Chưa kể các khoản vay mới, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) thời gian gần đây bắt đầu tiến hành điều chỉnh mạnh lãi suất cho vay VND đối với các khoản vay cũ, đặc biệt đối với các khoản vay vốn tiêu dùng.
Khách hàng hoa mắt
Một khách hàng của NHTMCP Á Châu (ACB) cho biết, ông vừa nhận được thông báo của ACB về việc điều chỉnh tăng lãi suất đối với khoản vay tiêu dùng vốn VND với mức tăng lên đến 3,5%/năm.
Theo đó, thay vì phải trả lãi suất 19%/năm như 3 tháng trước đây, trong vòng 3 tháng tới, vị khách hàng này sẽ phải trả lãi cho ngân hàng với lãi suất vay vốn lên đến 22,5%/năm. Dù biết là mình đang phải chịu lãi suất quá cao, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, vị khách hàng trên cho biết không tìm đâu ra nguồn vốn để có thể thanh toán hết một lần các khoản nợ đối với ngân hàng cho... nhẹ nợ.
Trong khi đó, một khách hàng cá nhân khác vừa vay vốn tại một NHTMCP có hội sở tại Hà Nội cũng cho biết, vừa ký hợp đồng tín dụng vay vốn mua ôtô (thế chấp bằng chính chiếc xe) với lãi suất cũng lên đến 22%/năm trong thời hạn vay 4 năm (48 tháng).
Thực tế diễn biến trên đây cũng không nằm ngoài các theo dõi của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bởi các ghi nhận của cơ quan này cho thấy, lãi suất cho vay VND leo thang lên mốc 22%/năm từ cách đây hàng tháng. Mức lãi suất đó, như tổng hợp của NHNN, là được áp dụng cho các khoản vay của nhóm khách hàng thuộc lĩnh vực phi sản xuất (BĐS, CK, nhu cầu phục vụ đời sống).
Song lãi suất cho vay đối các DN sản xuất cũng đang chứng kiến những điều chỉnh đáng kinh ngạc. Như tổng hợp của NHNN cũng như phản ánh từ phía các DN, lãi vay đối với các đơn vị này hiện phổ biến ở mức 18%/năm. Chưa kể thực tế không phải DN nào cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay, việc vay vốn với lãi suất trên buộc các DN phải đạt lợi nhuận tối thiểu 25% trong năm mới đủ bù trả chi phí NH cũng như các chi phí sản xuất.
Trong lúc ở thời điểm khó khăn như hiện nay, đặt ra một mục tiêu lợi nhuận như vậy hoàn toàn không hề dễ dàng. Một DN còn phản ánh thông tin rằng, thậm chí có NH đang chào cho vay vốn VND với lãi suất lên đến 26%/năm – mức lãi suất mà theo như nhiều ý kiến, ví như một phép thử độ “liều lĩnh” của khách hàng chứ ít có DN nào dám vay.
Ngân hàng dĩ nhiên lãi to
Lãi suất lên cao, trong trường hợp với các khoản vay tiêu dùng, có mặt tốt là trấn tĩnh kịp thời các quyết định vay vốn mua sắm, tiêu dùng không cần kíp của người dân. Những nhu cầu sắm sửa không thực sự cần thiết sẽ được gác lại, hoặc bị gạt sang một bên hay tạm thời chờ đợi và tìm kiếm các nguồn vốn khác, từ bạn bè, người thân thay vì bước chân vào ngân hàng.
Điều này không nằm ngoài định hướng của Chính phủ cũng như các biện pháp điều hành của NHNN nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng, giảm tỉ trọng tăng trưởng tín dụng đối với các lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu tăng trưởng tín dụng chung. Song với các DN sản xuất, thiếu vốn sẽ đồng nghĩa với việc đình đốn, cắt giảm sản xuất và nhân công...
Trong bối cảnh đó, mùa ĐHCĐ của các NH đang chứng kiến các mục tiêu tăng trưởng về lợi nhuận liên tục được đưa ra ở cấp hai con số loại to. Từ một loạt các NHTMCP có quy mô nhỏ hay vừa như SHB, OceanBank, VPBank đến các NH có quy mô ở tầm đại gia như ACB đều đưa ra những mức tăng lợi nhuận đủ khiến các khách hàng đang vay vốn phải nao lòng.
Dĩ nhiên, lợi nhuận của một NH không chỉ đến từ duy nhất hoạt động tín dụng với phần thu từ chênh lệch lãi suất huy động và cho vay; song các mục tăng lợi nhuận thêm đến 32% của ACB, 58% của VPBank và đỉnh cao tăng đến 60% lợi nhuận của SHB vẫn mang đến cảm giác chạnh lòng cho người đang phải hằng tháng góp nhặt trả lãi NH.
Cần có biện pháp hài hòa lợi ích giữa NH với khách hàng vay vốn trong thời buổi khó khăn chung hiện nay có vẻ mang dáng dấp một câu khẩu hiệu thiếu thực tế, song chắc chắn là điều cả DN và người dân đang mong mỏi chờ đợi nhất.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com