GS - TSKH Nguyễn Mại, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) đề cập tới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến FDI tại Việt Nam.
Phần II: Hai nhân tố tác động đến FDI
Các số liệu thống kê tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam rất đáng khích lệ. Làn sóng FDI thứ hai được bắt đầu từ năm 2005 có bước đột phá trong năm 2007 với mức tăng trưởng khá cao, năm 2006 vốn thực hiện là 4,1 tỷ USD, vốn đăng ký là 12 tỷ USD, thì năm 2007 đã tăng gấp đôi với các con số tương ứng là 8,03 tỷ USD và 21,3 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, 9 tháng của năm 2008 vốn thực hiện 8,1 tỷ USD, bằng 1,37 lần, vốn đăng ký 57 tỷ USD bằng 5 lần.
Xu hướng đó có tiếp diễn trong năm 2009 hay không là vấn đề cần được nghiên cứu cả ở tầm kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô.
Chúng tôi cho rằng, hoạt động FDI của nước ta năm 2009 chịu tác động của hai nhân tố: tình hình kinh tế trong nước và sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của các tập đoàn kinh tế toàn cầu (TNCs) để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ.
Về tình hình kinh tế trong nước, khi chuẩn bị gia nhập WTO vào cuối năm 2006, nước ta đang trên đà tăng trưởng với tốc độ cao và kỳ vọng sẽ còn cao hơn, 9- 10% trong những năm tiếp theo.
Từ nửa cuối năm 2007, trạng thái kinh tế đã đổi chiều, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dần, cả năm 2007 là 2 con số, hơn 12% và năm nay, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo ráo riết với những biện pháp khá đồng bộ, nhưng cũng vượt quá 25%, gấp đôi năm trước và cao nhất từ năm 1991 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5%.
Trong khi chưa thoát khỏi tình trạng lạm phát cao và giảm tốc độ tăng trưởng thì cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ như một đòn thứ hai giáng vào nền kinh tế nước ta, tác động tiêu cực đến trạng thái kinh tế của đất nước, thể hiện rõ nhất là xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu từ tháng 9 và các tháng tiếp theo, nhất là vào thị trường Mỹ, nơi người dân sẽ phải tính toán kỹ hơn các khoản chi tiêu làm cho thị trường tiêu dùng Mỹ giảm sút, do vậy nhu cầu hàng hóa nhập khẩu cũng ít hơn; tiếp đến là thị trường chứng khoán với việc sắp xếp lại vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trước sự chao đảo của thị trường vốn thế giới; sự phục hồi của thị trường bất động sản nước ta có thể chậm lại, nhiều doanh nghiệp vốn đã gặp khó khăn do CPI cao lãi suất tiền vay vượt xa mức bình thường lại phải đối đầu với tác động của cuộc khủng hoảng, gây ra tình trạng tiếp tục đảo nợ của các nhà đầu tư, các khoản nợ xấu tăng thêm, hệ thống ngân hàng đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn lớn.
Trong khi đó, thu nhập thực tế của khá đông dân cư bị sụt giảm có ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và dịch vụ, gây ra phản ứng tiêu cực về xã hội, điển hình là cuộc đấu tranh của người lao động với giới chủ đòi tăng lương, tăng thu nhập để bù đắp vào khoản tăng giá, hàng trăm cuộc đình công đã diễn ra trong năm 2008, phần lớn là ở các doanh nghiệp FDI; hàng nghìn người lao động đã bị mất việc do chủ doanh nghiệp gặp khó khăn phải sa thải công nhân, thậm chí gần đây có trường hợp chủ doanh nghiệp FDI đột ngột đóng cửa nhà máy để lại gần 400 công nhân thất nghiệp.
Thực trạng đó đã làm cho môi trường đầu tư và kinh doanh của nước ta xấu đi nhiều so với những năm trước, khi mà Việt Nam được coi là “nền kinh tế mới nổi” là “ngôi sao đang lên” ở châu Á, chắc chắn có tác động đến việc lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khi nước ta là láng giềng với nền kinh tế Trung Quốc có thị trường rộng lớn của 1,3 tỷ người, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, có thu nhập tính theo đầu người hơn gấp đôi nước ta.
Về sự điều chỉnh chiến lược của các TNCs tác động đến cả những dự án đã được cấp phép và các dự án tiềm năng. Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ có quan hệ đến nhiều ngân hàng lớn của nước này như Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản sau 158 năm tồn tại, tác động dây chuyền đến nhiều ngân hàng trên thế giới, những người cho các TNCs vay để thực hiện dự án đầu tư quốc tế.
