Để tạo được lòng tin vào đồng tiền nội địa, vốn đã chịu nhiều áp lực mất giá trước giờ, các nhà điều hành kinh tế cần có một thông điệp rõ ràng và nhất quán về chính sách tỷ giá, lãi suất...
Tuần qua, giá vàng trong nước đã có lúc tăng lên mức đỉnh, hơn 38 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới cũng đã tăng 28 - 30% so với đầu năm. Giá USD tiếp tục suy yếu, do việc Mỹ công bố gói kích thích kinh tế lần 2 trị giá hơn 600 tỷ USD.
Giá vàng và USD luôn là các biến số có lúc song hành, nhưng cũng nhiều lúc nghịch hành, tương tác lẫn nhau. Trên bình diện thế giới, khi USD bị làm yếu như hiện nay, vàng là nơi trú ẩn của các nhà đầu tư (kể cả các nhà đầu cơ kiếm lời ngắn hạn), do đó giá vàng đang tăng.
Thịnh suy của vàng
Sau Thế chiến 2, Mỹ, một trong những quốc gia có công trong chiến thắng chủ nghĩa Phát xít, được hưởng lợi nhiều từ sự suy yếu của các quốc gia khác, và đồng USD từ đó chính thức khẳng định sức mạnh thống trị trong giao dịch thương mại quốc tế, với hơn 80% thanh toán quốc tế đang sử dụng đồng tiền này.
Vàng với vị thế kim bản vị dần mất đi vai trò trong giao dịch thương mại, tuy nhiên, cùng với các quý kim khác như bạc, bạch kim, đồng... Vàng luôn có một vị thế cao trong vai trò giao dịch thương mại cũng như trang sức tiêu dùng. Nhu cầu mua sắm vàng rất đa dạng từ tiết kiệm, để dành, cho tới thanh toán mua bán bất động sản, làm nữ trang cưới hỏi...
Trước năm 1975, có lúc 1 lượng vàng chỉ mua được 1 chiếc xe đồ chơi trẻ con. Năm 1998 - 1999, giá một chiếc xe Dream khoảng 6 - 7 lượng vàng. Hiện nay, vàng còn có giá hơn nhiều so với hàng hóa, một chiếc xe máy thông thường hiện nay giá khoảng 1 lượng vàng thôi. Có lẽ, so với đồng Việt Nam (VND), vàng luôn có giá.
Hiện giá vàng được nhận định sẽ tiếp tục tăng giá trên thế giới. Một số người còn kêu gọi lập lại hệ thống bản vị vàng. Còn ở Việt Nam, giá VND yếu thậm chí so với USD sau khi đã bị làm yếu, nên dĩ nhiên sẽ yếu nhiều hơn so với vàng!
Đi tìm lời giải cho sự mất giá của VND
Có một vài cách giải thích về việc VND mất giá: VND được/bị chủ trương làm yếu để hổ trợ xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; VND được/bị phát hành thêm nhiều hơn hệ thống bản vị vàng hay USD bản vị và hàng hóa trên thị trường gây nên lạm phát cao trong nước.
Đồng VND chưa được giao dịch quốc tế rộng rãi tạo điều kiện cho USD và Vàng là sự lựa chọn tất yếu trong giao dịch trong và ngoài nước; Các chính sách pháp luật chưa thực sự nâng đỡ và bảo vệ giá trị VND khiến uy tín VND mất dần vai trò trong các giao dịch thương mại.
Các yếu tố đầu cơ tiền tệ trong và ngoài nước cũng như mất cân đối tiền - hàng do cung - cầu trong và giữa các nền kinh tế; Tâm lý và niềm tin của người dân vào đồng VND phụ thuộc vào chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước và các thành quả điều hành trong quá khứ.
Khi VND bị suy yếu có tính chủ quan hay khách quan thì đều làm giảm giá tài sản của người dân, những ai lựa chọn VND làm hệ quy chiếu để cất giữ tài sản, những ai mua bán, thanh toán giao dịch hàng hóa sử dụng tiền VND, gửi tiết kiệm bằng VND, cất giữ tiền VND ..v.v.. đều gặp rủi ro khi VND mất giá so với USD và vàng và lạm phát cao.
