Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nợ công và vấn đề tái cơ cấu kinh tế

Một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân của nước ta chính là thực hiện với hiệu quả tối ưu việc sung dụng các nguồn lực chủ yếu, bao gồm nguồn nhân lực, đồng vốn, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên…, huy động được từ trong nước lẫn ngoài nước.

Ai cũng có thể thấy rằng, trong điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nguồn năng lượng hóa thạch, đang ngày càng trở nên hiếm hoi, cạn kiệt, mỗi quốc gia trên hành tinh xanh trong nỗ lực phấn đấu để trở nên giàu mạnh hơn cần có chiến lược đúng đắn sử dụng các nguồn lực hợp lý hơn, tiết kiệm hơn và trên hết, hiệu quả hơn.

Hiệu quả hơn có nghĩa là vừa phải tiết kiệm nguồn lực, vừa đạt được kết quả năng suất tối ưu, chất lượng tốt nhất. Tiết kiệm nguồn lực không những mang ý nghĩa là sử dụng chúng một cách dè sẻn cả về số lượng và không lãng phí thời gian mà còn phải bảo vệ, tái tạo được chúng trong một môi trường sống tốt hơn cho một tương lai lâu dài. Đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia đối với cộng đồng dân tộc của chính mình và đối với nhân loại. Đặc biệt, đồng vốn mà mỗi quốc gia huy động để đầu tư cho việc phát triển lực lượng sản xuất kinh doanh trong nước và tăng trưởng kinh tế dù là đồng tiền được thu từ thuế, vay từ trong nước hay vay từ nước ngoài cũng rất cần được sử dụng đúng đắn, không lãng phí, có hiệu quả cao và bảo toàn được nguồn vốn vì về bản chất đó cũng là những đồng tiền đã và sẽ phải tiết kiệm của người dân.

Như vậy, trong bối cảnh chúng ta đang tích cực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân, vấn đề nợ công - nguồn vốn được huy động cho đầu tư công - cần được đặt ra và giải quyết một cách sáng suốt và thỏa đáng, vì tương lai phát triển của nền kinh tế quốc dân và của đất nước. Phân tích tình hình ngân sách của Việt Nam trong nhiều năm, chúng ta có thể thấy rằng Việt Nam đã và đang theo đuổi một cách bền bỉ chính sách khiếm hụt ngân sách với mục tiêu được cho là nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phải thừa nhận rằng trong thập niên cuối thế kỷ XX, khiếm hụt ngân sách nhà nước và con đẻ của nó là đầu tư công đã có một vai trò rất quyết định trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bên cạnh sự đóng góp lớn lao của khu vực kinh tế tư doanh đang trên đà phát triển nhờ quốc sách Đổi mới và Mở cửa. Thế giới bắt đầu nói đến sự xuất hiện của một con hổ mới ở Đông Nam Á.

Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, khiếm hụt ngân sách tiếp tục diễn ra thường xuyên và có xu hướng ngày càng gia tăng nhiều hơn. Từ năm 2009 đến năm 2011, theo ước tính của IMF và ADB, khiếm hụt ngân sách của Việt Nam nằm trong khoảng 6 - 8% GDP. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, mặc dù khiếm hụt ngân sách gia tăng và đầu tư công vẫn chiếm tỷ lệ cao trong tổng đầu tư toàn xã hội (39%), tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm dần và những bất ổn vĩ mô trở nên nghiêm trọng: lạm phát tăng cao, tỷ lệ thất nghiệp tăng và khiếm hụt cán cân thương mại kéo dài. Điều này là lý do chính khiến nhiều nhà phân tích kinh tế vội vã nhận định rằng Việt Nam đang chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà quên đi các mục tiêu ổn định vĩ mô. Thật ra, xét cho cùng, chính sách khiếm hụt ngân sách cùng với chiến lược phân bố các nguồn lực quốc gia chủ yếu trong thời gian qua đều hướng đến việc tăng trưởng quy mô của khu vực kinh tế nhà nước và cuối cùng chính sự kém hiệu quả của khu vực này đã làm giảm tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế quốc dân, đồng thời gây ra những bất ổn vĩ mô.

Tình trạng khiếm hụt ngân sách kéo dài trong nhiều năm đã kéo theo sự gia tăng mạnh mẽ của nợ công. Tổng nợ công của Việt Nam đã tăng từ 40% GDP vào cuối năm 2007 lên đến 58,7% GDP vào thời điểm cuối năm 2011, trong đó nợ công đối với nước ngoài chiếm tỷ lệ 41,1% GDP. Thật ra, tỷ lệ nợ công hiện nay của Việt Nam (58,7% GDP) không phải đến mức độ đáng báo động, xét về cả số tuyệt đối lẫn tương đối. Quốc hội vừa rồi cũng đã thông qua dự luật cho phép Chính phủ nâng hạn mức tỷ lệ nợ công trên GDP còn cao hơn (65% GDP). Tuy nhiên, điều đáng quan ngại chính là ở chỗ hiệu quả của đầu tư công, đầu ra của các khoản nợ công, đã giảm thấp một cách khó tưởng tượng so với khu vực kinh tế dân doanh và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo báo cáo về năng lực cạnh tranh Việt Nam của Viện Cạnh tranh châu Á, hệ số ICOR của Việt Nam, chỉ số đo lường số đơn vị vốn cần tăng thêm để tạo thêm ra một đơn vị sản lượng, trong giai đoạn 2000-2006 và 2006-2008 lần lượt là 4,8 và 5,4. Con số này cao hơn rất nhiều so với con số tương ứng của các nước công nghiệp mới (NICs) trong thời kỳ đầu của tăng trưởng kinh tế 1961-1980. Ví dụ, trong giai đoạn này hệ số ICOR của Đài Loan là 2,7 và của Hàn Quốc là 3. Hệ số ICOR của Thái Lan trong giai đoạn cất cánh 1981-1995 là 4,1. Điều đáng lưu ý là khi tính toán hệ số ICOR của từng khu vực kinh tế, người ta nhận thấy rằng hệ số này của khu vực kinh tế nhà nước ước tính cao gấp 1,5 lần con số trung bình của toàn nền kinh tế và gấp đôi hệ số ICOR của khu vực kinh tế dân doanh. Đáng lo ngại hơn, hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước lại có xu thế càng ngày càng giảm thấp.

