Ra sức thu hút FDI để rồi lao động Việt Nam chỉ nhận được những đồng lương rẻ mạt, trong khi thuế (phần thu về cho ngân sách quốc gia) gần như giảm hết mà ngân sách nhà nước lại phải đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng như điện, nước, cảng, giao thông…Đã đến lúc cần phải nhìn lại chính sách thu hút đầu tư nước ngoài để Việt Nam có thể thu hút được những dự án đầu tư có chất lượng hơn.
Lý giải cho quyết định đầu tư vào KCN Quang Châu (Bắc Giang), ông Hoàng Hiển Hùng, Chủ tịch Công ty Wintek của Đài Loan đã nhắc tới yếu tố duy nhất: tiền lương cho người lao động. Ông cho hay, mức lương cơ bản của một lao động ở Trung Quốc tương đương với khoảng 500 USD/tháng và bình quân tăng từ 10 - 20%/năm. Ở Việt Nam, ông bảo, mức lương của lao động phổ thông chỉ bình quân hơn 100 USD/tháng, với mức tăng hàng năm không nhiều. Như vậy, khi đầu tư ở Việt Nam Wintek có thể trả lương cho lao động Việt Nam cao hơn mức 100 USD/tháng/người để được tiếng “hấp dẫn”, mà vẫn thấp hơn ở Trung Quốc.
Dự án 150 triệu USD để sản xuất màn hình cảm ứng cho các sản phẩm điện tử cao cấp như iPhone hay iPad mà Wintek sẽ đầu tư ở KCN Quang Châu theo dự kiến sẽ cần tới cả vạn lao động. Với mức lương trả cho người lao động như nói ở trên, có thể thấy nhà đầu tư này chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhân công so với khi đầu tư tại Trung Quốc đại lục. Dễ hiểu là chi phí lao động cao sẽ buộc nhà đầu tư phải lo lắng hơn để có thể duy trì được lợi nhuận của mình như mong muốn, nhất là trong điều kiện giá sản phẩm đầu ra khó có thể tăng được cỡ 10 - 20%/năm. Dĩ nhiên không chỉ có lợi thế về nhân công lao động giá rẻ là đủ để thu hút nhà đầu tư, nhưng với quy mô cả vạn lao động thì chi phí lao động rẻ là điểm mấu chốt để nhà đầu tư cân nhắc thiệt hơn.
Nhân công rẻ cũng lý giải cho câu chuyện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển sang các ngành sử dụng nhiều lao động mà vị giáo sư danh tiếng của Đại học Harvard, ông Michal E. Porter, đưa ra trong “Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam” mới đây. Đáng buồn ở chỗ, song song với sự dịch chuyển này là sự giảm sút về năng suất lao động của khu vực FDI kể từ năm 2000 trở lại đây.
“Vào năm 2000, năng suất lao động trong khu vực các doanh nghiệp FDI cao gấp hơn 2 lần khu vực Nhà nước, 20 lần khu vực ngoài nhà nước và hơn 10 lần của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, khoảng cách năng suất này đang giảm mạnh, chủ yếu do FDI dịch chuyển sang các ngành sử dụng nhiều lao động kể từ sau hội nhập. Đến năm 2008, năng suất lao động trong khu vực này chỉ cao hơn 7 lần so với khu vực ngoài nhà nước và chỉ bằng 90% khu vực nhà nước, tuy nhiên vẫn còn cao hơn 4 lần so với năng suất chung của nền kinh tế”, Báo cáo viết.
Điều này cũng có nghĩa là, kỳ vọng về việc dòng vốn FDI mang theo các công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng đã chưa diễn ra trong thực tế như mong đợi. Nếu trong những năm đầu tiên thu hút FDI dòng vốn này tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất thay thế hàng nhập khẩu để phục vụ thị trường nội địa đang được bảo hộ, thì trong vòng 5 năm trở lại đây FDI có xu hướng chuyển dần sang các ngành thâm dụng lao động và bất động sản.
Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (được nhắc tới trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam) đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực may mặc và điện tử tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn và đáng lo khác. Đó là tất cả các doanh nghiệp được điều tra chỉ thực hiện những khâu đơn giản nhất trong dây chuyền sản xuất tại Việt Nam, còn việc thiết kế, xác định dung lượng và các khâu tinh vi khác đều được quyết định bởi công ty mẹ ở nước ngoài. Công ty mẹ cũng lo luôn việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, phân phối và bán sản phẩm cuối cùng.
