Mặc dù đang là thời điểm nhu cầu vốn cho sản xuất và kinh doanh ở mức đỉnh điểm của cả năm nhưng mặt bằng lãi suất VNĐ lại nằm ở ngưỡng cao ngất ngưởng. Hệ lụy từ tình trạng này chưa lộ diện ngay nhưng có thể bộc phát trong quý 1 năm tới.
Tìm hiểu thủ tục vay vốn ngân hàng. Ảnh: ĐỨC THÀNH |
Huy động tăng cao hơn cho vay
Bất chấp sự kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng như cam kết đồng thuận của một số ngân hàng thương mại (NHTM) thuộc VNBA, phần lớn các NHTM đã đẩy lãi suất huy động VNĐ vượt qua mốc 12%/năm, mức lãi suất niêm yết ở một số NHTM còn lên đến 14%/năm.
Từ đầu tháng 12, Ngân hàng ACB đã tung ra chương trình khuyến mãi đối với người gởi tiền. Trong biểu lãi suất cộng với quà tặng của ACB, thấp nhất là 12,7%/năm (kỳ hạn 1 tuần), cao nhất tới 14%/năm với kỳ hạn 3 tháng. Ngân hàng Eximbank cũng đưa ra chương trình lãi suất huy động VNĐ và quà tặng mới ở một số kỳ hạn. Theo đó, tỷ lệ tặng thưởng vào lãi suất tiền gởi thấp nhất là 0,7%/năm (lãi suất tiền gởi tương ứng là 12,7%/năm), cao nhất là 2%/năm (ứng với lãi suất huy động 14%/năm, với kỳ hạn 3 tháng)… Từ ngày 8-12, BIDV triển khai sản phẩm tiền gởi VNĐ với lãi suất 15%/năm (huy động 14%/năm và cộng thưởng 1%) ở kỳ hạn 2 và 3 tháng. Nhiều NHTM khác cũng đưa ra các chương trình khuyến mãi, tặng quà để lôi kéo khách gởi tiền. Bên cạnh đó, tình trạng mặc cả lãi suất tiền gởi cũng xuất hiện, nhất là với những người gởi số tiền lớn, làm cho lãi suất tiền gởi thực tế còn cao hơn mốc 14%/năm khá xa. Đặc biệt, ngày 8-12, một số NHTM đã đưa lãi suất tiền gởi lên tới 18%/năm.
Mặt bằng và cơ cấu lãi suất huy động tăng cao chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, từ 3 tháng trở xuống. Điều này cho thấy các NHTM đang thu hút vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn lưu động của mùa sản xuất kinh doanh cuối năm.
Theo ước tính của Cục Thống kê TPHCM, vốn huy động trong 11 tháng đầu năm nay tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2009, riêng vốn huy động của các NHTM cổ phần tăng 41,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn huy động. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt tăng 24,2% so với cùng kỳ, riêng dư nợ tín dụng của các NHTM cổ phần tăng 32,9% so với cùng kỳ. Hiện tượng chênh lệch giữa “đầu ra” và “đầu vào” của tăng trưởng dòng vốn là phù hợp với tình trạng thắt chặt tiền tệ hiện nay. Lãi suất huy động cao tất nhiên lãi suất cho vay cũng cao theo, theo ước tính của các chuyên gia tài chính thì lãi suất “đầu ra” thông thường cao hơn lãi suất “đầu vào” từ 3%-4%/năm. Với mặt bằng lãi suất vay vốn như vậy, doanh nghiệp hạn chế vay vốn, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn là chuyện đương nhiên.