Tình hình kinh doanh của các TNCs trong điều kiện kinh tế Mỹ suy thoái và kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại sẽ gặp nhều khó khăn, không ít TNCs lãi rất ít, thậm chí thua lỗ. Trước trạng thái mới của thị trường thế giới, các TNCs phải đánh giá lại chiến lược kinh doanh và đầu tư của họ, chắc chắn tạm thời phải thu hẹp phạm vi và đình hoãn một số dự án đầu tư không có khả năng thu xếp các khoản tín dụng. Do vậy, nhiều dự án FDI đã được cấp phép có khả năng giãn tiến độ, thu hẹp quy mô hoặc không thực hiện, làm cho tỷ lệ vốn FDI thực hiện so với vốn FDI đăng ký giảm so với những năm trước.
Nhân đây, một lần nữa chúng tôi xin lưu ý rằng, đừng quá coi trọng vốn FDI đăng ký, nhất là dựa vào đó để phân tích kinh tế, đưa ra những đánh giá khá chủ quan, mà chỉ nên coi sự gia tăng nhanh chóng vốn FDI đăng ký như một xu hướng phát triển, chứ chưa phải là một thực tế của hoạt động FDI.
Do gặp khó khăn trong kinh doanh nên việc tăng vốn của các doanh nghiệp FDI để mở rộng sản xuất sẽ chậm lại; 9 tháng năm 2007 có 1.624 triệu USD vốn tăng thêm, thì cùng thời kỳ của năm 2008 chỉ có 855 triệu USD, bằng 52,8%.
Đối với những nhà đầu tư tiềm năng, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với họ nhìn tầm trung hạn và dài hạn. Họ sẽ đến nước ta tìm hiểu thị trường và cơ hội nhưng chắc chắn phải cân nhắc kỹ hơn, mất nhiều thời gian hơn để quyết định tiến hành dự án đầu tư; các ngân hàng cũng không dễ đưa ra quyết định cho vay các dự án lớn trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vấn đề nào cũng có ngoại lệ, hoạt động FDI cũng vậy. Không loại trừ khi các TNCs toàn cầu gặp khó khăn thì những nhà đầu tư mới, nhất là từ các nước xuất khẩu dầu mỏ được hưởng lợi do giá dầu thô tăng cao, họ thu được khoản ngoại tệ hàng chục, hàng trăm tỷ USD mà trước đây được gọi là “Đô la dầu mỏ”, chớp lấy cơ hội triển khai các dự án FDI ở nhiều nước, trong đó có nước ta. Đó chính là thời cơ mới trong hoàn cảnh phải đối phó với thách thức trước cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, cần được tận dụng để bù đắp vào những dự án FDI không có khả năng thực hiện.
Vấn đề đặt ra cho các cơ quan nhà nước và chính quyền tỉnh, thành phố trong lúc này là phải rà soát cẩn trọng những dự án đã được cấp phép, thông qua nhiều kênh thông tin và mối liên hệ để tìm hiểu thực chất ý đồ của từng nhà đầu tư trước bối cảnh mới của thế giới và Việt Nam, phân các dự án FDI làm ba loại: các dự án có triển vọng thực hiện đúng thời hạn, các dự án phải giãn tiến độ hoặc thu hẹp phạm vi, các dự án không có khả năng triển khai thực hiện. Không vì thành tích thu hút FDI của địa phương để tuyên truyền mà phải kiên quyết thu hồi giấy phép những dự án không có khả năng thực hiện, để không gây tác động tiêu cực như được cấp hàng trăm ha đất nhưng không sử dụng.
Dự báo tình hình kinh tế và thị trường thế giới, trong đó có FDI quốc tế năm 2009 có nhiều khó khăn, độ chính xác có thể rất thấp, nhưng nước ta vẫncần tăng cường công tác dự báo để có cơ sở đề ra các kịch bản khác nhau, có chính sách, giải pháp thích ứng với từng kịch bản để giữ thế chủ động trong mọi tình huống, vượt qua trạng thái lạm phát cao và giảm sút tốc độ tăng trưởng, cũng như đối phó có hiệu quả với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, tranh thủ mọi cơ hội để đưa đất nước tiến lên theo nhịp độ cao hơn và có hiệu quả hơn.
( theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com