Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Những “nẻo đường” lãng phí

Một công trình hạ tầng được đầu tư bằng vốn ngân sách ở TPHCM. Ảnh: LÊ TOÀN.

Năm nào cũng vậy, báo cáo chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ trước Quốc hội cũng nhận định “tình trạng tham nhũng, lãng phí tuy có chuyển biến, nhưng vẫn chậm được đẩy lùi”. Trong đó, phần lãng phí chưa bao giờ có số liệu cụ thể, chỉ đơn thuần mô tả bằng cụm từ “lãng phí còn phổ biến”. Vậy lãng phí cái gì? Lãng phí ở đâu? Tại sao lại lãng phí? là những câu hỏi mà nhân dân đang rất quan tâm và cần có câu trả lời.

Lãng phí từ thủ tục hành chính và tình trạng chậm tiến độ

Anh bạn tôi hiện đang công tác tại một công trình thủy điện ở Sơn La, hôm rồi xuống Hà Nội “chạy” thủ tục nhập khẩu thiết bị, than thở: “Khổ lắm, rõ ràng dự án thuộc loại ưu tiên, nhưng xuống đây làm thủ tục để nhập thiết bị về thi công thì vướng đủ đường. Gỡ rối ở Bộ Công Thương xong đến Bộ Tài chính, rồi hải quan lại hành với lý do thủ tục do Bộ Công Thương “soi” chưa đầy đủ! Chạy đôn, chạy đáo, chỉ vì cái “vênh nhau” của mấy ông quản lý, mất cả mấy tuần liền mới giải quyết xong!”.

Câu chuyện của anh bạn chỉ là phần nhỏ trong mớ bòng bong của bể thủ tục hành chính hiện nay khiến doanh nghiệp vừa hao tốn tiền của, vừa mất thời gian. Tuy nhiên, lãng phí ở khâu hành chính so với lãng phí do chậm tiến độ chưa thấm vào đâu. Ngoài dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bị chậm tiến độ chín năm so với kế hoạch, hầu hết các công trình trọng điểm quốc gia đều chậm tiến độ. Điển hình nhất là các dự án điện.

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trước Quốc hội: “Hiện còn nhiều dự án điện thuộc tổng sơ đồ 2 bị chậm tiến độ” (11 dự án-PV). Trong thực tế, 100% dự án nhiệt điện không thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra, trong đó có những dự án chậm so với kế hoạch 3-4 năm, thậm chí 10 năm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo Bộ Công Thương và các chủ đầu tư, là do thiếu vốn và công tác giải phóng mặt bằng...

Cơ quan quản lý nói vậy, song theo một số người trong cuộc, chậm tiến độ chưa hẳn là do thiếu vốn, năng lực nhà thầu kém, hay giải phóng mặt bằng mà ở khâu đấu thầu! Một chuyên gia từng tham gia thầu các dự án nhiệt điện cho hay “khúc mắc ở khâu chọn nhà thầu, đấu thầu EPC-tư vấn, thiết kế, cung cấp thiết bị, xây lắp, vận hành khiến dự án bị chậm tiến độ mới là nguyên nhân chính”. Dự án Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Ninh Bình là ví dụ: mất 2, 3 năm mà công tác đấu thầu, chọn nhà thầu vẫn không xong, vị này cho biết.

“Đấu thầu thời gian lâu không phải vì khó chọn nhà thầu, mà vì bên nào cũng muốn thắng thầu do bài toán quyền lợi chưa ngã ngũ” - một vị từng tham gia các dự án điện thổ lộ. Theo các chuyên gia năng lượng, mỗi một dự án điện bị chậm tiến độ khoảng 1 tháng, Nhà nước thiệt hại cả trăm tỉ đồng, còn chậm một năm số tiền thiệt hại lên tới cả ngàn tỉ đồng.

Dự án chậm tiến độ dẫn đến lãng phí lớn, nhưng điều đáng buồn xét về mặt luật pháp thì chẳng ai bị truy trách nhiệm gì. Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi gay gắt nói: “Tại sao rất nhiều công trình, dự án bị chậm tiến độ, thiệt hại cho Nhà nước cả ngàn tỉ đồng mà không có chế tài nào xử phạt. Bản thân Quốc hội cũng không đưa vấn đề này vào luật?”. Và ông phân vân đặt ra câu hỏi: “Hiện nay nguồn lực tài chính của chúng ta tương đối dồi dào, thiết bị công nghệ cũng tiên tiến hơn nhưng các dự án lại triển khai chậm tiến độ hơn?”.

Ông Ngãi lấy ví dụ dự án đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam với chiều dài toàn tuyến lên tới 1.500 ki lô mét thi công trong điều kiện thiếu thốn tài chính, công nghệ, địa hình hiểm trở, với loại siêu dự án này khi đó những nước phát triển phải mất 7-9 năm mới hoàn thành. Còn ta dưới sự tổng chỉ huy của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chỉ thi công trong vòng hai năm, năm 1994 đưa vào sử dụng đến nay vẫn không hề xảy ra chuyện gì! Vì vậy, điều quan trọng là các dự án, công trình hiện nay có ai đứng ra đôn đốc, làm tổng chỉ huy hay giám sát không?

