Trao đổi với Báo Đầu tư bên lề Hội nghị ngành Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì đà tăng trưởng hợp lý, thì phải kích cầu đầu tư.
Thưa Bộ trưởng, phát biểu tại Hội nghị ngành KH&ĐT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, ngay từ bây giờ phải thực hiện gói giải pháp về kích cầu đầu tư để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế. Với tư cách là cơ quan tham mưu chính sách cho Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã và sẽ xây dựng gói giải pháp này như thế nào?
Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chuẩn bị đề án về kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Cuối tháng 11 này, chúng tôi sẽ trình Chính phủ đề án này, trong đó có nêu cụ thể các biện pháp để kích cầu đầu tư. Thủ tướng cũng đã khẳng định, không phải là kích cầu một cách chung chung, hay kích cầu tiêu dùng, mà là kích cầu đầu tư. Cũng không phải kích cầu đầu tư một cách tràn lan, mà chỉ tập trung vào những dự án có hiệu quả, vì nếu không, sẽ làm lạm phát quay trở lại.
Vậy công việc này sẽ được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?
Trước hết, chúng ta phải nói tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2009. Muốn đạt được mục tiêu này, thì ngành nông nghiệp phải đóng góp được 2,8%, thấp hơn chút ít so với mức tăng trưởng trên 3% trong năm 2008. Ngành nông nghiệp hoàn toàn có thể đạt mục tiêu này. Còn với công nghiệp và xây dựng, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng 7,4% trong năm 2009.
Năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 15,8-16%, còn giá trị gia tăng đạt trên 9%, hơi thấp hơn những năm trước, nhưng chủ yếu là do xây dựng đã giảm khoảng 2% trong 2008. Vì vậy, trong bối cảnh giá cả đã giảm dần, để đảm bảo không suy giảm kinh tế, phải kích cầu vào xây dựng, vào đầu tư, đưa tiền ra để tiêu thụ hết sắt thép, xi măng…, làm sao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhưng theo kế hoạch, trong năm 2009, sẽ chỉ có trên 112.000 tỷ đồng từ ngân sách được chi cho đầu tư phát triển, thấp hơn so thực hiện năm 2008 gần 6.000 tỷ đồng. Làm sao để kích cầu đầu tư, thưa Bộ trưởng?
Đúng là Quốc hội đã thông qua ngân sách cho đầu tư phát triển năm 2009 là 112.000 tỷ đồng, hụt 6.000 tỷ đồng so với năm trước. Nhưng tôi có thể khẳng định rằng, vốn đầu tư phân giao cho khối địa phương vẫn giữ nguyên. Riêng khối đầu tư chung, khối đầu tư của doanh nghiệp nhà nước sẽ bị cắt giảm. Đầu tư cho các tập đoàn Dầu khí, Dệt may, Cao su… sẽ bị cắt, chúng ta chỉ đảm bảo vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước làm công ích, như đường sắt, cảng biển, điện cho đồng bào Tây Nguyên…
Để bù cho khoản thiếu hụt này, Chính phủ đã đồng ý tăng thêm 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Hiện nay, giải ngân trái phiếu Chính phủ đang rất chậm, chúng ta phải tập trung giải ngân càng sớm càng tốt. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng vậy, Chính phủ chỉ đạo là giải ngân càng nhiều càng tốt, để đảm bảo cán cân thanh toán tổng thể. Hiện nay, mức ghi của chúng ta đang thấp hơn yêu cầu của nhà tài trợ. Vì thế, cả Trung ương và địa phương đều phải tập trung giải ngân tối đa về vốn ODA.
Một nguồn vốn nữa có thể giúp kích cầu đầu tư đó là tín dụng cho các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta phải xem xét để hạ lãi suất cho hợp lý. Hiện nay, lãi suất cơ bản đã giảm xuống 11%, kéo mức trần lãi suất cho vay xuống còn 16,5%, nhưng như thế đã hợp lý chưa? Vốn tư nhân cũng có thể kích cầu. Tư nhân mà đầu tư thì cũng giúp kích cầu tiêu thụ xi măng, sắt thép… Tương tự, chúng ta cũng phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương phải khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư có thể giải ngân nguồn vốn đầu tư đã cam kết.
Nhưng thưa Bộ trưởng, một trong những lý do khiến việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm trong thời gian qua chính là vì vướng mắc về thủ tục. Làm thế nào để giải quyết vấn đề này?
Đúng là hiện nay vẫn còn một số vướng mắc trong thủ tục, đặc biệt đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn đầu tư từ tập đoàn kinh tế, từ doanh nghiệp nhà nước và chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn chỉnh. Mới đây, Bộ đã đề xuất và Quốc hội cũng đã thông qua kế hoạch xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến xây dựng cơ bản.
Chúng tôi sẽ giao Vụ Thẩm định và Giám sát đầu tư xem xét lại, xem điều khoản nào của luật nào phải sửa đổi bổ sung, bao gồm cả Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai… Chúng tôi đang tập hợp ý kiến, những luật nào có quy định về xây dựng cơ bản mà vướng thì sẽ sửa. Luật này dự kiến thông qua trong một kỳ họp, tức là đầu kỳ họp thì trình bày, cuối kỳ họp sẽ thông qua. Tất cả là để kích cầu đầu tư, đảm bảo tăng trưởng hợp lý, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
(Theo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com