Tuần qua đã xảy ra 2 sự kiện cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến căng thẳng và nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ một "cuộc chiến" thương mại và tiền tệ quốc tế mới.
![]() |
Ảnh chỉ có tính minh họa |
Ngày 15/9, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ (thông qua nghiệp vụ ngoại hối: bán yên mua USD) nhằm giảm tỷ giá yên/USD bằng cách bán ra khoảng 1.000 tỷ yên, tương đương 17 tỷ USD.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua Nhật Bản can thiệp vào thị trường hối đoái và là lần can thiệp mạnh tay nhất từ trước đến nay. Sau đó 1 ngày (16/9), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có 2 cuộc điều trần trước Quốc hội về chính sách tiền tệ của Trung Quốc, trong đó đề nghị Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ lên giá nhanh hơn và mạnh hơn.
Hai sự kiện trên diễn ra khi ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay mang tính hệ thống và một quá trình hồi phục thực sự vẫn chưa xuất hiện.
Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và sự hồi phục yếu ớt của kinh tế Mỹ khiến nhiều chính phủ trên thế giới tìm cách giành thêm thị phần trong lĩnh vực xuất khẩu toàn cầu. Chẳng hạn, Mỹ và EU (đi đầu là cường quốc xuất khẩu Đức) đã chủ động theo đuổi một chính sách giảm giá nội tệ nhằm giành lợi thế xuất khẩu. Trong số các nền kinh tế lớn, Nhật Bản chịu thiệt nhiều nhất từ cuộc ganh đua này, do các nhà đầu tư và đầu cơ chuyển các giao dịch từ đồng USD và Euro sang đồng yên, khiến tỷ giá hối đoái của đồng tiền này tăng mạnh.
Nhật Bản là nước đầu tiên trong số các nền kinh tế lớn của thế giới can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm tránh tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng ở mức độ nào đó hành vi này vẫn phổ biến và đang lan rộng. Đồng nội tệ của Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore đều bị tăng giá khoảng 30% so với đồng nhân dân tệ. Và cùng với Đài Loan, các nước này đã tìm cách đối phó trên thị trường tiền tệ bằng việc mua vào đồng USD nhằm làm chậm lại quá trình này. Tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega cho biết đã sẵn sàng thực hiện biện pháp mua vào đồng USD nhằm ngăn chặn sự lên giá của đồng nội tệ của nước này (đồng real).
Mặc dù vẫn chưa chính thức lên tiếng về hành động của Nhật Bản, song các ngân hàng trung ương và chính phủ ở Mỹ và EU đều tỏ ý rằng việc này đi ngược lại quyền lợi của họ. Jean-Claude Juncker, Thống đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, các hành động đơn phương không phải là cách thích hợp để giải quyết sự mất cân đối toàn cầu.
Động thái của Nhật Bản đã châm ngòi cho một loạt cảnh báo của giới phân tích về một “cuộc chiến” giảm giá tiền tệ, tương tự như cuộc chiến góp phần gây ra sự lụn bại của nền thương mại toàn cầu trong thập niên 1930. Chuyên gia Noriko Hama tại Đại học Doshisha của Nhật Bản nhận xét, nó gần như tạo cho người khác quyền đơn phương can thiệp và kích động một cuộc chạy đua giảm giá tiền tệ.
Trong khi đó, cuộc điều trần của Bộ trưởng Tài chính Mỹ trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện và Ủy ban Chuẩn chi Hạ viện là nhằm mục đích gia tăng sức ép vào Trung Quốc. Bộ Tài chính Mỹ có trách nhiệm phải báo cáo trước Quốc hội trước ngày 15/10 về tình hình tiền tệ quốc tế và nêu đích danh các nước được cho là “thao túng tiền tệ”. Theo đó, bất cứ nước nào bị nêu tên cũng sẽ phải chịu mức thuế cao hơn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ.
(Theo Mai Hằng // Tin Chính phủ)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com