Nhìn bề ngoài, lãi suất (LS) niêm yết có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng thực tế các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn đang cạnh tranh, chào mời khách hàng gửi tiền với LS cao.
Sự mất cân đối kỳ hạn nguồn và sử dụng vốn là áp lực rủi ro thanh khoản khiến LS khó giảm trong 6 tháng cuối năm.
Trong vòng tháng nay, LS huy động VND danh nghĩa của một số NHTM giảm nhẹ từ 0,1-0,5%/năm ở vài kỳ hạn. Tuy nhiên, với những khoản tiền gửi vài chục triệu đến 1 tỉ đồng, khách hàng vẫn có thể mặc cả 16%-18,5%/năm, trên 1 tỉ đồng là 19%-20,5%. Bản thân một số NHTM nhà nước để giữ chân các khách hàng nhiều tỉ cũng phải chấp nhận trả LS 18%-19%. Tuy nhiên, điểm khác trước là việc mặc cả LS không còn lộ liễu nữa, khách hàng nhiều tiền đã được NH quen mặt, quen tên, đưa vào danh sách chăm sóc. Hai bên không cần thăm dò, mặc cả nhau.
Đến hạn, nếu muốn gửi tiếp cứ mức LS cao kỳ trước áp cho kỳ sau. Người gửi được hưởng LS cao lại giới thiệu cho người thân, bạn bè. Khi đến NH chỉ cần nói tên người giới thiệu là xong. Tiếp thị kiểu rỉ tai trong huy động vốn đang lên ngôi. Nhiều khách hàng ở Hà Nội và TPHCM biết rõ những NH nào trả LS cao nhất hiện nay để tìm đến.
Ngoài ra, để tránh NHNN phát hiện huy động LS vượt trần, một số NHTM bắt tay với khách hàng cá nhân/tổ chức sử dụng hình thức ủy thác đầu tư (là việc NH nhận tiền ủy thác của một cá nhân hoặc tổ chức để đầu tư). Đây thực chất là việc cá nhân/tổ chức gửi tiền vào NH để hưởng LS cao (thường từ 18%-trên 19%/năm). Cứ như vậy, dù có vẻ mặt bằng LS đã ổn, nhưng thực tế “sóng ngầm” vẫn ở “đáy sông”.
Còn rủi ro thanh khoản, chưa giảm được lãi suất
Hiện hệ thống NH không căng thẳng về nguồn vốn. Tỉ lệ cho vay vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đến cuối tháng 6.2011 mới đạt 68%. Trong giai đoạn này, các NH cũng không mặn mà cho vay ra, không chỉ vì bị khống chế hạn mức tăng tín dụng mà còn bởi NHTM cho rằng việc cho vay ra với LS cao là một rủi ro lớn, bất lợi cho cả DN vay vốn lẫn NH. Tuy nhiên, NHTM vẫn phải duy trì mức LS cao để huy động vốn, vì họ biết hệ thống đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản cao. Tiền gửi chỉ huy động được các kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, phổ biến là kỳ hạn 1 tháng, trong khi đó trên 40% dư nợ cho vay của hệ thống lại là trung và dài hạn (từ 1 năm đến 10 năm). Tỉ lệ này ở một số NHTMCP nhỏ còn cao hơn nhiều.
Vì vậy, các NH luôn phải lo có tiền trả cho khách hàng gửi tiền trong khi chưa kịp thu hồi vốn ở khách hàng vay. Sự mất cân đối về kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay ra là một áp lực thường trực về rủi ro thanh khoản với các NHTM. Áp lực này đang ngày càng tăng trong 6 tháng cuối năm khi mà lạm phát cao, thị trường BĐS “xì hơi”,TTCK sụt giảm, hoạt động sản xuất-kinh doanh đình đốn...
Khó giảm lãi suất
Ngoài nguyên nhân rủi ro thanh khoản, các yếu tố sau cũng ảnh hưởng đến việc giảm LS: 1/ Nhu cầu vay vốn của của những khách hàng đang cần đảo nợ NH, khách hàng mạo hiểm (bắt đáy BĐS và CK, lấy tiền cho vay nặng lãi...) vẫn còn lớn. Các đối tượng này sẵn sàng vay từ NH với mức LS trên 30%/năm. Vì vậy, một số NH vẫn chấp nhận huy động LS cao để cho vay lấy lãi cao hơn; 2/ Dự báo lạm phát tăng 17% khiến người gửi tiền không chấp nhận mức LS thấp; 3/Nhu cầu vốn cuối năm tăng cao do chu kỳ kinh doanh, và cuối cùng là nguồn cung vốn ngày càng cạn vì chính sách tài khóa thắt chặt, thu nhập thấp, chỉ số giá tiêu dùng cao khiến tiền tiết kiệm dân cư giảm...
Tình hình và dự báo cho thấy mục tiêu giảm LS trong 6 tháng cuối năm khó trở thành hiện thực nếu không có những giải pháp căn bản và tổng thể. Có ý kiến chuyên gia cho rằng việc giảm LS nên được thực hiện thông qua việc cơ cấu lại nền kinh tế và thị trường tiền tệ theo hướng giảm cho vay vào các lĩnh vực phi sản xuất và các khu vực kém hiệu quả trong nền kinh tế như DNNN. Làm được việc này có thể giúp giảm cầu tín dụng, giảm LS. Ý kiến này là đúng, nhưng song song phải giải quyết vấn đề thanh khoản hệ thống NH.
Hiện nay, để đối phó rủi ro thanh khoản các NHTM đang thực hiện một số biện pháp: Cân đối kỳ hạn cho vay ra so với kỳ hạn nguồn vốn huy động để thu hẹp khoảng cách kỳ hạn; Tích trữ thêm các tài sản có khả năng thanh khoản cao như trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc; vay của NH khác; huy động các khoản vốn mới để bù đắp... Tuy nhiên, đây mới chỉ là các hành động tự cứu mình của từng NH. Để giảm được mặt bằng LS chung cần cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp thực tiễn và những biện pháp hành chính mạnh, kiên quyết của NHNN.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com