Việc thiếu thanh khoản đang khiến nhiều ngân hàng đua tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) lên mức cao chưa từng thấy.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giữa các ngân hàng đang có cuộc tranh giành tiền gửi thanh toán.
Trong tuần này, nhiều ngân hàng lần lượt “thay nhau” nâng lãi suất tiền gửi thanh toán VND lên mức bất thường. Từ ngày 14/3 trở lại đây, một số ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn nhằm thu hút vốn linh hoạt. Với mức lãi suất “khủng” 9,5%, Ngân hàng Phương Đông (OCB) đang dẫn đầu lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn.
Trước đó, nhiều ngân hàng khác cũng vào cuộc đua về lãi suất không kỳ hạn. Tại VietAbank, lãi suất không kỳ hạn từ 3,6% đã “nhảy lên” mức 6,5%, 7,5%, 8% đối với cá nhân, tổ chức tùy vào số tiền thực gửi. Tại VP Bank, lãi suất tiền gửi thanh toán cao nhất cũng lên đến 9%. Còn tại các ngân hàng lớn như ACB, Techcombank, lãi suất tiền gửi thanh toán cũng được nâng từ 3% lên 3,6%, 4,08% và cao hơn tùy vào số dư cuối ngày trong tài khoản.
Nguyên tắc của tiền gửi không kỳ hạn là đơn vị tín dụng huy động chỉ được dùng khoảng 40% vốn để “xài”, vậy điều gì đã khiến các ngân hàng tranh giành tiền gửi loại này?
Ông Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết: “Với trần 14% cho loại tiết kiệm, nhiều tổ chức, cá nhân không gửi, trong khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay “xử” ngân hàng nâng lãi suất VND lên quá 14%… nên các ngân hàng thiếu thanh khoản, phải lách qua tiền gửi thanh toán”. Theo ông Dương, cả người gửi tiết kiệm và người gửi thanh toán đều “hoan nghênh” việc tăng lãi suất này, vì... họ có thể rút vốn linh hoạt mà vẫn có được lãi suất như ý.
Nhưng rõ ràng, tiền gửi thanh toán với mức lãi suất 9,5% như hiện nay là quá cao, chỉ có những ngân hàng thiếu thanh khoản tiền đồng mới vào cuộc đua này.
(Báo đất việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com