ chặt chẽ hơn trong một môi trường cạnh tranh gay gắt. IMF đồng tình với việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng cường các quy định đảm bảo an toàn vốn mới đây. Để xác định những lĩnh vực cải cách cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn thời gian tới, Việt Nam nên tham gia vào Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do IMF và WB khởi động.
Đáp lại khuyến nghị của các chuyên gia, ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc NHNN, cho biết, năm 2011, cơ quan này sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm mục tiêu hàng đầu là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Các công cụ, chính sách tiền tệ và các biện pháp điều hành khác được thực hiện phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều kiện thực tế của nền kinh tế, cũng như thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam.
"Năm 2011, hệ thống ngân hàng Việt Nam bắt đầu triển khai Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Đây là mốc quan trọng, nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình đổi mới ngành ngân hàng theo cơ chế thị trường…", ông Giàu nói.
Các chỉ tiêu kinh tế chính của Việt Nam trong năm 2011
- GDP tăng 7 - 7,5%.
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu không vượt quá 18% kim ngạch XK.
- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 40% GDP.
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%.
- Giảm bội chi ngân sách xuống 5,3%.
(Đầu tư chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com