Trong những năm 2011 và 2012, ước tính hệ số ICOR của đầu tư công đã lên đến con số đáng lo ngại là 7,5 có nghĩa là để tạo ra một đồng sản phẩm, khu vực kinh tế nhà nước phải sử dụng đến 7,5 đồng vốn đầu tư. Sự kém hiệu quả của đầu tư công, đặc biệt là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đã kéo mức độ hiệu quả của đầu tư toàn xã hội xuống thấp. Theo một tính toán mới đây, hệ số ICOR của đầu tư tại Việt Nam lên đến con số 6, cao hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn nhỏ trong khu vực, khiến cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh hiệu quả đầu tư thấp, thể hiện qua chỉ số ICOR cao, khu vực kinh tế nhà nước, trong khi sử dụng nhiều đồng vốn hơn, lại tạo ra được ít việc làm hơn so với khu vực dân doanh. Thống kê cho thấy đầu tư công chiếm xấp xỉ 40% tổng đầu tư toàn nền kinh tế nhưng khu vực nhà nước chỉ tạo ra khoảng 10% số công ăn việc làm cho toàn xã hội. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư doanh chiếm 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng lại tạo ra tới 87% công ăn việc làm cho toàn nền kinh tế.

Chúng ta có thể cho rằng đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước mang tính chất thâm dụng vốn (capital intensive) do đó ít tạo ra công ăn việc làm so với đầu tư tư nhân mang tính chất thâm dụng lao động (labor intensive). Tuy nhiên, sẽ khó giải thích được vì sao năng suất và hiệu quả của đầu tư công lại thấp hơn trong khi chi phí đầu tư cho máy móc, trang thiết bị hiện đại tốn kém hơn nhiều lần so với đầu tư tư doanh chưa kể các ưu đãi khác từ Nhà nước như được hưởng chính sách bảo hộ, chiếm vị trí độc quyền sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động, được thỏa mãn đầy đủ nhu cầu nguồn vốn đầu tư với chi phí thấp hơn... Không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp nhà nước đã có những đóng góp nhất định trong quá trình công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới.

Tuy nhiên, do mở rộng quá nhanh không kiểm soát được về quy mô hoạt động, đầu tư dàn trải tràn lan trong mọi ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và bất động sản, cùng với tình trạng tiêu cực và tham nhũng trong quản lý điều hành và việc thiếu một cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch đã khiến cho hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước ngày càng giảm sút, nguồn vốn đầu tư lớn đã bỏ ra không thu hồi được, khiến cho gánh nặng nợ công trong và ngoài nước ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Hơn nữa, sự kém hiệu quả này không chỉ ảnh hưởng đối với chất lượng tăng trưởng của khu vực kinh tế nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực dân doanh, nạn nhân của môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng, đồng thời là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát và sút giảm công ăn việc làm trong nền kinh tế.

Đã đến lúc cần phải có một quốc sách phân bố nguồn lực quốc gia năng động và hiệu quả, trong đó có kế hoạch cắt giảm đầu tư công nhằm làm giảm nợ công, từ đó làm giảm áp lực khiếm hụt ngân sách, đồng thời đẩy nhanh chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm cải thiện sớm hiệu quả của đầu tư công.

Nhiều phân tích cho thấy chỉ cần giảm 1/3 đầu tư công từ ngân sách nhà nước, chúng ta đã có thể đạt đến mức cân đối ngân sách. Điều này có nghĩa là, nếu chỉ tập trung đầu tư công cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng của nền kinh tế, giảm bớt đầu tư công cho các doanh nghiệp nhà nước, tập trung các nguồn lực quốc gia cho các khu vực kinh tế có hiệu quả cao là khu vực dân doanh và khu vực đầu tư nước ngoài, chúng ta có thể đạt một công đôi ba việc: tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ tăng, chất lượng tăng trưởng tốt hơn, lạm phát giảm và nền kinh tế có cơ may tiến đến thăng bằng toàn dụng. Đây chính là thành quả đang được mọi người mong đợi từ kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế quốc dân.

Tác giả: Huỳnh Bửu Sơn
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

  • Nhìn lại thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm và dự báo
  • Việt Nam: Nghịch lý ngân hàng sống nhờ “bầu sữa” ngân sách
  • Ngân hàng làm gì với thế hệ Y?
  • Thế hệ Y và cuộc cách mạng trong ngân hàng bán lẻ
  • Nguy cơ nợ công Việt Nam thực sự nằm ở đâu?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!