Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến FDI tại Việt Nam

GS - TSKH Nguyễn Mại, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) đề cập tới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến FDI tại Việt Nam.

Phần I: Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định tặng Giải thưởng Nobel về kinh tế năm 2008 cho Giáo sư Paul Krugman, tác giả của “Học thuyết mới về tự do thương mại”. Theo Paul Krugman, không phải lúc nào tự do thương mại cũng là chính sách tốt nhất cho các quốc gia, và ông đã chỉ trích gay gắt chính sách kinh tế của Mỹ dưới thời Tổng thống G.W. Bush, từ năm 2005 đã tiên đoán về cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ và cho rằng, cuộc khủng hoảng này có thể làm suy thoái nền kinh tế Mỹ đến năm 2010.

Đúng như tiên đoán của Paul Krugman, nước Mỹ và cả thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính được coi là tồi tệ nhất có thể so sánh với cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới thời kỳ 1929 - 1933, mà cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Alan Greenspan đánh giá là “chỉ xảy ra một lần trong thế kỷ”.

Từ khi thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, nước này đã trải qua nhiều cuộc suy thoái, đầu tiên là năm 1819, tiếp đó là các năm 1837, 1857, 1883, 1893, 1907,1920. Tháng 10/1929 thị trường tài chính phố Wall sụp đổ gây chấn động lớn đối với kinh tế Mỹ và nhiều nước trên thế giới.

Hiện nay, thế giới lại chứng kiến một thực tế là chính tại quốc gia hùng mạnh nhất toàn cầu, nơi sản sinh ra những học thuyết về kinh tế và có nhiều nhà kinh tế học nhận Giải thưởng Nobel đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính mới với quy mô lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng từng xảy ra trước đây, buộc người ta phải xem xét lại chính những vấn đề cơ bản về lý thuyết kinh tế có liên quan đến tự do hóa thương mại, trong đó có lẽ quan trọng nhất là mối quan hệ giữa nguyên tắc tự điều tiết của thị trường và vai trò điều tiết của Chính phủ.

Dưới đây là hai ví dụ điển hình về cách tiếp cận theo xu hướng coi trọng vai trò tự điều tiết của thị trường. Khi cuộc khủng hoảng năm 1929 xảy ra, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Andrew Mellon đã kiến nghị với Tổng thống Herbert Hoover cứ để mặc cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phá sản trong chu kỳ suy thoái thì tự khắc sẽ làm trong sạch nền kinh tế.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher cổ vũ cho lý thuyết tự do hóa thị trường tại Mỹ và Anh, theo đuổi chính sách “Chính phủ yếu, thị trường mạnh”. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), theo cách diễn đạt của Joseph E. Stiglitz, Nhà kinh tế học người Mỹ được Giải thưởng Nobel kinh tế năm 2002, trở thành “những cơ quan “truyền giáo” qua đó những quan điểm tự do thị trường được áp đặt lên các nước nghèo cần đến những khoản vay và tài trợ”. (xem: Toàn cầu hóa và những mặt trái, Nhà xuất bản Trẻ, tr. 17).

Cuộc khủng hoảng lần này bắt nguồn từ tình trạng quá dễ dãi của các ngân hàng Mỹ trong 10 năm gần đây, cho vay ồ ạt các khoản tiền lớn để mua nhà với những hợp đồng không đạt tiêu chuẩn, tạo thành “nền kinh tế bong bóng”. Khi thị trường bất động sản hạ nhiệt thì hàng triệu người đi vay không thể trả được cả vốn lẫn lãi, khiến các ngân hàng, nhà đầu tư bị lỗ nặng và mất khả năng thanh toán.

Cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa được Alvin Toffler diễn đạt rất có hình tượng trong quyển “Đợt sóng thứ ba”: “bằng cách đặt trong mối tương quan hệ thống hàng tỷ người với nhau, thị trường sản sinh ra một thế giới, trong đó không có người nào lại có sự kiểm soát độc lập đối với số phận của mình, không có cá nhân nào, dân tộc nào, văn hóa nào làm được thế”.

