Có hiện tượng nhiều doanh nghiệp FDI đang bắt đầu chuyển hướng từ sản xuất sang phân phối.
Điều đáng buồn là bản thân các con số về vốn FDI thực hiện - được cho là có thể bù đắp thâm hụt cán cân vãng lai, tạo nên thế ổn định cho cán cân thanh toán - cũng có độ chính xác thấp mà bản thân những người làm ra con số này chẳng thể đủ tự tin về chính số liệu mình phát ra.
“Trước đây mình còn mạnh dạn nói được con số vốn thực hiện, nhưng gần đây cũng không tự tin, vì các địa phương cũng không cập nhật được”, ông Hoàng thẳng thắn nói.
Trong khi đó, sau khi phân cấp mạnh cho các địa phương thì các chế tài để xử phạt những hành vi trái quy định về cung cấp số liệu thống kê gần như không có, hoặc thiếu hiệu lực.
“Có một cái dở là trong thống kê của chúng ta, tôi cảm giác chế tài chưa đủ mạnh và có lẽ không có chế tài thì đúng hơn, không báo cáo lên thì không làm gì được. Bản thân trong hệ thống luật pháp cũng thiếu một phần đó, trong quá trình điều hành chúng ta cũng chưa kiên quyết”, ông Hoàng nhìn nhận.
Cực chẳng đã, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đành nhân dịp họp giao ban sản xuất, chuyển đề nghị đến lãnh đạo các sở, ban, ngành ở địa phương, đề nghị giúp đôn đốc việc cập nhật thông tin ở các doanh nghiệp FDI.
“Mồi câu” đang bé lại Một cái khó nữa với cơ quan quản lý vốn FDI thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là những thuận lợi làm “mồi câu” thu hút vốn FDI dường như đang dần bé lại.
Mặc dù có được thời cơ tốt, khi Thái Lan gặp khủng hoảng cùng lúc nhiều nhà đầu tư muốn mở rộng “chân trụ” ra các thị trường ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, sức hút đối với vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam không tạo được những bước đột phá trong mấy năm gần đây.
“Thứ nhất là bất cập trong chính sách ưu đãi của chúng ta”, ông Hoàng giải thích, “chính sách ưu đãi có phần bị chặn lại trong Nghị định 24 về thuế thu nhập doanh nghiệp”.
Theo người đứng đầu cơ quan quản lý FDI, trước đây thuế thu nhập doanh nghiệp tương đồng với Luật Đầu tư và Nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư về ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, Nghị định 24 về thuế thu nhập doanh nghiệp đã thu hẹp lại lĩnh vực ưu đãi.
“Chúng ta hiện nay có 10 ăng ten ở nước ngoài
(tham tán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PV), sáng nay tôi có kiểm tra e-mail, các anh em đều nói về là chúng ta bây giờ ưu đãi kém đi thì rất khó để thuyết phục nhà đầu tư vào Việt Nam”, ông Hoàng nói.
Trong khi đó, gần đây các nhà đầu tư nước ngoài hiện đã đầu tư vào Việt Nam kêu ca, phàn nàn rất nhiều về tình trạng thiếu điện, thậm chí một số nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc còn tỏ ra bực dọc vì chót đầu tư mà không tính đến việc thiếu điện ảnh hưởng sản xuất.
“Cho nên phải lựa, trong quá trình triển khai, chúng tôi đề nghị các địa phương năm nay, những dự án mà tiêu hao nhiều năng lượng các anh cũng phải điều chỉnh trong quá trình thu hút đầu tư”, ông Hoàng đề nghị.
Không rõ có phải do những ưu đãi đầu tư kém đi, gần đây doanh nghiệp FDI đang chuyển sang nhập khẩu về để phân phối. “Khi chúng tôi xử lý công văn hàng ngày thì thấy hiện nay có hiện tượng các doanh nghiệp đang bắt đầu chuyển hướng sang phân phối”, ông Hoàng cho biết.
“Chúng tôi rất xót xa khi gửi công văn cho các địa phương là phải đồng ý”, Cục trưởng Hoàng nói, “vì theo cam kết WTO chúng ta không phản đối được. Họ cứ chuyển sang hình thức nhập khẩu phân phối khi đã có cơ sở sản xuất ở đây. Họ thêm chức năng đó thì tức là sẽ phải thu hẹp sản xuất lại”.
Đến những đồng vốn FDI “đen” Đặt ngược vấn đề, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nêu câu hỏi với cấp dưới của mình, ngoài chuyện cung cấp không đủ điện thì có chuyện nhà đầu tư chuyển kế hoạch sản xuất từ các nước khác về Việt Nam, vì điện của chúng ta hiện vẫn thấp hơn các nước?
“Các dự án sử dụng nhiều năng lượng, ở các tỉnh hầu như không để ý gì đến chỗ này. Các đồng chí phải xem lại chỗ ấy”, ông Trung nhắn nhủ.
Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng cho rằng không loại trừ lý do quản lý về môi trường của Việt Nam chưa chặt, nên nhà đầu tư chuyển nhưng dự án ô nhiễm môi trường mà các nước siết lại sang Việt Nam, làm cho quá tải về điện…
“Vì hiện cũng không nắm được tình hình của họ ở dưới như thế nào, kế hoạch sản xuất của họ không nắm được, những thông tin về FDI rất mù mờ, thành ra tôi ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà hôm họp Thường trực Chính phủ, họ hỏi có phải không thì chịu”, ông Trung cho hay.
Ngược lại, doanh nghiệp FDI lỗ hay lãi thế nào, cơ quan quản lý đầu tư cũng khó nắm chính xác. Nói đến chuyện doanh nghiệp FDI báo cáo lỗ nhiều năm liền, Cục trưởng Hoàng cho rằng: “Với vai trò cơ quan đầu mối, có trách nhiệm, tuy nhiên tôi nghĩ rằng việc lỗ này đầu tiên trách nhiệm là thuộc chi cục thuế địa phương, phải bán sát thu chi của doanh nghiệp để xem báo cáo thuế có chuẩn không, trên cơ sở đó chúng ta mới có số liệu”.
Giải pháp trước mắt của Cục, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, là công khai lên các phương tiện thông tin đại chúng tên tuổi các doanh nghiệp bị truy thu thuế để để các doanh nghiệp khác phải e ngại.
“Chỉ cần nói rằng báo cáo thuế của các ông tôi sẽ công bố về công ty mẹ thì họ sợ ngay, lập tức bảo thôi ông đừng công bố để chúng tôi điều chỉnh lại. Chúng ta chưa có đội ngũ để làm thì cũng nên làm như thế, để mà trên cơ sở đó giảm hiện tượng trốn thuế và chuyển lãi”, ông nói.