Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nợ công gia tăng và nỗi lo vay nợ của doanh nghiệp Nhà nước

Chỉ 10% trong tổng công nợ của Việt Nam hiện nay là số vốn do các doanh nghiệp đi vay dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Tuy nhiên, đây là một trong những khoản nợ khiến các chuyên gia kinh tế lo lắng nhất.

2010 là năm đầu tiên tỷ lệ nợ công của Việt Nam được chính thức công bố và sẽ được đem ra "mổ xẻ" trong kỳ họp tới của Quốc hội.

Theo giải thích của một thành viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong những kỳ họp trước, tỷ lệ nợ vẫn được báo cáo thực chất chỉ là nợ Chính phủ. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, đây chỉ là một thành phần của nợ công (bên cạnh nợ của doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương). Do đó, khi tỷ lệ nợ công được công bố, người ta sẽ có cái nhìn toàn diện, đầy đủ hơn về gánh nặng nợ của quốc gia.

Tuy nhiên, do nợ công lớn hơn nợ Chính phủ nên khi con số dự kiến của năm 2010 được “bật mí” tại phiên họp của Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước (52,6%), nhiều người đã không khỏi giật mình. Trước đó, khi nhắc đến các chỉ tiêu nợ phổ biến khác được công bố tại Việt Nam (nợ Chính phủ, nợ nước ngoài…), người ta vẫn coi 50% là ngưỡng an toàn.

Sự lo ngại thậm chí còn lớn hơn khi con số dự báo cho năm 2011 sẽ vượt trên 57% (số liệu nợ công năm 2009 của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới công bố mới chỉ ở mức 47,5%)

Số liệu
Tỷ lệ nợ so với GDP của Việt Nam trong những năm qua. (*): Dự kiến. Số liệu: MPI, WB


Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên nhân trước nhất dẫn đến sự tăng cao của nợ công trong năm nay là việc tiếp tục áp dụng các biện pháp kích cầu. Điều này dẫn đến tỷ lệ bội chi Ngân sách cao và Chính phủ phải vay nợ để bù đắp.

Một nguyên nhân khác cũng được các chuyên gia kinh tế đề cập là Chính phủ gia tăng huy động vốn trong năm nay. Lượng ODA được các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam trong năm 2010 ước khoảng 8 tỷ USD (tăng 36% so với 2009) trong khi Bộ Tài chính cũng phát hành thành công một tỷ USD trái phiếu Chính phủ hồi đầu năm.

Theo đánh giá một thành viên của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu chỉ tính riêng các khoản vay này thì nợ của Việt Nam là không đáng ngại, bởi phần lớn các khoản vay đều có hạn trả trong trung và dài hạn.

Tuy nhiên, nhắc đến nợ công, người ta còn phải tính đến các khoản do chính quyền địa phương hoặc doanh nghiệp đi vay dưới sự bảo lãnh của Chính phủ. Theo ước tính, khoản vay của doanh nghiệp hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ công và là khoản đáng lo ngại nhất bởi phần lớn là vay với kỳ hạn ngắn.

"Trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, Chính phủ đương nhiên sẽ phải gánh trách nhiệm với tư cách là người bảo lãnh", chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Quốc hội giải thích.

Về nguyên tắc, nợ công của Việt Nam bao gồm nợ của Chính phủ, của các chính quyền địa phương và phần vay của doanh nghiệp do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo cần tính tới cả phần doanh nghiệp Nhà nước tự đi vay, vì suy cho cùng nếu doanh nghiệp có vấn đề gì, Nhà nước với tư cách chủ sở hữu cũng sẽ phải đứng ra xử lý thay, đơn cử như trường hợp của một tập đoàn kinh tế quy mô lớn gần đây.

Theo bà Chi Lan, nếu so sánh giữa mức gia tăng nợ công trong thời gian qua với tốc độ tăng trưởng GDP thì việc Việt Nam mang nợ như hiện nay là không đáng. "Không thể lấy một số nước có tỷ lệ nợ so với GDP tới 200% để biện minh bởi họ là những nền kinh tế phát triển, việc vay nợ được quản lý rất chặt và đầu tư hiệu quả. Việt Nam thì chưa làm được điều này", chuyên gia này giải thích.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Việt Nam hiện chưa có một ủy ban chuyên trách quản lý về nợ công đã dẫn đến việc thiếu tập trung, thậm chí thiếu minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn. Điều này làm gia tăng lo ngại về việc nợ công có thể trở thành “mối đe dọa thứ 2, sau lạm phát”.

Xếp hạng nợ Chính phủ của Việt Nam năm 2009 theo CIA - Factbook
Xếp hạng nợ Chính phủ của Việt Nam năm 2009 theo CIA - Factbook

 


Một khó khăn khác cũng cần được tính đến, và bản thân Việt Nam cũng đã trải nghiệm trong thời gian qua khi nợ công gia tăng là việc tụt hạng tín nhiệm theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.

“Với đà này thì mức nợ tương đương 60% GDP sẽ sớm được tính đến. Con số này, nếu ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản thì không đáng ngại lắm vì họ tăng đến 99% thì vẫn được xếp hạng AA+. Nhưng Việt Nam ở mức 40% cũng đã thuộc nhóm BB-“, Tiến sĩ Phong giải thích.

Theo đề xuất của các chuyên gia kinh tế, "liều thuốc" đối với vấn đề nợ công ở Việt Nam là tăng cường quản lý, giám sát hoạt động vay vốn và đầu tư ngay từ cấp trung ương. Theo ý kiến của một chuyên gia của Bộ Tài chính, việc đánh giá nợ nhiều hay ít không quan trọng bằng vốn vay nợ được sử dụng như thế nào.

"Tôi cho rằng không thể nói con số 52,6% là nhiều hay ít mà cần có cái nhìn tổng quan là nợ vay sử dụng vào đâu, có hiệu quả hay không. Nếu sử dụng có hiệu quả thì việc vay này sẽ tạo ra nguồn thu và chúng ta không lo lắng về con số cao hay thấp. Còn để nó kém hiệu quả thì tất nhiên là phải lo", chuyên gia này chia sẻ.

(VnExpress)

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!