“Đợt sóng thứ ba sẽ sản xuất ra nền văn minh “xuyên thị trường” đầu tiên trong lịch sử”. “Cái đang có vấn đề là vai trò của thị trường trong đời sống của chúng ta và tương lai của chính nền văn minh” (xem Alvin Toffler: Đợt sóng thứ ba, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 478-482 ), do vậy, lần đầu tiên trong lịch sử, các tổ chức quốc tế và các nước đã phối hợp hành động đối phó với cuộc khủng hoảng.

Ngày 3/10/2008, Tổng thống Mỹ đã ký đạo luật giải cứu nền kinh tế với khoản tiền 700 tỷ USD. Ngày 29/10, FED cắt giảm lãi suất cơ bản 0,5% xuống còn 1%, mức thấp nhất trong vòng 50 năm gần đây. Ngày 10/10, Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 trong một cuộc họp ở Washington đã đề ra Kế hoạch 5 điểm để hợp tác đối phó với cuộc khủng hoảng. Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) khai mạc tại Bắc Kinh ngày 24/10 với sự tham gia của 43 nước đã tập trung bàn về cuộc khủng hoảng.

Các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã chủ trương thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối chung 80 tỷ USD để bảo vệ đồng tiền của các nước này, dự kiến tháng 11/2008 Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương 13 nước sẽ họp ở Manila và tiếp đó tháng 12/2008, Hội nghị thượng đỉnh các nước đó sẽ họp ở Bangkok để bàn về việc hợp tác đối phó với cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng kết thúc, nhưng vấn đề là bao giờ thì rất khó dự đoán, hiện nay chỉ có thể khẳng định rằng, năm 2009 sẽ còn nhiều khó khăn đối với kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế tất cả các nước.

Đối với Việt Nam, việc cần làm là đánh giá đúng tác động của cuộc khủng hoảng đối với nước ta trong điều kiện đã hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Không nên và không được phép đưa ra những nhận xét thiếu tính khoa học chỉ nhằm trấn an dư luận khi cho rằng nước ta chỉ chịu ảnh hưởng “không lớn lắm”(!).

Vào lúc này chúng ta cần nhớ đến cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực khởi đầu từ ngày 2/7/1997 tại Thái Lan, khi mà Việt Nam nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng đó, nhưng do không chủ động đề ra các giải pháp hữu hiệu nên đã chịu tác động nặng nề, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm sút trong 5 năm liền, đầu tư nước ngoài ở vào trạng thái trì trệ từ năm 1998 đến năm 2004.

Để tránh lặp lại tình trạng đó, nước ta cần nghiên cứu để nhận dạng đầy đủ tác động của cuộc khủng hoảng, đề ra các giải pháp đồng bộ và phối hợp với các nước khác thực hiện các chủ trương chung để đối phó, đồng thời phải từ bài học kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ có liên quan đến thị trường bất động sản và sự lỏng lẻo tín dụng của nhiều ngân hàng để xem xét một cách khách quan tình hình đất nước, trong đó có hoạt động tín dụng của các ngân hàng Việt Nam, nhất là những khoản tín dụng đối với thị trường nhà đất đang có dấu hiệu bất ổn mà hậu quả rất khó lường đối với tình hình tiền tệ - tài chính đất nước.

Bài học bao quát nhất đối với Việt Nam được rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ là việc kết hợp hài hòa giữa sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường với năng lực của Chính phủ điều tiết thị trường. Không thể nhấn mạnh một cách thái quá tầm quan trọng của mặt này hay mặt khác.

Đây cũng là vấn đề khó nhất trong việc hoạch định chính sách kinh tế của Nhà nước, đòi hỏi phải từ những kinh nghiệm quốc tế và từ thực tế phát triển Việt Nam tiếp cận tốt hơn các lý thuyết kinh tế, độc lập trong tư duy và hành động để có được chính sách đúng đắn vừa tận dụng được lợi thế của đất nước, vừa chủ động đối phó và vượt qua thách thức trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

( theo báo Đầu tư )

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!