Rõ ràng vai trò của người đứng đầu, trách nhiệm của các bên cần phải được pháp luật quy định rõ ràng. Và một khi bóng dáng của bài toán quyền lợi còn hiện hữu thì việc chậm tiến độ dẫn tới lãng phí là chuyện đương nhiên đối với các công trình, dự án trên địa bàn cả nước.

Đến lãng phí do tư duy, tầm nhìn và quy hoạch

Để phát triển một cách bền vững, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Và công tác quy hoạch gần như đã trở thành khẩu hiệu trong hành động từ cấp bộ, ngành đến địa phương trong một thời gian dài. Thật vậy, chỉ trong vòng 10 năm (2000-2010) cấp ngành, địa phương nào cũng đề ra quy hoạch cho riêng mình. Thế nhưng, chính những bản quy hoạch thiếu tính thực tiễn (quy hoạch treo) lại là một trong điểm nóng gây ra tình trạng lãng phí nhất.

Theo đánh giá của Tổng cục Quản lý đất đai, tính đến năm 2009, trên địa bàn cả nước có 1.200 dự án treo (đã quá 12 tháng mà chưa triển khai) với diện tích lên tới 130.000 héc ta. Trong đó, bao gồm các dự án làm khu công nghiệp, sân golf, trường dạy nghề. Tình trạng này xuất phát từ cuộc chạy đua giữa các địa phương trong việc phát triển công nghiệp, dịch vụ. Các bản quy hoạch và mục đích sử dụng đất rất hoành tráng và ý nghĩa như phát triển công nghiệp tạo việc làm, mở trường dạy nghề cho con em nông dân... nhưng mục đích thật sự của không ít dự án là để chiếm đất. Kết quả, nông dân bị mất đất, còn dự án thì bỏ hoang!

Ngay tại Thủ đô, nơi mà hiện nay tấc đất đúng là tấc vàng, vẫn còn nhiều dự án treo. Tại cuộc họp HĐND thành phố Hà Nội vào tháng 4 vừa qua, trả lời về nguyên nhân dẫn đến quy hoạch treo, dự án treo, đích thân Phó chủ tịch UBNDTP Vũ Hồng Khanh cho biết là do công tác tham mưu chọn chủ đầu tư chưa tốt. Đến tháng 6-2010 toàn thành phố vẫn còn 281 dự án treo! Không chỉ dự án thuộc thẩm quyền của thành phố bị treo mà các dự án cấp Trung ương trên địa bàn cũng treo nốt.

Dự án treo gây ra tốn kém đã đành, dự án do quy hoạch thiếu tầm nhìn cũng lãng phí không kém. Điển hình của các quy hoạch thiếu tầm nhìn là các quy hoạch chuyên ngành như cảng biển, ô tô... Hay như tại Hà Nội, nếu ai từng đến một trong những đô thị hiện đại nhất Thủ đô - Mỹ Đình, không khỏi giật mình vì quy hoạch manh mún, thiếu tầm nhìn, hoặc những công trình gây lãng phí nhìn thấy rõ ràng. Nhằm giảm áp lực cho các xe liên tỉnh ở các bến Giáp Bát, Gia Lâm... chính quyền thành phố này hơn năm năm trước đã quyết định xây dựng thêm bến xe khách Mỹ Đình. Sở dĩ chọn Mỹ Đình là vì khi đó đô thị ở đây vẫn còn thưa thớt, nhưng nay khi mà tốc độ đô thị hóa mọc lên quá nhanh, bến xe Mỹ Đình trở thành vật cản, gây ra ách tắc giao thông trên tuyến phố cao ốc Phạm Hùng thì một lần nữa buộc Hà Nội phải tính toán đến năm 2011 chuyển bến xe này đi nơi khác. Chỉ trong vòng hơn năm năm đã phải tính chuyện bến xe, đây là một trong những điển hình của những quy hoạch thiếu tầm nhìn. Và cũng ngay trên con đường Phạm Hùng, người ta thấy những công trình hầm chui đầu tư cả trăm tỉ đồng đến nay bỏ hoang chẳng ai đi... Rồi cả những công trình mang tên “Nhà chờ cho lao động ngoại tỉnh”, đến nay đã trở nên hư hỏng nặng và chẳng để làm gì.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
  • Chỉ số bất động sản có 'kìm cương' được thị trường nhà đất?
  • Lúng túng USD - lãi suất: Bao giờ hết theo đuôi thị trường?
  • Quản lý Sàn giao dịch BĐS : Bất cập còn dài
  • Các ngân hàng Mỹ có thể thiếu hàng trăm tỷ USD vì quy định của Basel III
  • Bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ?
  • Chi quá tay so với "sức khỏe" nền kinh tế
  • Đi tìm lời giải bài toán lãi suất
  • Bơm tiền ra có tạo áp lực lạm phát mới?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!