Như vậy, phần việc thực hiện tại Việt Nam là mô hình gia công giản đơn điển hình, dựa vào nguồn lao động rẻ, tiêu tốn năng lượng, đòi hỏi giao thông và hạ tầng logistic tốt và cạnh tranh dựa trên giá. Với mô hình này thì rất khó có thể tạo ra tác động tràn tích cực từ khu vực FDI. Chính vì vậy, các biện pháp chính sách và nỗ lực hiện tại nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi, chi phí thấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI, tuy cần thiết nhưng xem ra vẫn không đủ để thúc đẩy tác động lan tỏa từ FDI và nâng cao năng suất lao động.
Nhưng có thể nhận thấy sự chuyển hướng của các nhà đầu tư FDI sang lĩnh vực thâm dụng lao động hay bất động sản cũng là bởi khó có thể tìm thấy các cơ hội khác khi với nhiều ngành sản xuất chính sách cũng có những sự thay đổi nhanh và khó lường, như công nghiệp ôtô chẳng hạn. Đó là chưa kể các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ gần như vắng bóng. Trong lĩnh vực sản xuất ôtô, câu chuyện các hãng ôtô lớn vẫn tiếp tục đổ từ 300 đến 500 triệu USD hồi cuối năm 2009 và cả năm 2010 vào Thái Lan để xây dựng những nhà máy có công nghệ mới hoàn toàn, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng xe cũng như khí thải của những nước nhập khẩu “nhà giàu” cho thấy những bất cập trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp này tại Việt Nam.
Đã có rất nhiều dự án lớn mà quy mô lên tới cả gần chục tỷ USD như dự án thép Cà Ná, dự án thép Formosa, dự án thép Quảng Liên - Dung Quất được khởi công rầm rộ nhưng triển khai lại rất chậm chạp. Nhiều chuyên gia đã cho rằng, các nhà đầu tư công nghiệp quy mô lớn này hoặc là giữ chỗ, hoặc là muốn tận dụng lợi thế năng lượng rẻ để có lợi nhuận cao hơn, khi mà lẽ ra họ có thể chọn một địa điểm khác có năng suất lao động cao hơn nhiều ở Việt Nam
Trên thực tế, tổng lượng vốn FDI đăng ký tuy tăng lên theo thời gian, nhưng các dự án vẫn có hàm lượng công nghệ thấp. Tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 28 dự án đầu tư được cấp phép ở các khu công nghệ cao, không ít trong số đó là các dự án với tổng số vốn đăng ký chưa đến 1 tỉ USD và vẫn đang trong giai đoạn khởi động. Trình độ lao động thấp, năng lực công nghệ yếu kém của doanh nghiệp trong nước, và sự thiếu liên kết (cả xuôi và ngược) giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, được xem là những rào cản cho quá trình chuyển giao công nghệ thông qua FDI ở Việt Nam.
Câu chuyện Intel là một minh chứng về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ để hấp dẫn nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và gia tăng mạnh mẽ phần giá trị được làm ra tại Việt Nam. Trước đó, khi chuẩn bị tuyển kỹ sư làm việc cho nhà máy chế tạo ở TPHCM, Intel đã tiến hành kiểm tra 2.000 sinh viên công nghệ thông tin được đào tạo trong nước và chỉ có 90 ứng viên, tương đương 5% số lượng, vượt qua được kỳ kiểm tra, và trong nhóm này chỉ có 40 ứng viên đáp ứng đủ trình độ tiếng Anh.
Do Việt Nam thiếu lao động có trình độ tay nghề cao và sự thiếu vắng của các ngành công nghiệp hỗ trợ nên tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của các doanh nghiệp FDI là không cao. Chẳng hạn, trong lĩnh vực sản xuất ôtô, tỷ lệ này ước tính chỉ khoảng 5 - 10%; trong khi với các sản phẩm may mặc thì đến 80 - 90% nguyên phụ liệu phải nhập khẩu. Ngay hãng Intel cũng chỉ mua dưới 10% chi tiết và nguyên liệu từ thị trường trong nước. Còn hãng Canon thường được nhắc đến như một điển hình thành công trong việc xây dựng chuỗi cung cấp nội địa cũng có đến hơn 90% nhà cung cấp thực chất là các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam.
Để đối phó với tình trạng thiếu nhà cung cấp tại Việt Nam, mới đây Samsung Việt Nam đã đề nghị cho phép các vệ tinh của tập đoàn này đến từ nước ngoài khi tham gia đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ rồi bán cho Samsung với tỷ lệ trên 50% trở lên cũng được hưởng các ưu đãi về thuế tương tự như Samsung.
Ra sức thu hút FDI để rồi lao động Việt Nam chỉ nhận được những đồng lương rẻ mạt, trong khi thuế (phần thu về cho ngân sách quốc gia) gần như giảm hết mà ngân sách nhà nước lại phải đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng như điện, nước, cảng, giao thông… để phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài đang tận dụng mọi ưu thế để được hưởng lợi cao nhất phải chăng là một cách làm nên khuyến khích ?
( Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com