Mấy tuần qua, “cỗ xe tam mã” (tiền đồng, USD và vàng) trên thị trường tài chính Việt Nam đang trở nên căng thẳng và khó khăn trong việc “ghìm cương”.
Khi tỷ giá tăng vượt trần và giá vàng treo ngất ngưởng, việc tự nhiên là người ta chờ đợi các động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Thế nhưng, đại diện cho Chính phủ trấn an thị trường khá muộn màng bằng thông điệp cam kết ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối mới đây lại không phải là đại diện của NHNN.
Ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - một cơ quan chủ yếu giám sát chính sách - lại thay mặt Chính phủ tuyên bố không điều chỉnh tỷ giá tiền đồng, cung cấp đủ nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp, đồng thời chấm dứt ghìm giữ lãi suất bằng các biện pháp hành chính, để các ngân hàng thương mại tự quyết định theo quy luật cung cầu của thị trường. Ông Thuý cho rằng phần nhiều nghịch lý của việc đồng Việt Nam giảm giá trong khi các loại ngoại tệ khác đều lên giá so với USD, là ở chỗ thị trường mất lòng tin “do cách giải thích thiếu chính xác của NHNN”, dẫn đến tích trữ ngoại tệ và vàng tăng cao. “Chính phủ cho rằng điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này là không có lợi, chỉ gây tác động dây chuyền, có thể dẫn tới một vòng xoáy khiến CPI tăng cao, có thể thêm 1% nữa. Chính vì vậy Thường trực Chính phủ quyết định không đặt vấn đề điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này”. Một trong những điều mà giới kinh doanh băn khoăn nhất, sau khi nghe thông báo của Chính phủ về chính sách tiền tệ, là liệu NHNN có đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu ổn định tỷ giá hay không. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận định: “Bản chất của vấn đề hiện nay vẫn là mất cân đối cung cầu. Tại sao ngân hàng không bơm tiền nhịp nhàng trong thời gian qua để cho thị trường tránh những cơn sốt như hiện nay?”
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, điều này phần nào phản ánh thẩm quyền hạn chế của NHNN trong việc thiết kế và thực thi chính sách tiền tệ. Không chỉ bị giới hạn bởi thẩm quyền, NHNN còn phải đối mặt với một số vấn đề có tính đặc thù của nền kinh tế, khiến cho các công cụ và hiệu lực của chính sách tiền tệ càng trở nên hữu hạn. Trong khuôn khổ thể chế và bối cảnh nền kinh tế hiện nay, NHNN dù muốn cũng không thể tự mình giải quyết bài toán tỷ giá. Nguyên nhân không chỉ nằm ở giới hạn về thẩm quyền của NHNN và hiệu lực của chính sách tiền tệ, mà còn nằm ở chính cơ cấu của nền kinh tế.
Việt Nam đang đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư, tuy nhiên đầu tư lại kém hiệu quả, bằng chứng là ICOR tăng rất nhanh. Vì vậy, để đạt cùng một mục tiêu tăng trưởng, tỷ lệ đầu tư/GDP phải ngày một cao. Mấy năm gần đây, tỷ lệ này lên tới trên 40% GDP, kéo theo chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng. Đầu tư nhiều nhưng hiệu quả kém khiến lạm phát trở thành nỗi lo thường trực. Không những thế, vì hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, đồng thời do tiền đồng thường bị định giá cao nên thâm hụt thương mại đã trở thành cái bóng đi theo tăng trưởng. Lạm phát cao, thâm hụt thương mại lớn, dự trữ ngoại hối suy giảm khiến tiền đồng thường xuyên phải chịu sức ép giảm giá. Việc điều chỉnh lãi suất cơ bản, qua đó phát tín hiệu về xu hướng thắt chặt tiền tệ, đồng thời giúp nới rộng chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, dường như đó là tất cả những gì NHNN có thể làm ở thời điểm hiện nay. TS Anh ví von, không thể vỗ tay ra tiếng nếu chỉ dùng một bàn tay, chính sách tiền tệ dù có giỏi xoay xở đến đâu nhưng không đi đôi với chính sách tài khóa tương thích cũng sẽ chỉ như vỗ một bàn tay vào hư không mà thôi.
Ông Võ Trí Thành, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, phải lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng để xử lý những vấn đề nền tảng, lấy lại lòng tin. Bởi vì, vấn đề tỷ giá của Việt Nam hiện nay là hệ lụy của các yếu kém nền tảng, cộng hưởng với vòng xoáy vàng và USD do thiếu thông tin minh bạch trên thị trường. Nếu chúng ta không lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, không nhất quán về mục tiêu chính sách, thì sẽ còn tiếp tục trả giá. Vẫn theo ông Thành, trong bối cảnh Nhà nước là nhà đầu tư và tiêu thụ lớn nhất, thì một mình chính sách tiền tệ là còn rất hạn hẹp để có thể xử lý vấn đề. Chính sách tiền tệ chỉ có thể linh hoạt hơn được khi chúng ta nghiêm khắc hơn với ngân sách, bội chi, đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Về tổng thể, chúng ta không phải thắt chặt chính sách tiền tệ ở mức quá đáng như thế này, và khu vực tư nhân đáng ra có thể tiếp cận tín dụng tốt hơn. Phân tích nguyên nhân dẫn tới “cơn sốt” vàng và USD gần đây, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, yếu tố tâm lý luôn là một vấn đề của kinh tế - tài chính - tiền tệ Việt Nam. Tuy nhiên, yếu tố tâm lý chỉ phát huy tác động mạnh trong môi trường thông tin thiếu công khai, minh bạch. Do đó, hiệu ứng thực tế của các quyết sách của Chính phủ là cơ sở để hạn chế tác động tâm lý trong nền kinh tế thị trường. Niềm tin vận động theo quá trình tích lũy lâu dài, nhưng mất niềm tin lại theo trạng thái sụt giảm ngay lập tức. Phân tích của các nhà kinh tế thế giới về tình trạng lạm phát ở Việt Nam thời gian qua cũng cho rằng, nguyên nhân là lòng tin của giới đầu tư giảm dần trước tình trạng kinh tế vĩ mô còn nhiều mất cân đối, nhất là mức lạm phát sẽ tăng trở lại đến gần với hai con số, tỷ giá tiền đồng đã mất trên 10% trong vòng 12 tháng qua. Ngoài ra, niềm tin của giới đầu tư trong nước và các doanh nhân cũng ở tình trạng tương tự với lãi suất cao và thị trường tín dụng có nhiều biến động.
Một lo ngại khác của thị trường là thiếu tính nhất quán trong các thông điệp của NHNN. Trước đây, đã có lần NHNN công bố không điều chỉnh tỷ giá nhưng chỉ sau đó một thời gian ngắn lại lập tức điều chỉnh. Ông Lê Đức Thúy ghi nhận điều lo ngại này và cho biết, nếu các biện pháp nói trên không cải thiện được tình hình tỷ giá, dĩ nhiên Chính phủ sẽ có những biện pháp khác, nhưng hiện tại chưa có ý định công bố hết các “bài” của mình. Ông cũng cho biết Chính phủ sẽ phải kiên quyết hơn trong việc tôn trọng các quy luật thị trường.
(Báo Đại Đoàn Kết)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com