Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nghịch lý cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong khi nhiều ngân hàng TMCP định vị đối tượng khách hàng mục tiêu của mình là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì hiện tại, số DN được vay vốn lại quá khiêm tốn. Vì sao có nghịch lý này trong bối cảnh lãi suất cho vay đang giảm mạnh, ngân hàng “thừa tiền” và nhu cầu của DN là khá lớn?

Những con số biết nói
 
Theo thống kê của Hiệp hội Công thương Hà Nội, đến thời điểm tháng 10/2008, trên địa bàn Hà Nội mới có 4.658 DN dân doanh và 510 hộ cá thể được vay số tiền 25.658 tỷ đồng (chiếm 10,41%) trong tổng số 246.322 tỷ đồng dư nợ cho vay trên địa bàn. Trong khi đó, vốn huy động được cùng kỳ là 425.317 tỷ đồng. Nếu tính theo đơn vị thì số DN được vay chiếm tỷ lệ 9,93% (4.658/46.900 DN), tỷ lệ này đối với hộ kinh doanh lại càng thấp hơn (510/115.000 hộ), bằng 0,14%.
 
Tại TP. HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, tình hình có vẻ khả dĩ hơn. Tổng số vốn huy động được qua các tổ chức tín dụng là 588.000 tỷ đồng thì có 446.800 tỷ đồng được giải ngân, trong đó 14.040 DN dân doanh được vay số tiền 207.500 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ cùng kỳ, tính theo DN thì tỷ lệ này là 17,44% (14.040/805.000 DN).
 
Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/10, tổng dư nợ cho vay DNNVV là 263.000 tỷ đồng, trừ số tiền mà DN tại Hà Nội và TP. HCM được vay (233.158 tỷ đồng) thì các DN tại 61 tỉnh, thành còn lại được vay thật khiêm tốn. Nếu tính bình quân, mỗi DN tại 61 tỉnh, thành được vay vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.
 
Qua những con số trên có thể thấy, số DN được vay vốn từ ngân hàng là không nhiều và cơ hội tiếp cận nguồn vốn là rất khác nhau. Trong khi DNNVV đóng góp đến 18.000 tỷ đồng tiền thuế (chủ yếu là thuế doanh thu, chưa kể thuế xuất nhập khẩu, thuế trước bạ, phí, lệ phí…) thì việc được tiếp cận nguồn vốn tín dụng như trên quả là thiếu công bằng. Ở một góc độ nào đó, chính sách mới dừng lại ở việc khuyến khích DNNVV ra đời, mà chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ khối DN này có cơ hội phát triển, nhất là cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng.
 
Vì sao?
 
“Giữa ngân hàng và DN hiện nay như có sự thách đố lẫn nhau”, ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội nhận xét. Về phía DN, hầu như DN có quan hệ từ trước với ngân hàng mới có cơ hội vay vốn. Trên thực tế, DN muốn vay vốn, nhưng phương án kinh doanh không rõ ràng khiến ngân hàng phải mất công thẩm định, vốn tự có thường thấp hơn so với quy định (30%), phương án trả nợ thiếu rõ ràng, minh bạch…; tài sản thế chấp thường có giá trị thấp, tính thanh khoản không cao, nên số tiền được vay không lớn; do không chắc có được vay, nên hồ sơ vay vốn không làm cẩn thận, ngại thuê tư vấn làm hồ sơ.
 
Về phía ngân hàng, trước những biến động trên thị trường tiền tệ vừa qua, họ cũng thận trọng hơn trong các quyết định cho vay. TTCK suy giảm mạnh, ngân hàng còn chịu sức ép của cổ đông, phải ưu tiên cho mục tiêu an toàn trước khi tính toán đến lợi nhuận. Do đó, việc cho vay tín chấp đối với DNNVV là không thể. Ngân hàng vẫn đang có sự lo ngại nhất định khi cho DNNVV vay, do đó cần xây dựng lòng tin với DN đối với cả hai phía.
 
Không chỉ là vấn đề niềm tin, câu chuyện còn nằm ở cơ chế. Chẳng hạn, việc khống chế lãi suất trần trong năm nay là một rào cản lớn đối với ngân hàng.
 
Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCK ACBS cho biết, hiện nay nhiều ngân hàng thừa vốn thì các DN lại khó vay trong khi rất “khát” vốn. Cần tháo gỡ nút thắt này bằng cách bỏ lãi suất trần (chỉ áp dụng cho trường hợp cá nhân cho vay lẫn nhau), cho phép thực hiện lãi suất thỏa thuận giữa ngân hàng và DN.
 
Nếu xem DN lớn là “chiến binh” xông ra tiền tuyến thì DNNVV chính là hậu phương vững chắc, vì thế không nên tạo ra sự bất bình đẳng trong thời điểm cần sự đồng thuận để vượt qua khó khăn như lúc này.     

(Theo Vinanet)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!