Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

NHTM: Muốn mở "van" cũng khó

Sau thời kỳ bùng nổ cuối năm 2007, hầu hết các ngân hàng thương mại đã khép cửa hoặc giải ngân hạn chế đối với tín dụng tiêu dùng. Mới đây, một trong 5 “liều thuốc” chữa suy giảm kinh tế được Chính phủ đưa ra là kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

“Mở van” để kích cầu

Với các ngân hàng trong nước, tín dụng tiêu dùng mới thực sự ở giai đoạn đầu, nhưng với các ngân hàng nước ngoài, đây lại là một thị trường mũi nhọn đầy tiềm năng. Đã từng có nhiều đánh giá rằng, ngân hàng Việt Nam sẽ “thua trên sân nhà” ở lĩnh vực này. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2008 mới đây, ông Ashok Sud, Tổng giám đốc Standard Chartered tại Việt Nam cho rằng, trong điều kiện cần lấp khoảng trống khi nhu cầu trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần phải kích thích tiêu dùng trong nước, trong đó cần có quy định riêng biệt cho dịch vụ cho vay cá nhân, khác với cho vay doanh nghiệp. “Tiêu dùng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tăng trưởng GDP ở Việt Nam. Chính vì vậy dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần được khuyến khích mở rộng và phát triển” - ông Ashok Sud nói.

Lạm phát gia tăng từ đầu năm 2008 khiến các ngân hàng thương mại thắt chặt tín dụng, và khoản cho vay tiêu dùng hầu như cũng bị “khoá” luôn. Nhưng mới đây, khi thanh khoản được bảo đảm, vốn khả dụng dồi dào, nhiều ngân hàng đã quay trở lại lĩnh vực đầy tiềm năng này, dù là với một thái độ dè dặt hơn.

Ông Hồ Anh Ngọc, Giám đốc khối khách hàng cá nhân của Techcombank cho biết, tín dụng tiêu dùng là một trong những định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ của Techcombank. Trong thời gian này, các sản phẩm cho vay tiêu dùng của ngân hàng này như: nhà mới, ô tô xịn… vẫn được thực hiện. Tuy nhiên, đối tượng cho vay được thu hẹp, nếu là vay mua ô tô phải là những khách hàng mua để sử dụng, hoặc khách vay chương trình nhà mới thì Techcombank chỉ cho vay 50-60% giá trị định giá căn nhà. Tính đến nay, Techcombank đã cho vay tiêu dùng khoảng 8.500 tỷ đồng, so với mục tiêu là khoảng 13.000 tỷ đồng. Từ giờ đến cuối năm, ngân hàng đang đẩy mạnh giải ngân và hy vọng sẽ đạt con số cho vay tiêu dùng cả năm 2008 khoảng 10.000 tỷ đồng. Một ngân hàng lớn khác là ACB cũng đưa ra những tiêu chí cao hơn để hạn chế bớt rủi ro trong cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn, đối với chương  trình cho vay mua nhà của ACB, thời gian cho vay hiện nay chỉ còn 5 năm, với mức vay 70% giá trị thẩm định căn nhà/tài sản đảm bảo, nhưng không quá 500 triệu đồng. Trước kia, khách hàng chỉ cần có mức thu nhập ổn định 3 triệu đồng/tháng trở lên là có thể đến ACB vay tiêu dùng (mức cho vay lên đến 10 lần lương tháng). Nhưng hiện nay, khách hàng phải có mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở lên và chỉ được vay gấp 4 lần lương tháng.

