Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Mặt bằng lãi suất: Sức ép tăng trong ngắn hạn

NHNN đang xem xét bỏ trần lãi suất huy động hoặc giảm dự trữ bắt buộc của các NH để tăng tính thanh khoản

Có hai luồng ý kiến ngược nhau về lãi suất. Áp lực tăng lãi suất ngày một tăng, nhưng chỉ dấu hạ cũng đã có. Doanh nghiệp ứng phó thế nào?

Sau khi những thông tin kinh tế vĩ mô của quý I/2010 được công bố, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, áp lực đẩy lãi suất tăng ngày càng lớn. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đang ở mức 14% - 15%/năm, (lãi suất huy động theo quy định chỉ được phép ở mức 10,49%/năm, tuy nhiên các ngân hàng thường “lách” và huy động ở mức khoảng 12% - 13%/năm).

Mặt bằng lãi suất mới

Ông Lê Khắc Duẩn - Giám đốc công ty Tư vấn và Đầu tư tài chính S&D cho rằng, Chính phủ đang rất khó khăn trong việc giải quyết bài toán giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Và với giải pháp giữ nguyên lãi suất cơ bản trong tháng 4 ở mức 8%/năm, có thể thấy các cơ quan quản lý đang muốn trì hoãn để tìm ra giải pháp tốt hơn. “Dù sao chúng tôi cũng không tin rằng việc trì hoãn này có thể kéo dài quá tháng 4 và các chính sách mới có thể sẽ bắt đầu được đưa ra ở nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5”  - ông Duẩn dự đoán. Và đương nhiên, khi lãi suất cơ bản tăng thì thị trường sẽ xác lập một mặt bằng lãi suất mới.

Cơ sở để ông Duẩn đưa ra nhận định trên chính là những diễn biến của nền kinh tế. Vấn đề thứ nhất, tốc độ tăng CPI quý I đã tới 4,12%, khiến mối lo ngại lạm phát cao là có cơ sở. Đáng chú ý, gốc rễ của đợt gia tăng lạm phát này lại đến từ việc gia tăng chi phí sản xuất thông qua giá xăng dầu, điện... Vấn đề thứ hai, tình trạng nhập siêu quý I/2010 ước đạt 3,51 tỷ USD, chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu. Điều này buộc Bộ Công Thương phải họp khẩn để tìm giải pháp. Tuy nhiên, có vẻ chưa có biện pháp khả thi vì nhóm hàng cần nhập khẩu gồm nguyên liệu, máy móc thiết bị chiếm tới 82,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Có vẻ như việc đưa ra giải pháp ổn định tỷ giá VND/USD đã không đạt được kết quả như kỳ vọng ban đầu mà vẫn làm các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp Chính phủ diễn ra từ ngày 30/3 - 1/4/2010, tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tính đến 31/3/2010 ước chỉ tăng 2,95% so với tháng 12/2009.

Ở góc độ kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Hoài Nam - Phó tổng giám đốc ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng phải thừa nhận, mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ tăng. Tuy nhiên, ông Nam lại dự đoán, mức tăng này không quá lớn và thời điểm tăng sẽ vào cuối năm 2010. Ông Nam cho rằng, xét trên hai yếu tố là tăng trưởng GDP và tăng trưởng tín dụng 3 tháng qua, hai con số này không quá mâu thuẫn nhau. Dự báo mức tăng GDP cả năm và tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm 2010 là khá hài hòa. Đồng thời, các doanh nghiệp hiện cũng rất cẩn trọng và cân nhắc trong việc sử dụng đồng vốn do chi phí vốn khá cao. Điều này giúp mặt bằng lãi suất sẽ không có hiện tượng tăng đột biến, ông Nam khẳng định.

