Hàng loạt dự án có vốn đăng ký lên đến hàng tỉ USD được cấp phép từ nhiều năm trước, nhưng đến nay phần lớn đều trong tình trạng “trùm mền”. Điều trớ trêu là nếu như việc cấp phép khá dễ dàng thì rút giấy phép lại không đơn giản chút nào.
Trong năm 2011, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã công bố mục tiêu thu hút 20 tỉ USD vốn đăng ký đối với các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) và khoảng 11 tỉ USD vốn giải ngân. Tuy nhiên, giải pháp cụ thể cho những dự án lớn được cấp phép các năm trước nay còn đang “trùm mền” vẫn chưa thấy đề cập.
Dễ như cấp phép...
Tại thời điểm này, không chỉ có dự án “Thành phố sáng tạo” Nam Tuy Hòa có vốn 1,68 tỉ USD ở Phú Yên đang đứng trước nguy cơ bị rút giấy chứng nhận đầu tư mà nhiều dự án bất động sản với số vốn nhiều tỉ USD cũng trong tình trạng tương tự. Chính quyền địa phương nhiều tỉnh thành 2-3 năm trước hối hả cấp phép vì sợ những dự án lớn này “chạy” đi nơi khác, nay cũng sốt ruột vì dự án cứ bị “treo” mãi.
Chủ đầu tư dự án “Thành phố sáng tạo” đã nhiều lần trì hoãn việc đóng tiền ký quỹ và lại tiếp tục lỗi hẹn trước kỳ hạn ngày 21-12-2010. Và lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã ra thông điệp mạnh mẽ “sẽ rút giấy phép”. Trong khi đó, trả lời Tuổi Trẻ, đại diện chủ đầu tư của dự án này vẫn cho rằng lạc quan với cam kết góp vốn của những nhà đầu tư cùng tham gia dự án. Tuy nhiên, sự trì hoãn trong việc bỏ ra khoảng 3 triệu USD ký quỹ, một trong những động tác đầu tiên để triển khai dự án, đã khiến nhiều người không thể không đặt dấu hỏi về khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi ra đời nhiều dự án bất động sản du lịch “tỉ đô” nhất trong giai đoạn 2007- 2008. Từ dự án khu du lịch đa năng Hồ Tràm Strip 4,2 tỉ USD đến dự án khu du lịch Saigon Atlantis 4,1 tỉ USD, dự án khu du lịch của Good Choice 1,3 tỉ USD... đến thời điểm hiện nay đều triển khai rất chậm hoặc giậm chân tại chỗ. Có dự án mà chủ đầu tư “chày cối” cả việc trả tiền thuê vẽ thiết kế, đến nỗi trong cuộc họp một lãnh đạo chính quyền địa phương phải nói thẳng ra chi tiết này để chứng minh cho nghi ngờ của ông về khả năng tài chính và thiện chí triển khai dự án của chủ đầu tư.
Một chủ đầu tư khác là Berjaya (Malaysia) được cấp phép dự án khu đô thị đại học 3,5 tỉ USD và dự án trung tâm tài chính VN 930 triệu USD ở TP.HCM. Cả hai dự án này hiện vẫn chưa thấy triển khai gì trên đất thì lại tiếp tục được cấp phép một dự án khác 2 tỉ USD ở Nhơn Trạch, Đồng Nai khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi có quá dễ dãi trong việc cấp phép cho những dự án lớn như vậy?
Khó như... rút giấy phép
Đến nay mới có Quảng Nam tỏ ra cương quyết trong việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với những dự án mang tên “tỉ đô” nhưng lại chậm trễ triển khai. Dự án “Bãi biển rồng” 4 tỉ USD vừa bị rút giấy phép là một ví dụ.
Có thể nói lãnh đạo nhiều tỉnh thành đã nương tay với chủ đầu tư nhưng một số nơi bị rơi vào thế kẹt, muốn rút giấy phép là điều không dễ.
Dự án nhà máy lọc dầu Cần Thơ được cấp phép năm 2008 là ví dụ. Việc xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án này đã được đặt ra vài lần khi một bên tham gia dự án là nhà đầu tư Mỹ rút lui năm 2009. Nhưng phía nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục đeo đuổi dự án, mời gọi đối tác khác tham gia. Trong khi chính quyền địa phương đặt dấu hỏi về khả tài chính của nhà đầu tư vì thấy dự án chưa “rục rịch”, thì chủ đầu tư lại cho rằng địa phương chưa giao đất sạch nên dự án bị chậm. “Chưa có đất sạch” cũng là lý do được đối tác nước ngoài mới của dự án này đưa ra để “không thể tiếp tục hợp tác”.
Theo một cán bộ quản lý dự án đầu tư nước ngoài lâu năm ở TP.HCM, khái niệm “triển khai” và “chưa triển khai” dự án còn rất chung chung. “Chủ đầu tư chỉ cần vài động tác thay đổi giấy tờ trong bộ hồ sơ, xin điều chỉnh chỗ này, bổ sung chỗ khác để trì hoãn triển khai thì cũng được coi như là đang triển khai. Không thể nói chưa triển khai để rút giấy phép của họ” - cán bộ này nói.
Nên cho chuyển nhượng dự án?
Trong một diễn đàn bàn việc tìm giải pháp thúc đẩy giải ngân cho các dự án đầu tư nước ngoài diễn ra ở Vũng Tàu gần đây, một lãnh đạo tỉnh này đã thẳng thắn đặt vấn đề nên luật hóa một cách cụ thể, rõ ràng hơn cho hoạt động chuyển nhượng dự án. “Luật hiện nay không cấm cản, nhưng dư luận cứ đặt vấn đề chủ đầu tư xin dự án rồi đem bán, chúng tôi thật khó ăn nói mỗi khi trả lời chất vấn tại các cuộc họp HĐND” - vị lãnh đạo này bày tỏ.
Quả thật, xử lý điều này không dễ, bởi theo ông Phan Hữu Thắng - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đầu tư nước ngoài, có rất nhiều doanh nhân không phải là nhà đầu tư thật sự, mục đích của họ là làm dự án rồi bán kiếm lời. Nếu chính quyền địa phương cứ cấp phép mà không thẩm định kỹ, trong tương lai còn nhiều dự án bị kéo dài thời gian triển khai hơn nữa. “Luật không quy định chặt chẽ thì việc chuyển nhượng này càng phức tạp hơn” - ông Thắng nhận định.
(Tuổi trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com