ABBank xem ra táo bạo hơn với chương trình khuyến mại “Vay tiền được vàng”. Theo đó, cứ 100 triệu đồng được giải ngân, khách hàng được tặng ngay một phân vàng. Bên cạnh đó, ABBank đang tiếp tục tăng cường cho vay tiêu dùng với chuỗi sản phẩm tín dụng linh hoạt: YOUhouse (cho vay xây sửa nhà), YOUcar (cho vay mua xe)… với mức cho vay không vượt quá 70% nhu cầu vốn hoặc 70% giá trị tài sản đảm bảo… Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc khối khách hàng cá nhân ABBank cho biết, nhu cầu tiêu dùng có thể ví như một van nước bị khóa lâu ngày. Nhu cầu đó vẫn có, và ngân hàng đang tháo van nhưng từ từ, nhằm kích hoạt nền kinh tế sôi động trở lại.

Còn nhiều rào cản

Theo TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển, so với nhiều nước trên thế giới, ở nước ta cho vay tiêu dùng chưa phát triển đến mức đáng phải lo ngại. Tuy nhiên, trên thực tế còn đang có nhiều rào cản đối với vấn đề này. Nhiều chuyên gia đang cho rằng, cơ chế về trần lãi suất (lãi suất thương mại không quá 150% lãi suất cơ bản) sẽ làm thui chột ngành tín dụng tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam trước khi nó đạt đến một khối lượng đủ lớn. Ông Ashok Sud phân tích, trần lãi suất sẽ ngăn cản tất cả các khoản cho vay có lãi suất xác định dựa trên thống kê yếu tố rủi ro đối với người vay cao hơn mức trần này. Ngay cả nếu so với cho vay doanh nghiệp, cho vay tiêu dùng thường có rủi ro và chi phí cao hơn nhưng vẫn chịu chung một “trần”. Hậu quả của quyết định trên là ngân hàng ngừng hoặc hạn chế cho vay loại này, “đẩy” một phần lớn khách vay ra khỏi thị trường tín dụng chính thức, để gia nhập thị trường phi chính thức (tín dụng chợ đen). Tuy nhiên, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết đã cân nhắc kỹ lưỡng hoạt động tài chính tiêu dùng khi ban hành cơ chế trần lãi suất và cũng đã tính đến những tác động tiêu cực liên quan. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tác động của cho vay tiêu dùng đến GDP của Việt Nam hiện nay chưa lớn; vì thế không cần thiết có một cơ chế riêng rẽ cho hoạt động cho vay tiêu dùng ở giai đoạn này.

Về phía các ngân hàng thương mại, họ cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc khi muốn mở rộng tín dụng tiêu dùng. Trước hết là ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng chưa tốt. “Trong khi đó, chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để buộc người vay phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ trả nợ, đặc biệt là trong lĩnh vực vay tiêu dùng” – Giám đốc một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội nói. Trên thực tế, mặc dù người vay đã cam kết dùng lương, thu nhập để trả nợ, nhưng khi khách hàng lẩn trốn nghĩa vụ thì các đơn vị đã xác nhận nơi công tác, mức thu nhập cho người vay không thiện chí trong việc hỗ trợ ngân hàng thu nợ. Thiếu dữ liệu thông tin người vay cũng là một khó khăn không nhỏ. Tình trạng tài chính, quan hệ gia đình, lịch sử vay nợ, ý thức về nghĩa vụ trả nợ… là những thông tin quan trọng để ngân hàng quyết định cho vay. Tuy nhiên, hiện chưa có tổ chức nào cung cấp đầy đủ những dữ liệu này. Mỗi khoản cho vay, cán bộ tín dụng phải tự tìm hiểu thông tin khách hàng, nên thông tin vừa thiếu chính xác lại vừa tốn thêm chi phí.

(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • FDI toàn cầu sẽ giảm mạnh trong năm 2009
  • Chất xám tài chính Mỹ chảy sang Trung Quốc
  • Thanh toán không dùng tiền mặt phát triển
  • 3 năm ì ạch vì “nhầm thành phần”
  • Mở rộng “một cửa”
  • Tìm địa chỉ sinh lời cho đồng tiền
  • Kích cầu phải đi đôi với cải cách
  • Dành 1 tỷ USD kích cầu chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!