“Trông giỏ bỏ thóc”

Lãi suất cao sẽ làm tăng mạnh chi phí đầu vào đối với các doanh nghiệp là điều đương nhiên. Ông Nguyễn Văn Cường - chủ một cơ sở sản xuất các mặt hàng da than thở: “Người tiêu dùng vẫn chưa thoát khỏi tâm lý lo ngại về khủng hoảng kinh tế nên đầu ra của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, đầu vào cứ liên tục bị cộng thêm chi phí thì doanh nghiệp chỉ còn cách cố gắng hoạt động cầm chừng hoặc tạm ngừng sản xuất”.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, tại hội thảo “Nhìn lại kinh tế năm 2009 và dự báo kinh tế năm 2010”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, doanh nghiệp sẽ buộc phải huy động vốn theo cách khác để tránh gặp phải những biến động về tỷ giá cũng như những biến động về chính sách. “Tôi biết điều này là vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp bởi rất khó để chúng ta có thể đoán định được chính sách. Tôi cho rằng cách tốt nhất để giúp các doanh nghiệp là NHNN nên có một lộ trình, định hướng cụ thể về những hành động của mình để ít nhất doanh nghiệp cũng có thể dự báo được mức biến động có thể xảy ra. Còn trong điều kiện như hiện nay, các doanh nghiệp cần thận trọng trong việc huy động vốn và đầu tư. Cách tốt nhất là xem giỏ mà bỏ thóc” - TS Doanh bình luận.

Còn đối với những doanh nghiệp có kế hoạch, dự án phát triển, đầu tư khả thi cần nguồn vốn, ông Trần Hoài Nam - Phó tổng giám đốc VIB đưa ra lời khuyên, doanh nghiệp nên tiếp cận qua các kênh: Tận dụng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như các nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ các ngân hàng nước ngoài như chính sách hỗ trợ lãi suất 2% cho khoản vay trung và dài hạn; Dự án SMEFP (dự án tài trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa - một kế hoạch cho vay lại dựa theo thỏa thuận vay giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) giai đoạn 3; Dự án RDFII…

Mỗi nhận định và dự báo đều có lý lẽ riêng của mình, nhưng quyết định điều hành chính sách tiền tệ quốc gia thì lại thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà hồi phục và sẽ có không ít doanh nghiệp chớp cơ hội này để “bật lên”, thì một chính sách ổn định tương đối, có thể dự báo được và cân bằng được lợi ích các bên liên quan là hết sức cần thiết. Điều này sẽ không chỉ giúp nền kinh tế phát triển bền vững mà còn giúp các doanh nghiệp rũ bỏ tâm lý “lình xình” chờ chính sách.

Ý kiến người trong cuộc

Ông Nguyễn Tuấn, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Cty Chứng khoán Quốc gia

Trong năm 2008, với việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Chính phủ để chặn lạm phát, chúng ta đã thấy lãi suất cơ bản có xu hướng bắt đầu tăng vào tháng 5/2008, đạt đỉnh vào tháng 8/2008 và trở lại ổn định, giữ ở mức thấp vào tháng 12/2008. Chu kỳ tăng giảm lãi suất đó là 8 tháng.

Hiện tại, phương án thắt chặt tiền tệ của Chính phủ cũng đã được thực hiện từ cuối năm 2009 và lãi suất đã có xu hướng tăng từ cuối tháng 12/2009. Với tình trạng hiện nay, khi lạm phát không quá cao như 2008, tôi cho rằng chu kỳ lãi suất tăng với mục tiêu chặn lạm phát sẽ không kéo dài đến 8 tháng như 2008 mà có thể chỉ kéo dài khoảng 6 tháng, và từ đó đưa đến khả năng lãi suất sẽ có xu hướng giảm dần trong 3 tháng tới.

(Theo Hải Nam // Báo Doanh nhân)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chính sách tiền tệ: Thống đốc "chơi chữ" - Giám đốc ADB Việt Nam khuyến nghị
  • Chính sách tỷ giá của Trung Quốc lấy đi 1,5% tăng trưởng kinh tế toàn cầu
  • Tín dụng thấp “bó” tăng trưởng?
  • Tăng trưởng tín dụng: 2,95% hay 3,34%?
  • Tổng hợp tin kinh tế tài chính nổi bật Việt Nam tuần 12 -16/04/2010
  • Giá USD hạ: Ai hưởng lợi?
  • Cơ chế lãi suất thỏa thuận - Ổn định thị trường, giảm mặt bằng lãi suất
  • Chứng khoán hóa: Đi đâu về đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!