Nợ của các chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng đã cao tới mức trở thành nguy cơ mới nhất đe dọa hệ thống tài chính toàn cầu - đó là cảnh báo từ Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố ngày 20/4. Bên cạnh đó, IMF cũng khuyến nghị chính phủ các nước thực hiện 4 biện pháp hầu "hóa giải" nguy cơ này.
IMF cho rằng tiến trình phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu vẫn chưa chắc chắn - Ảnh minh họa |
Jose Vinals, Cố vấn tài chính và Giám đốc bộ phận tiền tệ và các thị trường vốn của IMF nhấn mạnh, hệ thống tài chính toàn cầu và nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhờ sự can thiệp chưa từng thấy của các chính phủ nhưng chính trong quá trình này, nợ của các chính phủ tăng quá nhanh, đồng nghĩa với việc các nước có nguy cơ không thể trả được nợ đúng hạn.
Quyết toán của các ngân hàng vẫn có nhiều những khoản nợ xấu, người tiêu dùng và nhà kinh doanh vẫn trong tình trạng căng thẳng về tín dụng trong khi sự phục hồi của thị trường tín dụng vẫn rất chậm chạp và bấp bênh.
Phần lớn hệ thống tài chính quốc tế vẫn phụ thuộc vào các biện pháp bất thường được các chính phủ thực hiện để chống khủng hoảng như mua các khoản nợ xấu và bơm khoản tín dụng khổng lồ vào các thể chế tài chính yếu kém.
Các nguy cơ lớn nhất đã chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực công ở các nước phát triển. Các chính phủ không chỉ phải mua các nợ xấu từ các thể chế tài chính tư nhân mà còn phải tiếp tục tăng vay nợ trong nhiều năm tới để giải quyết hậu quả khủng hoảng.
Báo cáo của IMF nêu rõ rằng mặc dù kinh tế toàn cầu phục hồi và sự lành mạnh hơn của hệ thống tài chính toàn cầu, tiến trình phục hồi và của hệ thống tài chính toàn cầu vẫn chưa chắc chắn.
Nếu "di sản" của khủng hoảng không được giải quyết rốt ráo, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ bị phương hại và thế giới lại đứng trước nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính mới.
Để tránh các hiểm hoạ này, IMF đề nghị chính phủ các nước thực hiện 4 biện pháp chính sách.
Thứ nhất là xử lý thận trọng thâm hụt ngân sách để tránh đẩy cuộc khủng hoảng sang giai đoạn mới.
Thứ hai là thực hiện êm thuận chiến lược thoát khủng hoảng bảo đảm tạo ra một hệ thống tài chính lành mạnh và sống còn có quy mô thích hợp để có thể cung cấp dòng tín dụng thích hợp cho khu vực tư nhân.
Tiếp theo, triển khai các công cụ tài chính trong đó có điều chỉnh chính sách kinh tế vĩ mô và các biện pháp thận trọng để xử lý các hiểm hoạ từ các dòng vốn đầu tư mạnh.
Và cuối cùng, tiếp tục thúc đẩy các chính sách và cải tổ quy chế để cải thiện thị trường vốn, tăng cường xử lý rủi ro, giảm chi phí cứu các thể chế tài chính trong hệ thống cũng như xử lý các vấn đề của các thể chế tài chính không thể cho phá sản.
(Theo Phú Đức // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com