Các yếu tố tác động đến tâm lý và niềm tin của người dân vào đồng tiền nội địa phụ thuộc nhiều vào các yếu tố suy luận, phân tích, tư vấn, tâm lý đám đông hoặc sự lo sợ giá vàng sẽ tăng tiếp, kinh nghiệm quá khứ... cũng như các quan sát, nghe ngóng về chủ trương chính sách về điều hành kinh tế vĩ mô của nhà nước, đặc biệt là các động thái về chính sách tiền tệ, tài khóa trong đó có lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, và các văn bản pháp luật liên quan.
Thị trường vàng hôm 9/11 vừa qua đã lặp lại đúng hiện tượng tăng giá đột biến từ hơn 26 triệu đồng/lượng lên mức 29 triệu đồng/lượng hồi tháng 11 năm trước, gây quan ngại liệu có yếu tố đầu cơ trục lợi hay sai lầm nào trong việc ban hành các chính sách chưa theo kịp diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước?
Cần minh bạch hóa
Dư luận đặt vấn đề tại sao lại có quota nhập vàng hạn chế? Quota dành cho ai? Sao không mở cửa cho nhiều doanh nghiệp được phép xuất nhập khẩu vàng? Nếu muốn giá vàng Việt Nam liên thông với giá vàng thế giới theo qui luật cung - cầu của thị trường, thị trường sẽ tự điều tiết khi có biến động phát sinh, thì tại sao không mở cửa thị trường vàng?
Tại sao phải chờ đến khi có biến động mới cho phép doanh nghiệp nhập vàng? Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liệu có đang làm thay công việc lập kế hoạch xuất nhập khẩu vàng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng? Ai có đủ bản lĩnh để lập kế hoạch cho nhu cầu mua sắm vàng cho cả đất nước hơn 86 triệu dân?
Làm sao biết được có bao nhiêu cô dâu, chú rể đang chuẩn bị đám cưới cần mua bao nhiêu vàng trang sức làm quà tặng? Làm sao tính thay được nhu cầu mua bán nhà đất, cất giữ tiết kiệm hay cho tặng .v.v thanh toán bằng vàng của mỗi người dân!?
Không thể khuyên bảo ai đó nên đặt niềm tin, phó thác tài sản cá nhân của mình dưới dạng VND hay gửi tiết kiệm khi mà VND đang mất giá dần. Chỉ có thực tiễn khách quan mới trả lời được việc cất giữ tài sản bằng VND, USD, bất động sản hay vàng... sẽ có lợi hơn!
Theo quy luật chung, cái gì cần sẽ có cung, cái gì lên nhanh có khi xuống cũng nhanh. Vàng và USD tăng giá trong nước rồi sẽ kéo theo các giá hàng hóa thiết yếu gia tăng, gây khó khăn cho đời sống kinh tế xã hội của mọi người dân.
Nên chăng để tạo được lòng tin vào đồng tiền nội địa, vốn đã chịu nhiều áp lực mất giá trước giờ, các nhà điều hành kinh tế cần có một thông điệp rõ ràng, giải đáp minh bạch và nhất quán về quota nhập khẩu vàng, chính sách tỷ giá USD, lãi suất ngân hàng, các gói cứu trợ hay giải pháp phát hành trái phiếu chính phủ, mua hay nhận nợ trong và ngoài nước..v.v.
Trả lời được câu hỏi tại sao và như thế nào đối với chính sách tiền tệ và tài khóa chính là thông điệp bảo vệ giá trị đồng tiền nội địa VND, bảo vệ các nhà đầu tư kinh doanh trong và ngoài nước.
Các thông điệp phải được phát đi mạnh mẽ cùng với các giải pháp hiệu quả thực sự mới lấy lại niềm tin của mọi người về một đồng VND mạnh, kích thích mọi nhà đầu tư bỏ tiền vào sản xuất kinh doanh thu lợi về một đồng VND có tiềm năng, có thể chuyển đổi tự do trong và ngoài nước trong một tương lai không xa nào đó.
Khi niềm tin biến thành sự sợ hãi thì chỉ có cách khôi phục lại niềm tin thì mới xóa đi được sự sợ hãi của các nhà đầu tư và người dân trên thương trường.
(Tác giả: CẢNH THÁI//VEF)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com