Ngân hàng Trung ương Nga vừa mới nâng mức dự báo về chảy máu tư bản ở nước này trong năm 2010 lên 2,5 lần, tức 22 tỷ USD. Lỗi không phải do nền kinh tế Nga mà là do… thế giới chậm thoát khỏi cơn khủng hoảng.
Như vậy là thị trường vốn ở nước Nga trong năm nay trái ngược với năm 2009. Năm ngoái dòng tư bản chảy ra nước ngoài giảm bớt, thậm chí trong quý bốn còn tăng chút ít và đây là sự tăng trưởng đầu tiên kể từ xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Các chuyên gia cho rằng tình trạng vốn ảm đảm ở Nga năm nay là do nền kinh tế toàn cầu kìm hãm tiến trình phục hồi của các nước đang phát triển và khiến các nhà đầu tư ngại bơm tiền vào các quốc gia này. Theo quan niệm của các nước phương Tây, Nga bị xếp vào hàng ngũ các quốc gia đang phát triển, cho dù nhiều chuyên gia kinh tế ở Mátxcơva không đồng tình với điều này.
Ngân hàng Trung ương Nga ban đầu dự báo mức thất thoát tư bản thuần túy của năm 2010 chỉ khoảng 8,7 tỷ USD nhưng về sau nâng lên 22 tỷ USD. Trước hết, điều này tác động tới các nguồn dự trữ vàng – ngoại tệ quốc tế. Trước đây người ta dự báo nguồn dự trữ vàng – ngoại tệ năm 2010 sẽ tăng lên 64,7 tỷ USD, song hiện tại sự kỳ vọng chỉ dừng ở mức không quá 50 tỷ USD. Sang năm 2011 tình hình cũng sẽ ít thay đổi. Theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương, khi giá dầu mỏ của Nga dừng ở 60 USD/thùng tính trung bình cả năm thì mức chảy máu tư bản trong năm 2011 sẽ là 15 tỷ USD. Còn nếu giá dầu mỏ lên 75 USD/thùng thì “gió đổi chiều” – lượng tư bản đổ vào Nga sẽ là 10 tỷ USD. Giá dầu mỏ đạt mức 90 USD/thùng thì dòng tư bản chảy vào Nga sẽ vọt lên 20 tỷ USD.
Không chỉ Ngân hàng Trung ương Nga mà cả Ngân hàng Thế giới (WB) đều đã xem xét lại dự báo về dòng tư bản chảy ra khỏi Nga trong năm nay và đều theo hướng xấu đi. Trong báo cáo mới nhất WB cho biết, đến cuối năm nay sẽ có 10 tỷ USD tuồn khỏi Nga. Hồi mùa Hè WB từng rất lạc quan khi khẳng định rằng Nga sẽ thu hút đầu tư ở mức 31 tỷ USD trong năm nay và 60 tỷ USD trong năm tới. Còn trong dự báo mới WB đưa ra những con số khiêm tốn hơn nhiều – năm nay Nga bị chảy máu vốn, còn sang năm 2011 Nga sẽ thu hút 23 tỷ USD từ bên ngoài.
Theo một số chuyên gia tài chính Nga, sở dĩ WB thay đổi dự báo là có hai nguyên nhân. Thứ nhất, do trước đây WB không đánh giá hết tầm quan trọng của yếu tố mùa vụ. Theo truyền thống, ở Nga tình hình vốn trong nửa cuối năm bao giờ cũng xấu hơn so với nửa đầu năm. Dự báo ban đầu của WB chỉ dựa vào kết quả tích cực của nửa đầu năm. Thứ hai, tiến trình khắc phục khủng hoảng của nền kinh tế thế giới được WB đánh giá cao hơn so với nhũng gì diễn ra trên thực tế.
Sergei Drobyshevsky, chuyên gia ở Viện Kinh tế thời kỳ quá độ (Nga), nhận xét: “Trước hết, không nên coi dòng vốn chảy ra nước ngoài là sự “trốn chạy” của đồng tiền. Đó chỉ là một đại lượng thống kê ghi nhận mức chênh giữa số tiền đổ vào Nga và số tiến mà ta trả nợ nước ngoài. Do khoản nợ thì được chốt rồi nên vấn đề chỉ là do lượng tiền đổ vào Nga ít hơn mong đợi. Trước đây chúng ta chờ đợi trong quý IV năm nay sẽ có dòng tư bản đổ vào Nga như cuối năm ngoái và giúp cải thiện cán cân của cả năm. Nhưng điều này đã không xảy ra”.
Theo Drobyshevsky, các nhà tư bản nước ngoài không muốn đổ vốn vào Nga là do bầu không khí nguội lạnh của nền kinh tế thế giới. Nếu như năm ngoái người ta chờ đợi cơn khủng hoảng sẽ chấm dứt hoàn toàn thì bây giờ ai cũng thấy rõ sẽ chưa có sự tăng trưởng kinh tế bền vững trên quy mô toàn cầu. Do đó mà các nhà đầu tư lại đánh giá cao những khoản vốn ít rủi ro dù lãi suất thu được không cao. Họ không muốn mạo hiểm đổ tiền vào các nước đang phát triển như Nga dẫu cho lợi nhuận hứa hẹn sẽ cao. Ít nhất trong vòng nửa năm tới không nên bỏ công chờ đợi sự tiến triển trên thị trường vốn ở Nga.
(tamnhin)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com