Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Hà Nội, Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda nhận xét, việc quá phụ thuộc vào đồng USD đang khiến hệ thống tiền tệ toàn cầu đứng trước các thách thức và mất cân bằng lớn. Vì vậy, mở rộng các đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế cần được xem là vấn đề quan trọng cần được bàn bạc và thống nhất trong tiến trình cải cách hệ thống tiền tệ toàn cầu. Bên cạnh đó, vấn đề đặt ra là làm cách nào giảm phục thuộc vào USD và đồng tiền nào có thể thay thế cho USD?
Trên thực tế, mặc dù lòng tin vào đồng USD đã giảm sút nhưng USD vẫn là đồng tiền quan trọng, chiếm tới 60% dự trữ ngoại tệ trên toàn cầu ở các ngân hàng trung ương. Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng thương mại Việt Nam cho rằng, xét cả về chất lượng lẫn số lượng, hiện nay chưa có đồng tiền nào thay thế được vị trí của USD. Cả thế giới vẫn phải sử dụng USD như là một chuẩn mực nào đó về tiền tệ, dù trong thâm tâm, nhiều nước muốn có một đồng tiền khác thay thế. "Theo tôi, trong vòng 10 - 20 năm tới, chưa có đồng tiền nào có thể thay thế USD", vị lãnh đạo trên nói.
Đồng quan điểm trên, TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, hiện chưa thể thay thế được đồng USD, vai trò của nó đã và vẫn sẽ tồn tại. Đồng thời, cũng phải có thời gian để các đồng tiền khác mạnh dần lên. Ngoài ra, thế và lực cũng như rất nhiều yếu tố vĩ mô của đất nước đó đòi hỏi phải có sự ổn định để tăng cường vai trò của đồng tiền nước đó. Nhìn về Việt Nam hiện nay, USD chiếm vị trí chủ đạo trong dự trữ ngoại hối quốc gia và người dân cũng như các doanh nghiệp cũng cất trữ USD như là một thứ tài sản để dành. Và không dễ dàng có thể thay đổi được thực tế này.
Một chuyên gia tài chính tiền tệ - ngân hàng ở Việt Nam, từng nhiều năm làm việc cho các ngân hàng nước ngoài, cho rằng, nên lấy USD như là ngoại tệ chính của Việt Nam. Lý do là: Thứ nhất, USD vẫn chiếm một vị thế lớn trên thế giới và là một đồng tiền mà tất cả các quốc gia đều giữ làm dự trữ ngoại tệ. Thứ hai, thuận lợi trong buôn bán khi các giao dịch quốc tế phần lớn đều định giá trên USD, nên khi dựa VND vào USD cũng có nhiều cái lợi, trong khi các đồng tiền khác chưa được phổ biến như USD. Tỷ trọng các loại ngoại tệ khác trong dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia phát triển cũng không bằng như USD.
Điều rất rõ ràng là sử dụng USD như một loại ngoại tệ chính của Việt Nam không hề mâu thuẫn với tiến trình chống đôla hóa ở Việt Nam theo hướng giảm thiểu việc dùng USD trong các giao dịch kinh tế, thương mại, mua bán tại Việt Nam. "Tại thời điểm này, tôi đồng tình với việc nên đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối, nhưng ngoại tệ chủ yếu trong dự trữ vẫn là USD", vị chuyên gia trên nhấn mạnh.
Vị chuyên gia trên phân tích thêm, USD cũng có những biến động lớn trên thị trường thế giới, nên cũng có nhiều quan ngại, nếu cứ dựa theo USD thì giá trị đồng VND sẽ biến động mạnh. Nhưng ngoài USD ra, lấy bất cứ một ngoại tệ nào khác, ví dụ như EUR, AUD… thì khi biến động trên thị trường thế giới, VND vẫn sẽ bị ảnh hưởng. Và hiện nay VND không được coi là đồng tiền mạnh trên thế giới nên bắt buộc phải dựa vào một loại ngoại tệ nào đó.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trên thực tế, mặc dù USD được coi là đồng tiền ổn định nhất trên thế giới nhưng rủi ro cũng không ít, bởi USD cũng lên xuống theo biến động trên thị trường thế giới và rất nhiều yếu tố khác. Do vậy, Việt Nam nên đa dạng hóa dự trữ ngoại hối bằng một rổ ngoại tệ để không lệ thuộc quá nhiều vào USD và nền kinh tế Mỹ.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo, Ngân hàng Nhà nước nên tổ chức một đơn vị gồm những chuyên gia về đầu tư, chuyên gia nghiên cứu tình hình kinh tế, biến động thị trường tài chính thế giới một cách chặt chẽ. Trên cơ sở đó, thành lập những định chế và những công ty con để sinh lời trên khối tài sản này như tài sản được tách rời khỏi ngân hàng trung ương. Hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể mua những trái phiếu của các quốc gia khác, đồng thời đa dạng hóa đồng tiền dự trữ như đầu tư qua tài khoản của ngân hàng khác, trái phiếu chính phủ… Việc đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ và tiến tới sinh lời trên số ngoại tệ dự trữ đó sẽ khiến việc quản lý dự trữ ngoại tệ trở nên hữu hiệu hơn rất nhiều.
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com