Ngân hàng Nhà nước nên mạnh tay hơn
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất được thả nổi hiện nay chỉ là giải pháp tình thế để thấy được bộ mặt thật của thị trường, từ đó các nhà quản lý có thể điều hành tốt hơn. Lãi suất cao cũng là để kiểm soát và ổn định tỷ giá. Lãi suất cao tất nhiên sẽ góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt nhưng trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều đến CPI từ nay đến cuối năm mà sẽ tác động mạnh, gây ra lạm phát cao trong quý 1 năm 2011. Lúc đó sản xuất kinh doanh sẽ đình trệ, hàng hóa khan hiếm, nhập khẩu gia tăng. Vì vậy, với mức độ lạm phát hiện nay, không nên để lãi suất VNĐ nằm ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên sớm có giải pháp điều hành để giảm lãi suất xuống: lãi suất huy động không nên vượt quá 12%/năm, lãi suất cho vay không nên vượt quá 15%/năm. NHNN nên tăng cường sử dụng nghiệp vụ mở và thể hiện vai trò rõ hơn trên thị trường liên ngân hàng. NHNN phải là một thành viên trên thị trường này để lãi suất liên ngân hàng phải thấp lãi suất huy động vốn từ dân cư, có biện pháp triệt tiêu hiện tượng “làm giá”, “đi đêm” ở thị trường liên ngân hàng.
Một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị rằng NHNN có thể mua trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn ngắn. Cùng với đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng cần phải giảm xuống để không còn hấp dẫn các NHTM có tiềm lực tài chính mạnh và các NHTM này có thể bơm vốn ra thị trường tín dụng nhiều hơn. Lãi suất tín dụng giảm nhanh sẽ mang lại ít nhất tác dụng kép. Trước hết, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ sôi động hơn. Tiếp đó, lãi suất thấp sẽ khuyến khích người dân tung tiền vào các lĩnh vực đầu tư, sản xuất, kinh doanh thay vì gởi tiền lấy lãi tiêu xài. Hàng hóa dồi dào, người dân ít tiêu dùng, lạm phát khó có cơ hội tăng cao.
TPHCM: Kết nối liên thông hệ thống thanh toán thẻ Ngày 9-12, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, các ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty dịch vụ thẻ thanh toán công bố hoàn thành việc kết nối liên thông hệ thống thẻ thanh toán nội địa (thẻ ATM) với hệ thống điểm chấp nhận thanh toán bằng thẻ (POS) cho 15 NHTM đang hoạt động trên địa bàn TPHCM. Qua đó, chủ thẻ của một trong 15 NHTM trên đều có thể sử dụng thẻ để thanh toán tại POS của các NHTM còn lại. Ngoài 15 NHTM với 564 POS, còn có 18 đơn vị khác (chủ yếu thuộc các ngành dịch vụ và thương mại) với 131 POS tham gia kết nối. Tiện ích này sẽ góp phần giảm tải hệ thống ATM của các NHTM, nâng cao sự tiện lợi trong thanh toán và thúc đẩy đáng kể việc thanh toán không dùng tiền mặt ở TPHCM. Lãi suất liên ngân hàng vẫn cao Ngày 9-12, sau khi NHNN nhắc nhở Techcombank về việc tăng lãi suất đột biến lên 17%/năm, Techcombank và một loạt ngân hàng khác đã dỡ biển quảng cáo và điều chỉnh bảng niêm yết giảm lãi suất xuống dưới 14%/năm. Nhưng khảo sát tại TPHCM, một số ngân hàng vẫn giữ mức lãi suất huy động 14,5% - 16%/năm. Tuy nhiên, không giống như “cơn sốt” lãi suất trước đó một ngày, các ngân hàng đã thận trọng hơn trong việc thỏa thuận với khách hàng. Techcombank đã bỏ hẳn quảng cáo về chương trình gửi tiết kiệm ưu đãi lãi suất 17%, nhưng nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện nhất định, nhân viên ngân hàng này vẫn có thể đưa ra lãi suất lên tới 16,3%/năm. Trong khi đó, một ngân hàng cổ phần vẫn tiếp tục áp dụng mức 17,3%/năm cho kỳ hạn 1 tháng với một số khách hàng có tiền gửi 1 tỷ đồng trở lên. Đến chiều qua, nhiều ngân hàng cho biết, lãi suất liên ngân hàng vẫn còn đứng ở mức 17%-19%/năm kỳ hạn 3 tuần - 1 tháng. Lãi suất qua đêm cũng lên mức 13,5% - 14%/năm. |
( Theo Hoàng Liêm // Báo SGGP Online )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com